Ho nhẹ mà đau toàn thân, cẩn thận thoát vị đĩa đệm cột sống

Sống khỏe mạnh - 11/24/2024

Thoát vị đĩa đệm cột sống thường xảy ra ở nam giới nhiều hơn nữ giới, có thể do nam giới lao động, mang vác nặng nhiều hơn nữ giới.

Theo một số nghiên cứu của ngành Y khoa Hoa Kỳ, khoảng 70% dân số trưởng thành có nguy cơ mắc bệnh thoát vị đĩa đệm. Tuy nhiên, nếu phát hiện sớm, bệnh được điều trị hiệu quả. ThS.BS Nguyễn Tấn Luông, Phó Trưởng Khoa Ngoại thần kinh (Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ) chia sẻ về các dấu hiệu sớm nhận diện bệnh thoát vị đĩa đệm, nguy cơ dẫn đến bệnh và việc phòng tránh, điều trị bệnh.

Nỗi khổ khi ho nhẹ cũng đau toàn thân

Thời gian gần đây, chị Ngọc Giao (36 tuổi, làm nghề trang điểm ở quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) thường đau nhức cột sống. Chị nghe người quen hướng dẫn đi châm cứu và đắp thuốc Nam, thuốc Bắc nhưng bệnh không thuyên giảm mà ngày càng trầm trọng. Đau nhức quá, chị Giao đến bệnh viện thăm khám, được các bác sĩ ngoại thần kinh chẩn đoán bị thoát vị đĩa đệm và điều trị nội khoa. Chị Giao cho biết, từ khi uống thuốc đến nay, chị đỡ đau và đi lại dễ dàng hơn.

Các chuyên gia lý giải: Cột sống gồm nhiều đốt sống, giữa hai đốt sống có một đĩa đệm. Thoát vị đĩa đệm là bệnh lý nhân đĩa đệm bị đè nén, thoát vị vào trong ống sống gây chèn ép tủy sống và rễ thần kinh, gây ra các triệu chứng về vận động, cảm giác, đau lan dọc theo rễ thần kinh chi phối các chi. Cột sống phân chia 3 đoạn cơ bản: Cổ, ngực và thắt lưng. Trong thoát vị đĩa đệm, hay gặp nhất là vùng cột sống thắt lưng, kế đến là cột sống cổ, ít gặp cột sống ngực. Tùy tổn thương đĩa đệm mà khi bị thoát vị sẽ có những biểu hiện lâm sàng tương ứng.

Đoạn cổ thường biểu hiện: Đau chủ yếu vùng sau cổ lan ra vùng vai đến một hoặc hai tay, cánh tay, cẳng tay và cảm giác tê các đầu ngón tay. Đoạn lưng thường biểu hiện: Đau vùng cột sống lưng lan xuống một hoặc hai chân; mông, đùi, cẳng chân và xuống bàn chân. Hạn chế vận động cột sống thắt lưng do đau, đau tăng lên khi ho, hắt hơi và rặn, giảm đau khi gập gối và đùi lên bụng. Bệnh nhân còn có rối loạn cảm giác tê như kiến bò ở bắp chân hoặc ở gan bàn chân.

Ho nhẹ mà đau toàn thân, cẩn thận thoát vị đĩa đệm cột sống

Người bị thoát vị đĩa đệm cột sống cần tập thể dục, thể thao phù hợp và tránh vận động vùng thắt lưng quá mức (Ảnh minh họa: Internet)

Nguyên nhân thường gặp nhất trong thoát vị đĩa đệm cột sống là thoái hóa cột sống, đĩa đệm và chấn thương cột sống. Thoát vị đĩa đệm cột sống thường gặp ở tuổi trưởng thành, rất hiếm gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi và người trên 60 tuổi. Đại đa số thường xảy ra từ 20 - 49 tuổi bởi đó là thời kỳ con người hoạt động mạnh nhất, đĩa đệm cột sống phải chịu tác động trọng tải lớn và các chấn thương.

Dễ biến chứng nếu điều trị muộn

Thoát vị đĩa đệm cột sống thường xảy ra ở nam giới nhiều hơn nữ giới, có thể do nam giới lao động, mang vác nặng nhiều hơn nữ giới. Đặc điểm công việc liên quan tư thế vận động: Trong các công việc liên quan thoát vị đĩa đệm cột sống, thường gặp những người làm công việc mang vác nặng. Một số nghề nghiệp cũng có thể làm tăng nguy cơ thoát vị đĩa đệm do cột sống phải vận động quá giới hạn, ngồi lâu làm việc trong tư thế gò bó, độ rung lớn, tư thế cột sống quá ưỡn, quá gù hay vẹo cột sống có thể kết hợp với xoay vặn hoặc sau một đợt mang vác nặng cũng thúc đẩy nhanh quá trình thoái hóa đĩa đệm, có thể dẫn đến bệnh lý thoát vị đĩa đệm.

Thực tế, nhiều trường hợp mắc bệnh nhưng không đến bệnh viện làm các xét nghiệm chẩn đoán, điều trị mà đắp thuốc, châm cứu theo dân gian. Quá trình khám bệnh, BS Nguyễn Tấn Luông thỉnh thoảng gặp, khi bệnh nhân qua quá trình điều trị lâu dài mà không thuyên giảm hoặc có thể nặng hơn, đến khám bác sĩ chuyên khoa, bệnh có phần trầm trọng hơn. Đến giai đoạn muộn hơn đã teo cơ ở tay hay chân tùy thuộc rễ thần kinh bị tổn thương hoặc có thể yếu vận động chi do thoát vị đĩa đệm.

Bài tập cho người thoát vị đĩa đệm (Video: Vnexpress.net)

Khả năng điều trị bị hạn chế đối với những trường hợp chậm trễ đến bác sĩ chuyên khoa. Bệnh nhân có thể bị những dấu hiệu nặng trong bệnh lý như: Yếu, thậm chí liệt chi, tiêu, tiểu khó, rối loạn sinh dục. Những trường hợp này, hiệu quả điều trị kém và phải qua quá trình phục hồi lâu dài, thậm chí không hồi phục, tốn kém nhiều chi phí, công sức, ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe, công việc và sinh hoạt của người bệnh.

Có nhiều phương pháp khác nhau điều trị thoát vị đĩa đệm hay bệnh cột sống. Tùy loại thoát vị, vị trí hay mức độ tổn thương mà điều trị nội khoa hay ngoại khoa… Khi bệnh nhân đến bác sĩ chuyên khoa khám, tư vấn, chẩn đoán sớm và tuân thủ điều trị đúng, sẽ có kết quả tối ưu nhất.

Tránh các bài thể dục quá nặng

BS Nguyễn Tấn Luông, Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ khuyến cáo, để phòng tránh bệnh thoát vị đĩa đệm nói riêng, các bệnh lý cột sống nói chung, những người trên 60 tuổi và người có nghề nghiệp lao động mang vác nặng, tư thế lao động phải ngồi nhiều, nhào lộn, lái xe có độ rung lớn… nên dùng đai cột sống thắt lưng để phòng bệnh, hạn chế thoái hóa cột sống và thoái hóa đĩa đệm có thể gây thoát vị đĩa đệm.

Chú ý giữ cột sống thẳng trong lúc làm việc; tập thể dục, thể thao phù hợp như đi bộ, bơi lội; tránh vận động cột sống thắt lưng quá mức, đặc biệt là động tác cúi nâng vật nặng hoặc xoay cột sống quá mức; tránh chấn thương cột sống. Khi bị đau nhức xương khớp, người bệnh nên đến cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám, chẩn đoán sớm và điều trị hiệu quả, tránh để lại biến chứng đáng tiếc, ảnh hưởng sức khỏe lâu dài.

>> Xem thêm: Chữa thoát vị đĩa đệm cách nào nhanh khỏi nhất?

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!