Ho dai dẳng, sụt cân cảnh giác bệnh lao phổi

Sống khỏe mạnh - 11/24/2024

Ho là triệu chứng thường gặp của các bệnh thuộc đường hô hấp, trong đó có bệnh lao phổi.

Lao phổi là một bệnh lây truyền từ người này sang người qua không khí, vi khuẩn lao có trong đờm rãi của bệnh nhân khi ho, khạc, hắt hơi. Người lành hít phải sẽ bị nhiễm lao. Đây không phải là một bệnh di truyền. Lao phổi phát hiện sớm, điều trị đúng phác đồ, đủ thời gian sẽ khỏi hoàn toàn. Vì vậy khi có triệu chứng ho kéo dài trên 2 tuần nên đi khám xác định hoặc loại trừ bệnh lao phổi.

1. Triệu chứng bệnh lao phổi

Bệnh bắt đầu một cách từ từ với các dấu hiệu: Mệt mỏi, giảm khả năng làm việc, ăn kém, gầy sút, sốt nhẹ về chiều tối (37 - 38oC) kèm theo ra mồ hôi về ban đêm, da xanh...

Triệu chứng hay gặp nhất là ho khạc đờm: Đờm nhầy, màu vàng nhạt, có thể màu xanh hoặc mủ đặc. Ho ra máu:  thường ho ra máu ít, máu hình sợi lẫn trong đờm, có đuôi khái huyết (hiện tượng ho ra máu giảm dần rồi hết). 

Ho dai dẳng, sụt cân cảnh giác bệnh lao phổi

Ho dai dẳng, khạc đờm, khó thở lâu không khỏi hãy nghĩ đến khả năng bệnh lao phổi (Ảnh minh họa: Internet)

Các triệu chứng diễn biến từng đợt, có thời gian giảm, sau đó lại trở lại với mức độ nặng hơn: Đau ngực, khó thở, ho ngày càng tăng, ho khạc đờm lẫn máu ngày càng nhiều, bệnh nhân suy kiệt, da xanh, niêm mạc nhợt, sốt dai dẳng về chiều và tối. Bệnh nhân thường tử vong ở trạng thái suy kiệt và suy hô hấp.

Bệnh lao phổi nếu điều trị không đúng phác đồ, điều trị muộn sẽ không khỏi, bệnh diễn biến mãn tính kéo dài. Bệnh nhân mất hoặc giảm khả năng lao động, suy kiệt, gây nhiều hệ lụy cho gia đình và xã hội. 

Việc phát hiện sớm lao phổi là rất cần thiết. Vì vậy nếu ho kéo dài trên 2 tuần kèm theo các triệu chứng mệt mỏi, sốt nhẹ về chiều nên được khám: Chụp X-quang phổi, xét nghiệm đờm, làm phản ứng mantoux… Nếu bị lao phổi phải điều trị dứt điểm, đúng phác đồ, bệnh sẽ khỏi hoàn toàn. Không nên giấu bệnh, coi đây là một điều kín, nói ra ảnh hưởng đến gia đình con cái, không nên quan niệm bệnh lao là di truyền.

2. Những điều cần biết về bệnh lao 

Ho dai dẳng, sụt cân cảnh giác bệnh lao phổi

Nếu thấy những dấu hiệu bất thường phải đi gặp bác sĩ ngay để kịp thời điều trị (Ảnh minh họa: Internet)

- Bệnh lao là một bệnh lây do hít phải vi khuẩn có trong môi trường, không phải là bệnh di truyền. Tuy nhiên, người mắc bệnh lao thường lây cho những người tiếp xúc với họ thường xuyên như trong một gia đình, bè bạn, đồng nghiệp… Cho nên nhiều trường hợp trong một gia đình có nhiều người cùng bị lao.

- Đa số những người hít phải vi khuẩn lao đều trở nên nhiễm lao. Nhưng cơ thể họ có khả năng chiến đấu chống lại vi khuẩn lao, ngăn chặn chúng sinh sản, trở nên bất hoạt nhưng vẫn còn sống trong cơ thể và sẽ hoạt động lại sau này. Đó là sự nhiễm lao, người bị nhiễm lao hoàn toàn không có triệu chứng nào, không cảm thấy bệnh, không lây cho người khác. 

- Có nhiều người nhiễm lao không bao giờ phát triển thành bệnh lao thật sự. Ở những người này, vi khuẩn lao bất hoạt suốt đời không gây bệnh. Trái lại những người khác, đặc biệt một khi hệ miễn dịch suy yếu, vi khuẩn lao hoạt động gây ra bệnh lao thực sự. 

- Điều trị bệnh lao cần thời gian ít nhất là 6 tháng hay lâu hơn nữa, thể lực sẽ khỏe lại sau vài tuần lễ điều trị nhưng vi khuẩn lao vẫn còn tồn tại trong cơ thể, vẫn phải uống thuốc tiếp tục đến khi không còn triệu chứng nào của bệnh lao.

Bác sĩ Đỗ Hữu Thảnh

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!