Hướng dẫn cách dạy bé ngôn ngữ ký hiệu

Gia đình và thai kỳ - 05/08/2024

Hello Bacsi -  Khi các bé chưa thể dùng lời nói để diễn tả ý muốn của mình. Bố mẹ có thể dạy bé ngôn ngữ kí hiệu để hiểu nhau hơn nhé!

Trước khi biết nói, bé sử dụng cử chỉ bằng tay để cố gắng bày tỏ mọi việc: khi đói hoặc khát, bé sẽ chỉ vào tủ lạnh hoặc chỉ vào áo khoác khi muốn đi ra ngoài. Đây chính là cách giao tiếp thông qua cử chỉ. Những cử chỉ như kéo tai khi nhìn thấy một con thỏ trong sách hoặc vẫy tay để chào tạm biệt cũng là cách để bé giao tiếp. Những trò chơi vỗ tay theo nhịp và những bài hát minh họa bằng ngón tay thường rất phổ biến vì chúng cho phép bé chơi mà không cần phải hát theo.

Tuy nhiên, không phải tất cả bậc cha mà nào cũng có thể luôn hiểu được những cử chỉ, ký hiệu theo bản năng của bé. Điều này có thể hình thành một số tình huống rất khó xử vì bé đang cố gắng diễn tả cho bạn hiểu nhưng bạn lại không thể giải nghĩa được điều mà bé đang cố gắng truyền đạt. Vì vậy, nhiều chuyên gia ngôn ngữ học đã đề xướng ra một hệ thống giao tiếp giữa cha mẹ và bé để có thể thu hẹp khoảng cách giữa cả hai. Hệ thống ấy gọi là: ngôn ngữ ra dấu bằng tay của bé.

Lợi ích của ngôn ngữ ký hiệu

Ngôn ngữ ra dấu bằng tay của bé mang lại rất nhiều lợi ích. Tất nhiên, lợi ích rõ ràng nhất là giúp việc truyền đạt trở nên dễ dàng hơn và cho phép cha mẹ của các bé từ 9 – 10 tháng tuổi có thể hiểu chính xác điều các bé cần và muốn trước khi bé có khả nằng biểu đạt bằng lời. Giao tiếp tốt sẽ dẫn đến tương tác tốt, từ đó mà khoảng thời gian bé và cha mẹ ở cạnh nhau sẽ trở nên dễ chịu và thoải mái hơn. Khi bé thấy mình được thấu hiểu, lòng tự trọng của bé cũng sẽ được củng cố, từ đó bé sẽ trở nên tự tin hơn trong tính cách lẫn giao tiếp. Sau này, sự tự tin ấy sẽ là động lực để bé tự cất tiếng nói của riêng mình. Các nhà nghiên cứu vẫn đang tranh cãi về khả năng khi bé dùng ngôn ngữ ký hiệu, kĩ năng ngôn ngữ của bé sẽ bị chậm phát triển. Trong thực tế, một đứa bé 2 tuổi đã từng dùng ngôn ngữ ký hiệu lại có lượng từ vựng trung bình cao hơn so với những đứa bé không dùng ngôn ngữ ký hiệu.

Tuy nhiên những lợi ích khi bé dùng ngôn ngữ ký hiệu bằng tay hầu như chỉ có hiệu lực trong thời gian ngắn. Dù những bé dùng ngôn ngữ ký hiệu nhiều khi còn nhỏ rõ ràng có khả năng giao tiếp hơn dễ dàng, nhưng hầu hết các nghiên cứu lại chỉ ra rằng khả năng này không kéo dài tới thời điểm bé đi học. Khi bé có thể nói và được thấu hiểu, những lợi ích của việc dùng ngôn ngữ ký hiệu sẽ giảm dần và cuối cùng sẽ biến mất. Vì vậy bạn đừng cho rằng ngôn ngữ ký hiệu sẽ khiến con của bạn thông minh hơn hoặc hy vọng con bạn sẽ phát triển vượt trội hơn. Ngôn ngữ này chỉ dùng với mục đích chính là giúp bạn có thể giao tiếp với bé tốt hơn khi bé vẫn chưa biết nói.

Bạn nên lưu ý gì khi dạy ngôn ngữ ký hiệu cho bé?

Nếu bạn muốn dùng ngôn ngữ ký hiệu của bé, hãy làm theo những bước sau.

Bắt đầu dùng ngôn ngữ ký hiệu từ rất sớm

Bạn hãy bắt đầu dùng ngôn ngữ ký hiệu từ khi bé tỏ ra thích thú với việc giao tiếp với bạn – chậm nhất là từ khi bé được 8 – 9 tháng tuổi vì việc tập giao tiếp bằng ngôn ngữ ký hiệu không có hại gì cho thói quen giao tiếp sau này cả. Hầu hết các bé sẽ phản ứng lại trong khoảng thời gian nhất định, thường là từ 10 – 14 tháng tuổi.

Ra dấu một cách tự nhiên

Bạn hãy giúp con phát triển ngôn ngữ ký hiệu một cách tự nhiên và hiệu quả. Bất cứ cử chỉ đơn giản nào thích hợp với lời nói hoặc câu đều có hiệu quả (ví dụ như việc vẫy cánh tay để tả “con chim”, hoặc gãi dưới cánh tay để tả “con khỉ”; xếp hai tay lại rồi nghiêng đầu có nghĩa là “đi ngủ”, xoa bụng khi “đói”, cuộn tròn bàn tay lại đưa lên miệng nghĩa là “uống đi”, ngón tay chạm vào mũi nghĩa là “ngửi”).

Dạy cho bé những ký hiệu bé cần

Những ký hiệu quan trọng nhất mà bé cần phát triển và học theo sẽ là nhu cầu hàng ngày mà bé cần bày tỏ như đói, khát và mệt mỏi.

Ra hiệu một cách nhất quán

Bằng việc nhìn thấy những ký hiệu giống nhau từ ngày này qua ngày khác, bé sẽ dần hiểu ra và bắt chước theo đúng các ký hiệu đó một cách nhanh chóng.

Nói và ra dấu cùng lúc

Để chắc chắn bé học cả ngôn ngữ ký hiệu và ngôn ngữ nói, bạn hãy sử dụng cả hai loại ngôn ngữ này cùng lúc khi trò chuyện cùng bé.

Khuyến khích các thành viên trong gia đình cùng ra dấu

Bé sẽ thấy thích thú khi nhiều người giao tiếp với bé bằng ngôn ngữ ký hiệu. Từ anh chị em, ông bà cho đến cô trông trẻ, bất cứ ai dành thời gian bên bé nhiều nên ít nhất hiểu được những ký hiệu quan trọng nhất của bé.

Làm theo ký hiệu của bé

Nhiều bé tự sáng chế ra ký hiệu của chính bé. Nếu con bạn cũng thích tự sáng chế ra ký hiệu, bạn hãy dùng ký hiệu của bé vì ký hiệu của bé thường có ý nghĩa với bé hơn.

Đừng thúc ép bé phải học ngôn ngữ ký hiệu

Việc ra hiệu, giống như tất cả các loại hình giao tiếp khác, nên được phát triển một cách tự nhiên và phù hợp với nhịp độ phát triển của bé. Bé sẽ học hiệu quả nhất thông qua những kinh nghiệm chứ không phải thông qua những hướng dẫn rườm rà. Nếu con bạn cảm thấy nản lòng với những ký hiệu, tỏ vẻ không muốn dùng chúng hoặc cảm thấy quá tải, đừng ép bé phải học.

Mặc dù ngôn ngữ ký hiệu có thể khiến mọi chuyện dễ dàng hơn khi bé chưa biết nói, nhưng ngôn ngữ ký hiệu lại không đóng vai trò quá quan trọng giúp phụ huynh và bé giao tiếp tốt , khi cha mẹ và bé đã có mối quan hệ tốt và có thể hiểu nhau rõ ràng qua lời nói. Vì vậy nếu một hệ thống ngôn ngữ ký hiệu chính thức nào đó không giúp bạn cảm thấy dễ chịu hoặc không hiệu quả với bé, bạn đừng tự bắt mình hay bé phải dùng. Các bậc phụ huynh vẫn có thể đoán được những điều bé muốn mà không cần dùng ngôn ngữ ký hiệu bởi vì các bậc cha mẹ đã quen với việc hiểu bé thông qua cử chỉ và tiếng động của con.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!