Huyết trắng là chất dịch được tiết ra từ âm đạo. Huyết trắng bao gồm các chất nhầy được sản sinh bởi cổ tử cung và các chất lỏng thấm qua thành âm đạo. Estrogen kích thích sản sinh ra các chất này. Huyết trắng thường có màu trắng sữa, mỏng và trong suốt. Lượng và hình thái của huyết trắng có thể thay đổi tuỳ theo độ tuổi của bạn. Thông thường, huyết trắng không có mùi, không gây ngứa, nóng rát, ngứa ngáy, hoặc phát ban.
Bé gái sơ sinh bình thường có chất nhầy âm đạo, thường đi kèm với chút máu. Chất nhầy này xuất hiện do estrogen được hấp thụ từ người mẹ qua nhau thai trước khi sinh. Sau khi sinh, nồng độ estrogen giảm nhanh chóng, gây ra một lượng nhỏ máu ở trẻ trong 1-2 tuần đầu tiên. Thông thường, trẻ qua giai đoạn sơ sinh và trẻ em gái không có bất kỳ chất dịch âm đạo nào đáng kể cho đến tuổi dậy thì, khi nồng độ estrogen tăng.
Trong độ tuổi sinh sản của phụ nữ, số lượng và sự xuất hiện của huyết trắng thường thay đổi theo chu kỳ kinh nguyệt. Ví dụ, ở giữa chu kỳ (giai đoạn rụng trứng), cổ tử cung sản sinh ra nhiều chất nhầy và các chất nhầy mỏng hơn. Việc mang thai, sử dụng thuốc tránh thai, và kích thích tình dục cũng ảnh hưởng đến số lượng và hình thái của huyết trắng. Sau khi mãn kinh, mức độ estrogen giảm, từ đó làm giảm lượng huyết trắng.
Làm thế nào biết được bạn đang bị ra huyết trắng?
Huyết trắng là hiện tượng sinh lý bình thường ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Tuy nhiên, huyết trắng bất thường được gọi là khí hư. Huyết trắng được xem là khí hư và được xem là bệnh khi:
- Nhiều hơn bình thường;
- Đặc hơn bình thường;
- Giống mủ;
- Màu trắng và giống như một khối lộn xộn (như phô mai);
- Màu xám, xanh, vàng, hoặc có lẫn máu;
- Hôi thối, có mùi tanh;
- Kèm theo ngứa, nóng rát, phát ban, hoặc đau nhức.
Có thể có các triệu chứng và dấu hiệu khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ.
Phòng ngừa bị ra huyết trắng có được không?
Có nhiều nguyên nhân gây ra huyết trắng bất thường, để phòng ngừa, bạn nên:
- Luôn mặc quần lót cotton thoáng mát, hút mồ hôi;
- Không thụt rửa sâu trong âm đạo;
- Không được dùng các chất bôi trơn âm đạo vì chúng có thể tạo môi trường dễ sinh sôi vi khuẩn;
- Nếu bạn đang điều trị nhiễm trùng âm đạo, hãy luôn dùng thuốc theo đúng chỉ dẫn dù cho bạn cảm thấy bệnh đã cải thiện;
- Không quan hệ tình dục khi đang điều trị nhiễm trùng âm đạo;
- Không mặc đồ quá chật trong thời gian dài;
- Không dùng chung đồ cá nhân với người khác;
- Luôn dùng bao cao su khi quan hệ tình dục;
- Luôn vệ sinh vùng kín bằng cách lau từ trước ra sau để tránh lây vi khuẩn từ hậu môn sang âm đạo;
- Vệ sinh cá nhân sạch sẽ, ngủ đủ giấc và có chế độ ăn uống hợp lý.
Hãy tìm hiểu thêm:
Mặc đồ lót quá chật làm nhiễm nấm âm đạo
Ngứa âm đạo do những thói quen sai lầm
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!