Ho lâu ngày, trẻ có thể bị dị ứng thời tiết

Cần biết - 11/24/2024

Dùng hết 3 lọ siro trị ho, đổi 3 lần kháng sinh mà con sáng nào cũng làm một tràng sặc sụa, chị Trà sốt ruột đành bế con đi khám.

Bác sĩ cho biết, bé nhà chị ho do dị ứng thời tiết. Cũng như chị Trà, nhiều bà mẹ lo lắng khi thấy con ho lâu khỏi.

Bác sĩ Vũ Thị Việt, Khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi trung ương cho biết, từ khi thời tiết chuyển mùa đến nay, phòng khám hô hấp đông bệnh nhân hơn, bác sĩ phải làm việc hết công suất từ đầu đến cuối buổi. Câu bà thường xuyên được nghe nhất là 'bác ơi, cháu ho quá nửa tháng rồi mà vẫn chưa khỏi', nhưng khi xét nghiệm thì trẻ không mắc bệnh gì, trẻ cũng không sốt hay có biểu hiện viêm nhiễm gì.

Bác sĩ Việt cho biết, thời gian chuyển mùa, thời tiết thất thường, thay đổi liên tục từ nóng sang lạnh rồi từ lạnh sang nóng, trong vài ngày, thậm chí từ sáng đến chiều, ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Những bé dưới 3 tuổi, hệ hô hấp còn yếu ớt, sức đề kháng cũng kém là đối tượng dễ phản ứng với điều kiện thời tiết thất thường nhất và có thể biểu hiện bằng ho.

Ho lâu ngày, trẻ có thể bị dị ứng thời tiết

Trẻ ho lâu ngày, điều trị kéo dài cần nghĩ đến dị ứng thời tiết (Ảnh: Internet)

Bác sĩ cho biết, trẻ bị ho dị ứng thường ho thành cơn, nhất là lúc trước khi đi ngủ, sau khi ngủ dậy, hay lúc chuyển tư thế, đang từ nằm sang ngồi hay ngược lại (do thay đổi áp lực trong cơ thể). Khác với ho do viêm nhiễm thường là trẻ hay sốt, có thể có đờm đục, đờm xanh, trẻ ho do kích ứng thời tiết thường sẽ có rất nhiều đờm nhưng là đờm trong, không sốt, khi xét nghiệm thì bạch cầu không tăng.

Bác sĩ Việt cho biết, những trường hợp ho do dị ứng thời tiết, cần được điều trị bằng thuốc dị ứng (các loại kháng histamin), thuốc giảm tiết chảy nước mũi, thuốc giảm mẫn cảm kết hợp siro làm dịu ho.

Ngoài ra, vì trẻ thường nhiều đờm, nên cần làm cho các bé sổ được đờm ra, có thể bằng siro ho long đờm hay bằng vỗ rung.

Cách vỗ rung rất đơn giản: Mẹ khum bàn tay lại rồi vỗ đều vào vùng lưng bé, phần giữa hai bả vai, làm nhịp nhàng liên tục và nên để bé nằm hoặc ngồi với tư thế đầu hơi dốc xuống. Sau động tác này, trẻ có thể sẽ ho nhiều và nôn, khạc ra đờm nên cần làm lúc trẻ đói, tốt nhất là buổi sáng ngủ dậy, khi bé chưa ăn gì. Với những trẻ không tự khạc được đờm, mẹ có thể kích thích cho bé nôn, có thể bằng cách dùng khăn mỏng sạch lau nhẹ nhàng khoang miệng, lưỡi, kích thích nhẹ vào họng.

Bác sĩ cho biết, nhiều trẻ ho dị ứng rất lâu khỏi và có thể bị bội nhiễm, do các bà mẹ dùng thuốc cho con không đúng, lạm dụng siro ho. Bà đơn cử, có những trường hợp, lẽ ra cần cho trẻ dùng thuốc ho long đờm, thì lại sử dụng loại thuốc ho làm đờm quánh lại, tuy ho có giảm đi nhưng lại khiến trẻ mệt, khó thở, và bệnh viện từng phải cấp cứu nhiều trường hợp như vậy.

Bác sĩ Việt cho biết, tuy không nguy hiểm, nhưng nếu không biết chăm sóc đúng cách, trẻ ho dị ứng rất có thể bị bội nhiễm, dẫn đến các viêm nhiễm đường hô hấp như viêm phế quản, viêm phổi...

Vì thế, bà cho rằng, để phòng bệnh cho con, bố mẹ cần chăm sóc vệ sinh mũi họng cho bé thường xuyên, cho trẻ xúc miệng và rửa mũi bằng nước muối sinh lý, ăn uống đủ chất. Khi bé bị ho mà không kèm các dấu hiệu sốt, mệt mỏi, có thể cho trẻ uống thuốc ho long đờm và cần chú ý xem liệu có phải do trẻ dị ứng với một loại thức ăn nào đó không để loại hẳn khỏi thực đơn của bé trong thời gian đó.

Nếu sau 3 ngày trẻ vẫn không đỡ ho, phụ huynh cần cho con đi khám để được bác sĩ chẩn đoán đúng bệnh và cho thuốc phù hợp, không nên tự ý điều trị và thay thuốc cho con.

>> Xem thêm: Hỏi - đáp về bệnh dị ứng chung

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!