Huyết trắng 'cắn' quần chip: Phải làm sao?

Sức khỏe giới tính - 03/29/2024

Sau khi thay quần chip, nếu không giặt sạch ngay, chất dịch là nguyên nhân khiến cho quần hay bị vàng, rách.

Gửi bác sĩ Tiin!

Cháu năm nay 21 tuổi. Thời gian gần đây cháu rất hoang mang khi phát hiện ra một hiện tượng là quần chip của cháu thường xuyên bị rách ở 1 điểm. Ban đầu cháu nghĩ rằng do con gì đó cắn. Tuy nhiên lâu dần cháu phát hiện không phải. Cháu có tìm hiểu thì thấy mọi người bảo đó là hiện tượng 'huyết trắng cắn quần'. Cháu không hiểu đây là hiện tượng gì và có gây hại gì không? Bác sỹ chỉ dẫn cho cháu với ạ. Cháu rất lo lắng.

(Minh Hằng – Hà Giang)

Bác sỹ Tiin trả lời:

Huyết trắng 'cắn' quần chip: Phải làm sao?

Lưu ý các dấu hiệu bất thường dịch sinh dục ở đáy quần chip để phát hiện sớm bệnh lý cơ quan sinh dục (Ảnh minh họa: Internet)

Quần chíp (quần lót) là quần tiếp xúc trực tiếp với cơ quan sinh dục của bạn, đặc biệt là phần đáy của quần chip. Thông thường bạn mặc quần chip với cỡ ổn định, vừa vặn với cơ thể mình thì phần đáy sẽ tiếp xúc với âm hộ ở vị trí cố định (chính là chỗ quần chip bị rách của bạn đấy). Bình thường, trong cơ quan sinh dục của bạn lúc nào cũng có một chút dịch sinh dục màu trắng, trong, không có màu, mùi. Vào giữa chu kỳ kinh nguyệt hoặc gần đến ngày hành kinh, lượng dịch sẽ tăng hơn bình thường, ai cũng thế mà.

Cấu tạo của phần đáy (đũng) quần chip thường bằng chất liệu cotton có tác dụng mềm, thấm mồ hôi, đáy quần chip thường xuyên bị ẩm ướt, nhất là khi thời tiết nóng, ẩm, mồ hôi nhiều; khiến cho phần đó hay bị rách. Sau khi thay quần chip, nếu em không giặt sạch ngay, chất dịch bám chặt vào phần sợi bông của đũng quần cũng là nguyên nhân khiến cho đũng quần hay bị vàng, rách. Huyết trắng làm gì có 'răng' mà 'cắn' quần của em.

Sử dụng quần chip để bảo vệ cơ quan sinh dục cũng rất quan trọng. Em nên lựa chọn quần bằng vải mềm, chất liệu bông, cotton thấm mồ hôi. Dùng quần vừa vặn với cơ thể, ôm sát mông, không nên dùng quần quá nhỏ, quần 'lọt khe', quần bằng chất liệu không thấm mồ hôi. Thay quần chip hàng ngày, giặt sạch, phơi khô mới sử dụng. Khi quần có dấu hiệu 'bai', phần lót của đáy quần đã mỏng nên thay quần khác, không nên tiếc bạn ạ.

Lưu ý các dấu hiệu bất thường dịch sinh dục ở đáy quần chip để phát hiện sớm bệnh lý cơ quan sinh dục bạn nhé. Nếu thấy dịch ra nhiều (dịch loãng, đặc, giống bã đậu), có màu lạ (màu vàng, xanh, nâu, lẫn máu), có mùi khó chịu là dấu hiệu sớm cơ quan sinh dục bị viêm nhiễm (do nấm, ký sinh trùng hoặc vi khuẩn…). Lúc đó em cần đến bác sĩ chuyên về sản phụ khoa để được khám, chẩn đoán và điều trị ngay nhé.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!