Khi số lượng chất nhầy này trở nên nhiều, có biểu hiện khác thường: về màu sắc, có mùi hôi và kèm các triệu chứng gây khó chịu như: ngứa, có mùi hôi... thì lúc đó bạn cần phải đi khám bệnh.
Những yếu tố gây bệnh
Tại vùng sinh dục có rất nhiều vi khuẩn thường khu trú. Bình thường, vi khuẩn sản sinh các chất có lợi cho môi trường ống sinh dục và không gây nguy hiểm. Nhưng khi gặp điều kiện thuận lợi, các vi khuẩn sẽ là tác nhân gây bệnh. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng huyết trắng bệnh lý nhưng thông thường huyết trắng bệnh lý xảy ra chủ yếu do các nguyên nhân sau:
Do nấm Candida albicans:Khi nhiễm, huyết trắng sẽ có màu trắng đục, dính từng mảng, có lúc có mùi hôi kèm theo triệu chứng ngứa ở âm hộ.
Do nhiễm Trichomonas Vaginalis: Khi nhiễm, huyết trắng sẽ có màu vàng - xanh, loãng, có bọt với số lượng nhiều kèm theo triệu chứng ngứa rát âm hộ.
Do tạp trùng: Nếu do tạp trùng thì huyết trắng sẽ có màu vàng hoặc xám, loãng, tráng đều thành âm đạo, có mùi hôi.
Viêm lộ tuyến tử cung:Là tình trạng các lộ tuyến bị viêm nhiễm, khi vùng kín có các dấu hiệu ra nhiều khí hư, ra huyết trắng màu sữa đục, dính bệt thành từng mảng, có thể có mùi hôi... hoặc bị xuất huyết nhẹ sau khi quan hệ tình dục. Khi có những biểu hiện trên, cần đi khám chuyên khoa để được điều trị.
U xơ tử cung: thường liên quan đến sự rối loạn chức năng buồng trứng, sự xuất tiết quá nhiều nội tiết tố nữ cho nên bệnh có xu hướng teo sau thời kỳ mãn kinh... Với triệu chứng rối loạn kinh nguyệt, một số ít ra máu bất thường ở âm đạo. Bên cạnh đó kèm theo huyết trắng ra nhiều, nếu bị nhiễm khuẩn thì huyết trắng có lẫn máu hoặc mủ.
Nếu do rối loạn tâm lý, rối loạn thần kinh thực vật thì huyết trắng có màu hơi vàng, dịch trong, trắng, loãng, có váng như sữa.
Dấu hiệu của ung thư tử cung: huyết trắng có máu và ra máu bất thường.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng huyết trắng bệnh lý.
Bệnh lý huyết trắng có nguy hiểm?
Phần lớn huyết trắng không gây ra những cấp cứu về tính mạng, tuy nhiên, nếu không điều trị đúng, dứt điểm dẫn đến viêm phụ khoa mạn tính, bệnh trở nên trầm trọng có thể xảy ra những hệ lụy làm viêm tắc vòi trứng dẫn đến thụ thai khó và có thể dẫn đến vô sinh.
Khi bị cổ tử cung lộ tuyến, nếu không điều trị dứt điểm có thể là giai đoạn đã tiến triển tiếp sau của chứng viêm cổ tử cung. Bệnh có liên quan nhiều đến các bệnh viêm nhiễm thông thường, đặc biệt trong trường hợp bị nhiễm mào gà sinh dục thì có nguy cơ biến đổi nghịch sản, trở thành các sang thương tiền xâm lấn và ung thư cổ tử cung; Khi huyết trắng ra dai dẳng, có mùi hôi, thậm chí có một chút máu có thể là dấu hiệu cảnh báo giai đoạn tiền ung thư tử cung.
Vì vậy, khi có các dấu hiệu mắc bệnh, cần đến khám bệnh tại một cơ sở y tế có chuyên khoa để được điều trị thích hợp. Ví dụ điều trị nấm cần phối hợp điều trị tạp trùng, sau đó phải điều trị phòng ngừa nhiễm nấm tái phát cả cho chồng của người bệnh. Cho nên để tránh bị viêm nhiễm kéo dài ở vùng âm đạo, cần điều trị tích cực, dứt điểm cho bệnh khỏi hoàn toàn.
Lời khuyên của thầy thuốc
Nhiều trường hợp chị em phụ nữ khi mắc bệnh ngại ngùng không điều trị, bệnh diễn tiến dai dẳng và gây những biến chứng nguy hại cho sức khỏe . Do vậy, việc vệ sinh vùng kín hằng ngày, đúng cách là yếu tố có ý nghĩa rất quan trọng trong công tác phòng ngừa mắc cũng như tái mắc bệnh viêm nhiễm phụ khoa.
Cần tắm rửa thường xuyên (đặc biệt trong thời kỳ kinh nguyệt). Vệ sinh âm hộ hằng ngày và sau mỗi lần đi tiểu, đi đại tiện. Luôn giữ cho bộ phận sinh dục ngoài khô, sạch; không sử dụng khăn, vật lạ đưa vào trong âm đạo để lau âm đạo. Tránh mặc quần chật, thay quần lót thường xuyên. Tránh lội và ngâm mình lâu ở vùng nước ô nhiễm. Trong kỳ kinh, dùng băng vệ sinh phải đảm bảo sạch, đủ thấm và còn thời gian sử dụng (4 giờ phải thay 1 lần). Không nên dùng xà phòng hay các chất tẩy rửa mạnh để vệ sinh vùng kín. Không tự thụt rửa âm đạo khi không có chỉ định của bác sĩ điều trị.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!