Bệnh Parkinson ở người già (hay còn gọi là bệnh liệt rung) xảy ra khi các chức năng của hệ thống thần kinh bị suy thoái. Người mắc phải căn bệnh này thường gặp rất nhiều khó khăn trong sinh hoạt thường ngày và dễ rơi vào trạng thái trầm cảm.
Theo báo Sức Khoẻ Đời Sống, bệnh Parkinson thường gặp ở người từ 50 tuổi trở lên, đặc biệt là nam giới với tỷ lệ mắc bệnh là 1/500. Cũng vì đối tượng mắc bệnh thường ở ngoài độ tuổi trung niên nên mới có tên gọi bệnh Parkinson ở người già.
Nguyên nhân gây bệnh Parkinson ở người già
Hiện nay các chuyên gia y tế vẫn chưa thể tìm ra nguyên nhân chính xác gâybệnh Parkinson, tuy nhiên nhìn chung ở những người mắc bệnh thì hàm lượng dopamin trong cơ thể sụt giảm đáng kể. Dopamin là một chất dẫn truyền thần kinh trong nhóm catecholamin (gồm có adrenalin, noradrenalin và dopamin). Chất này tập trung nhiều tại vùng hạch đáy (basal ganglia) của não, có vai trò quan trọng trong việc cử động và phối hợp các động tác khác nhau của cơ thể. Khi những tế bào sản sinh ra dopamin bị thoái hoá và chết đi, cơ thể sẽ thiếu hụt dopamin, từ đó làm tăng nguy cơ mắc bệnh Parkinson.
Bên cạnh đó, một số nguyên nhân khác cũng có thể dẫn tới nguy cơ mắc bệnh Parkinson như: Bệnh nhân mắc bệnh xơ vữa động mạch; từng có tiền sử chấn thường vùng đầu hoặc viêm não; thường xuyên tiếp xúc với thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu;...
Triệu chứng của bệnh Parkinson ở người già
Thông thường, các triệu chứng của bệnh Parkinson có diễn tiến kéo dài, cụ thể như sau:
- Ban đầu, người bệnh cảm thấy run ở một tay, sau đó cảm giác này lan xuống chân và dần dần là run ở cả hai bên.
- Tư thế đứng của bệnh nhân thường cứng đờ, chậm chạp; dáng đi khom về đằng trước; khuôn mặt vô cảm; hay bị mất thăng bằng.
- Bệnh nhân gặp khó khăn trong việc viết chữ, thường xuyên cảm thấy lo lắng và dễ rơi vào trạng thái trầm cảm.
Phương hướng điều trị bệnh Parkinson ở người già
Do chưa thể xác định được nguyên nhân trực tiếp gây bệnh Parkinson ở người giànên hiện y học vẫn chưa thể tìm ra phương hướng điều trị bệnh tận gốc. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn có thể áp dụng các phương pháp sau để ngăn chặn quá trình bệnh phát triển:
Phương pháp vật lý trị liệu
Trong giai đoạn đầu của bệnh, việc áp dụng phương pháp vật lý trị liệu sẽ giúp cải thiện đáng kể khả năng vận động của cơ thể và nâng đỡ về mặt tinh thần cho người bệnh.
Phương pháp dùng thuốc
Loại thuốc chủ yếu được dùng để điều trị bệnh Parkinson là levodopa – tiền chất của dopamin. Khi đi vào cơ thể, levodopa vượt qua hàng rào máu não và chuyển hoá thành domapin (trong khi dopamin không thể vượt qua được hàng rào máu não nên người bệnh không thể sử dụng trực tiếp). Thuốc này có tác dụng giảm bớt các triệu chứng và giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
Tuy nhiên ở vùng ngoại biên, levodopa lại bị chuyển hoá thành dopamin dưới tác động của các enzym decarboxylase. Vì vậy, người ta thường dùng phối hợp levodopa với các chất ức chế những enzym này như benserazid, carbidopa dưới dạng các chế phẩm như madopar (levodopa + benserazid) hoặc sinemet (levodopa + carbidopa). Để tăng hiệu quả điều trị, bác sĩ thường chỉ định cho bệnh nhân dùng levodopa phối hợp với các loại thuốc sau:
- Amantadin: Công dụng chính của amantadin là điều trị virus cúm tuýp A2 nhưng cũng có tác dụng điều trị bệnh Parkinson ở người già. Trong trường hợp này, amantadin kích thích cơ thể phóng thích dopamin nội sinh.
- Các thuốc chủ vận dopamin (dopamine agonist) như pramipexole, pergolid, bromocriptin,... trực tiếp kích thích lên những thụ thể dopaminergic.
- Các thuốc kháng tiết cholin gồm procyclidine, benzatrophine, trihexyphenidyl,... Tuy nhiên, hiện nay người ta ít sử dụng nhóm thuốc này trong việc điều trị bệnh Parkinson.
Phương pháp ngoại khoa (phẫu thuật)
Phương pháp ngoại khoa này được áp dụng khi hai phương pháp điều trị nói trên không đạt được kết quả như mong muốn. Lúc này, việc tiến hành phẫu thuật não sẽ giúp cải thiện đáng kể những triệu chứng cứng đơ, run rẩy,... của bệnh nhân.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!