Đặc điểm của hội chứng quấy khóc ở trẻ em
Trẻ rất hay quấy khóc, tuy nhiên hội chứng quấy khóc ở trẻ em lại là một vấn đề khác. Sau đây là những đặc điểm của chứng quấy khóc ở trẻ em:
- Bé khóc không lí do;
- Bé khỏe mạnh, không bị bệnh hay đau đớn;
- Bé được cho ăn đầy đủ;
- Bé thường khóc kéo dài từ 1 – 2 giờ tại cùng một thời điểm;
- Bé khóc một lần hoặc hai lần mỗi ngày;
- Bé có phản ứng bình thường (hạnh phúc hay hài lòng) giữa những cơn khóc;
- Thông thường bé không nín khóc khi được ôm và dỗ dành;
- Bé bắt đầu khóc thường dưới hai tuần tuổi (khóc bắt đầu sau khi bé được 4 tuần tuổi thường không phải là chứng quấy khóc ở bé);
- Thường phổ biến với bé 3 tháng tuổi.
Nếu con bạn có các triệu chứng khác, hãy gọi cho bác sĩ để tham khảo ý kiến và được giúp đỡ.
Nguyên nhân của chứng quấy khóc ở trẻ em
Trẻ sơ sinh thông thường sẽ hay khóc trong những tháng đầu đời. Khi bé khóc quá nhiều mà không phải do bị đói, nóng hoặc bị đau, đó chính là khi bé bị hội chứng quấy khóc. Khoảng 10% trẻ sơ sinh bị hội chứng này. Hiện các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra nguyên nhân gây nên chứng quấy khóc ở trẻ em.
Chứng quấy khóc thường có xu hướng xảy ra ở trẻ sơ sinh quá nhạy cảm. Hãy hỏi mẹ của bạn liệu khi còn nhỏ, bạn có như vậy hay không vì tính tình thường có xu hướng di truyền. Điều này sẽ phần nào giúp bạn chuẩn bị tốt hơn khi chăm sóc con sau này.
Những quan niệm sai lầm về chứng quấy khóc ở trẻ em
Hãy xem lại một số quan niệm sai lầm về những nguyên nhân gây ra hội chứng quấy khóc. Đây không phải là kết quả của việc nuôi dạy con cái không tốt, vì vậy đừng nên đổ lỗi cho chính mình. Hội chứng quấy khóc này cũng không phải là do thừa khí quá mức, do đó bạn không cần bận tâm với việc làm bé ợ hơi hoặc dùng núm vú đặc biệt. Và nguyên nhân cũng không phải là do không đủ sữa cho con bú. Dị ứng sữa bò có thể gây ra khóc quấy ở một vài trẻ, nhưng chỉ khi bé bị dị ứng da, tiêu chảy, và/hoặc nôn mửa thì lúc đó mới có thể nghi ngờ bé bị dị ứng. Việc quấy khóc cũng không phải là do đau bụng. Cơ bụng của bé có thể bị cứng là vì bé cần những cơ bắp này hoạt động để khóc. Việc bé kéo chân lên cao cũng như uốn vặn cánh tay cũng là tư thế bình thường đối với em bé đang khóc.
Hậu quả của chứng quấy khóc
Việc quấy khóc này không có hại cho bé. Hiện tượng này sẽ tự nhiên cải thiện trong vòng 2 tháng và sẽ biến mất khi bé 3 đến 4 tháng tuổi. Về lâu dài, các bé hay quấy khóc có xu hướng tỉnh táo hơn và dễ thích nghi hơn với môi trường xung quanh.
Những trường hợp cần lưu ý
Bạn nên gọi cho bác sĩ ngay lập tức nếu:
- Bé phát ra âm thanh nghe có vẻ là một tiếng kêu đau đớn hơn là tiếng quấy khóc;
- Bé đã khóc liên tục trong hơn ba tiếng;
- Bạn không thể tìm được cách nào để dỗ dành bé;
- Con bạn dưới hai tháng tuổi và có vẻ như bị bệnh;
- Bạn có thể đã làm bé bị đau;
- Bạn đã rung lắc mạnh cơ thể bé (Lưu ý: việc lắc mạnh bé có thể gây chảy máu não nghiêm trọng.)
Hãy gọi cho bác sĩ trong giờ hành chính nếu:
- Các triệu chứng của hội chứng quấy khóc xảy ra ba lần hoặc nhiều hơn mỗi ngày;
- Những tiếng khóc bắt đầu sau khi bé được một tháng tuổi;
- Con bạn đã hơn bốn tháng tuổi;
- Bé bị tiêu chảy, nôn mửa hoặc táo bón;
- Bé không tăng cân và có thể bị đói;
- Bạn đang kiệt sức với việc dỗ dành bé;
- Con bạn khóc chủ yếu khi bạn đang cố gắng dỗ bé ngủ;
- Bạn có câu hỏi khác cần bác sĩ giải đáp.
Nếu bạn vẫn còn những băn khoăn thắc mắc về vấn đề này, hãy hỏi xin ý kiến từ bác sĩ hoặc các chuyên gia nhi khoa để được tư vấn và giải đáp kịp thời.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!