Hỏi-đáp về nuôi con bằng sữa mẹ

Nuôi dạy con - 05/17/2024

Tại sao phải nuôi con bằng sữa mẹ? Nuôi con bằng sữa mẹ trong bao lâu? Trẻ cần ngũ cốc hay nước không?...

1. Tại sao phải nuôi con bằng sữa mẹ?

Nuôi con bằng sữa mẹ là một việc tưởng chừng rất bình thường nhưng lại mang lại sức khỏe tốt nhất cho cả mẹ và bé. Sữa mẹ có chứa các tế bào chống lại bệnh tật (kháng thể) giúp bảo vệ trẻ khỏi vi khuẩn, bệnh tật và thậm chí là hội chứng đột tử ở trẻ nhỏ.  Việc cho con bú sẽ giúp trẻ giảm nguy cơ mắc các bệnh sau: viêm tai, nhiễm trùng đường hô hấp, viêm da dị ứng, hen suyễn, béo phì, bệnh tiểu đường týp 1 hoặc 2, bệnh bạch cầu ở trẻ, viêm ruột hoại tử (thường gặp ở trẻ đẻ non)…

Đối với người mẹ: Việc nuôi con bằng sữa giúp các bà mẹ giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường týp 2, ung thư vú, ung thư buồng trứng và trầm cảm sau sinh.
Sữa công thức không thể có cấu trúc hóa học phù hợp như sữa mẹ, đặc biệt là các tế bào, hoóc-môn, và kháng thể chống lại bệnh tật. Với phần lớn trẻ nhỏ, sữa công thức thường làm cho trẻ khó tiêu hóa hơn.  

Hỏi-đáp về nuôi con bằng sữa mẹ

2. Nuôi con bằng sữa mẹ trong bao lâu?

Các tổ chức y tế hàng đầu khuyên rằng nên cho con bú mẹ ít nhất là 12 tháng và nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu sau sinh. Điều này có nghĩa rằng trong 6 tháng đầu đời, không cho trẻ ăn bất cứ thực phẩm hay chất lỏng nào ngoài sữa mẹ.

3. Có nên cho con ăn thêm sữa công thức?

Cho trẻ ăn thêm sữa công thức sẽ làm trẻ không muốn bú sữa mẹ. Việc này khiến cho các bà mẹ trở nên ít sữa. Nếu các bà mẹ lo lắng về việc con mình có được bú đủ không, hãy đến gặp bác sỹ dinh dưỡng để có những lời khuyên bổ ích.

4. Trẻ cần ngũ cốc hay nước không?

Trong 6 tháng đầu đời của bé, sữa mẹ đã cung cấp đủ các chất dinh dưỡng. Nếu cho trẻ ăn ngũ cốc thì vô tình bạn đã làm cho trẻ không muốn bú mẹ, và khiến cho nguồn sữa mẹ giảm. Ngay cả trong thời tiết nóng nực, trẻ cũng chỉ cần bú mẹ mà không cần bất kỳ loại nước hoặc nước trái cây nào.

5. Có nên cho trẻ dùng núm vú giả?

Nếu bạn muốn cho trẻ thử núm vú giả thì tốt nhất hãy để khi trẻ được 1 tháng tuổi vì lúc này trẻ có thể điều tiết lượng thức ăn trong cơ thể.

Hỏi-đáp về nuôi con bằng sữa mẹ

6. Sữa mẹ đã cung cấp đủ vitamin D cho bé chưa?

Vitamin D rất cần để cho xương chắc khỏe. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ (kể cả trẻ đang uống sữa công thức) cần ít nhất 400 IU (International Units – đơn vị quốc tế) mỗi ngày. Từ những ngày đầu sau khi sinh, các bà mẹ nên bổ sung cho con vitamin D để bé hấp thụ được ngay từ khi nhỏ. Mỗi ngày nên cho trẻ tắm nắng, tiếp xúc với ánh mặt trời vì ánh nắng mặt trời là nguồn cung cấp chính vitamin D. Khi trẻ đã cai sữa, bạn nên hỏi ý kiến bác sỹ để bổ sung lượng vitamin D trong chế độ dinh dưỡng của trẻ.

7. Khi nào nên cho trẻ cai sữa?

Học viện Nhi khoa Mỹ khuyên cáo nên cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời. Khi trẻ được 6-12 tháng, các bà mẹ có thể vừa cho con bú vừa cho con ăn bổ sung thức ăn ngoài. Sau 12 tháng, vẫn có thể tiếp tục cho trẻ bú và ăn bổ sung thức ăn, trừ khi cả mẹ và trẻ đều muốn cai sữa.

8. Khi đang nuôi con bằng sữa mẹ, tôi có thể dùng thuốc không?

Mặc dù phần lớn các loại thuốc đều qua sữa mẹ với một lượng nhỏ, nhưng chúng không ảnh hưởng tới trẻ và người mẹ có thể dùng khi nuôi con bằng sữa mẹ. Tuy nhiên, một số loại thuốc người mẹ không nên dùng.

Vì vậy, trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, bạn nên hỏi ý kiến bác sỹ để đảm bảo sức khỏe cho bạn và trẻ, bao gồm các thuốc không cần đơn hoặc các thuốc kê đơn, các vitamin, thực phẩm chức năng và các chế phẩm bổ sung thảo dược. Với một số bà mẹ mắc các bệnh mãn tính, việc ngừng dùng thuốc có thể nguy hiểm hơn là sự tác động của thuốc đối với đứa trẻ thông qua sữa mẹ.

Hỏi-đáp về nuôi con bằng sữa mẹ

9. Khi mẹ ốm có nên cho con bú không?

Một số bà mẹ cho rằng khi ốm, họ không nên cho con bú. Nhưng hầu hết các bệnh thường gặp như cảm lạnh, cúm, tiêu chảy… thì không ảnh hưởng đến sữa mẹ. Trên thực tế nếu bạn bị ốm, sữa mẹ vẫn tiết ra kháng thể.

Không nên cho con bú sữa mẹ khi các bà mẹ bị nhiễm HIV hoặc mắc bệnh AIDS, đang dùng thuốc kháng vi-rút, mắc bệnh lao đang hoạt động không được điều trị, đang dùng hóa trị liệu điều trị ung thư, đang dùng xạ trị liệu.

10. Nên làm gì nếu bị trầm cảm sau sinh?

Trầm cảm sau sinh ít phổ biến, nhưng lại khá nghiêm trọng và có thể kéo dài hơn 2 tuần. Các triệu chứng gồm: cảm giác khó chịu, buồn bã, thiếu sức sống, khó ngủ, lo lắng cho con hoặc không có hứng thú chăm sóc con…

Nếu bạn bị trầm cảm sau sinh, nên đến gặp bác sỹ để được điều trị kịp thời.

11. Tôi có phải hạn chế quan hệ tình dục khi nuôi con bằng sữa mẹ?

Không. Nếu bạn bị khô âm đạo, bạn có thể cùng chồng ‘khởi động’ lâu hơn hoặc dùng chất bôi trơn. Trước khi quan hệ tình dục, bạn có thể cho trẻ bú hoặc vắt sữa ra để ngực được thoải mái hơn và tiết ít sữa hơn trong cuộc ‘yêu’, hoặc bạn có thể chuẩn bị sẵn một chiếc khăn để thấm sữa.

12. Có cần tránh thai khi nuôi con bằng sữa mẹ không?

Cho con bú có thể làm trì hoãn việc rụng trứng và chu kỳ kinh nguyệt bình thường. Nhưng việc cho con bú không đảm bảo là có thể ngừa thai. Bạn nên gặp bác sỹ để có thể lựa chọn phương pháp tránh thai mà không ảnh hưởng đến việc cho con bú.

Hỏi-đáp về nuôi con bằng sữa mẹ

13. Có cần cho trẻ tiêm vắc-xin khi đang bú sữa mẹ không? Và có an toàn không?

Có. Tiêm vắc-xin rất quan trọng cho sức khỏe của trẻ. Bạn nên cho con tiêm chủng theo lịch của bác sỹ.

14. Nên làm gì nếu bị con cắn?

Đây là lúc trẻ bắt đầu có hiện tượng mọc răng. Vì vậy trẻ thường nhai/cắn bất cứ thứ gì trong miệng mình. Nếu bị trẻ cắn vú, dù có đau thì bạn cũng đừng hét lên vì có thể khiến trẻ hoảng sợ do không hiểu chuyện gì xảy ra. Bạn có thể tham khảo một số cách sau:

- Ngừng cho trẻ bú ngay lúc đó để trẻ quên việc cắn bạn. Nghiêm túc với trẻ để trẻ biết rằng việc cắn mẹ như thế là không được.

- Cho trẻ một số đồ chơi để nhai khi mọc răng, hoặc cho ăn nhẹ (đối với trẻ lớn) hoặc một cốc nước uống thay cho việc bú.

- Đặt trẻ xuống để trẻ thấy rằng việc cắn mẹ sẽ không được mẹ bế và cho bú nữa. Sau đó một lúc bạn lại đổi tư thế và cho bé bú lại lần nữa.

15. Nên làm gì nếu con cứ khóc liên tục?

Nếu trẻ cảm thấy không thoải mái, khó chịu khi bú mẹ thì tốt nhất bạn nên đến gặp bác sỹ. Trẻ có thể bị đau bụng hoặc khó chịu ở chỗ nào đó trong cơ thể. Bạn cũng có thể kiểm tra xem có phải trẻ mọc răng hay không vì việc mọc răng làm trẻ có thể sốt, mệt mỏi, khó chịu.

Ảnh minh họa: Internet

Thùy Chi (Bộ Y tế)

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!