HIV/AIDS và những sự-kiện-đầu-tiên

Sống khỏe mạnh - 11/28/2024

HIV/AIDS và những dấu mốc đáng nhớ. Với sự ra đời của thuốc kháng vi-rút ARV, HIV/AIDS đã không còn là 'án tử hình' với những người mang bệnh.

Với sự ra đời của thuốc kháng vi-rút ARV, HIV/AIDS đã không còn là 'án tử hình' với những người mang bệnh. Tuy nhiên, nhận thức về HIV/AIDS vẫn cần được nâng cao trong cộng đồng.

Nguồn gốc vi-rút HIV

HIV là loại vi-rút có tính thay đổi cao, đột biến dễ dàng và thuộc nhóm Lentivirus - nhóm vi-rút tấn công hệ miễn dịch. Có 2 chủng HIV là HIV-1 (bắt nguồn từ tinh tinh) và HIV-2 (bắt nguồn từ một loài khỉ nhỏ ở châu Phi).

HIV/AIDS và những sự-kiện-đầu-tiên

HIV là loại vi-rút thuộc nhóm Lentivirus - nhóm vi-rút tấn công hệ miễn dịch (Ảnh minh họa: Internet)

Hai chủng vi-rút HIV đều lây truyền qua quan hệ tình dục, đường máu và từ mẹ sang con. Tuy nhiên, chỉ có HIV-1 có khả năng lây truyền cao và là nhóm gây đại dịch AIDS. HIV-2 ít gặp, không dễ lây nhiễm và chủ yếu khu trú tại Tây Phi.

Ca mắc HIV/AIDS đầu tiên trên thế giới

Sau khi phân tích mẫu máu của một người đàn ông ở Kinshasa, Congo được lưu lại vào năm 1959, các nhà khoa học ghi nhận đây là người đầu tiên trên thế giới nhiễm HIV. Tuy nhiên, đến những năm 80 của thế kỷ 20, bệnh AIDS lâm sàng mới được phát hiện đầu tiên tại Mỹ khi một số thanh niên có tình dục đồng giới nam đột nhiên bị suy giảm miễn dịch và không thể chống đỡ các nhiễm trùng đơn giản.

Ban đầu, bệnh này được đặt tên là GRID (Gay Related Immunodeficiency Disease – Bệnh suy giảm miễn dịch liên quan tới người tình dục đồng giới nam). Sau khi tìm hiểu rõ về căn bệnh, các nhà khoa học đổi tên thành AIDS (Acquired immunodeficiency syndrome  - Hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải).

Bệnh nhân HIV/AIDS đầu tiên được chữa khỏi

Bệnh nhân đầu tiên trên thế giới đã chữa khỏi vi-rút HIV là Timothy Ray Brown (sống ở miền Tây nước Mỹ). Timothy được phát hiện dương tính với vi-rút HIV năm 1995. Năm 2006, ông tiếp tục được chẩn đoán bị ung thư máu.

HIV/AIDS và những sự-kiện-đầu-tiên

Timothy Ray Brown được công nhận là bệnh nhân nhiễm HIV đầu tiên được chữa khỏi (Ảnh: Internet)

Năm 2007, bác sĩ Gero Huetter thuộc trường Đại học y khoa Charite quyết định ghép tủy sống cho Timothy để trị bệnh ung thư máu. Điều bất ngờ đã xảy ra khi việc ghép tủy không chỉ chữa bệnh ung thư máu, mà còn loại bỏ hoàn toàn vi-rút HIV.

Các nhà khoa học cho biết tủy sống của người hiến cho Timothy chứa một loại gene có thể tiêu diệt được vi-rút HIV. Tuy nhiên, chỉ một số ít người Bắc Âu có loại gene này.

Nước đầu tiên loại trừ được lây nhiễm HIV từ mẹ sang con

Ngày 30/6/2015, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố Cuba là quốc gia đầu tiên trên thế giới thành công trong việc loại trừ sự lây nhiễm HIV từ mẹ sang con. Theo quy định của WHO, để được công nhận loại bỏ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con, bên cạnh các tiêu chí về thông tin thống kê và cảnh báo nguy cơ của HIV/AIDS, quốc gia đó phải hạn chế được tỷ lệ trẻ sơ sinh mắc bệnh dưới 2% trên tổng số các bà mẹ mang vi-rút. Đồng thời, tỷ lệ phụ nữ mang thai được xét nghiệm HIV và tỷ lệ điều trị thuốc kháng retrovirus trên tổng số phụ nữ mang thai dương tính với vi-rút HIV phải đạt trên 95%.

HIV/AIDS xuất hiện lần đầu tiên tại Việt Nam khi nào?

Tháng 12/1990, trường hợp nhiễm HIV đầu tiên tại Việt Nam được phát hiện tại Tp. Hồ Chí Minh. Năm 1993, dịch HIV/AIDS bắt đầu bùng phát mạnh mẽ tại thành phố này do hoạt động tiêm chích ma túy. Đến cuối tháng 12/1998, HIV/AIDS được phát hiện trên toàn bộ 61 tỉnh thành của cả nước.

Theo báo cáo, tính đến tháng 6/2015, Việt Nam có 227.000 trường hợp nhiễm HIV còn sống, trung bình một ngày có thêm 20 ca nhiễm HIV mới. Đặc biệt, tỷ lệ lây nhiễm qua quan hệ tình dục tăng cao và có tới 79% trường hợp nhiễm bệnh trong độ tuổi từ 16-39.

Bệnh nhân đầu tiên bị HIV tại Việt Nam giờ ra sao?

Trường hợp nhiễm HIV đầu tiên tại Việt Nam được phát hiện năm 1990 là một người phụ nữ 30 tuổi. Chị lây nhiễm vi-rút từ chồng sắp cưới vốn là một nghệ sĩ múa châu Âu. Sau 25 năm kể từ ngày nhận kết quả xét nghiệm dương tính, hiện chị vẫn sống khỏe mạnh.

Giám đốc Sở Y tế Tp. Hồ Chí Minh cho biết bệnh nhân này sử dụng thuốc kháng vi-rút thường xuyên, tâm lý thoải mái nên sau nhiều năm, hàm lượng vi-rút HIV trong máu rất thấp, gần như đã được loại bỏ hoàn toàn.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!