Học sinh những ngôi trường vùng cao 'nói không' với tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống

Thời sự - 12/06/2024

Không chỉ nỗ lực trong dạy và học, nhiều trường học ở miền núi, vùng dân tộc thiểu số còn tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho học sinh về vấn đề chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Tảo hôn làm suy giảm chất lượng nguồn nhân lực

Ở Việt Nam, tảo hôn có ở tất cả các tỉnh/thành phố trong cả nước và ở tất cả các dân tộc. Tỷ lệ tảo hôn đặc biệt cao trong các cộng đồng dân tộc thiểu số (DTTS) và ở các tỉnh có đông người đồng bào DTTS sinh sống. Theo lãnh đạo Uỷ ban Dân tộc, tảo hôn đã làm hạn chế cơ hội học tập của trẻ em gái, làm các em mất đi các cơ hội được đào tạo và tìm được công ăn việc làm ổn định. Tảo hôn cũng khiến các trẻ em gái dễ mang thai sớm khi cơ thể chưa phát triển toàn diện, điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển tinh thần và thể chất của các em… Đây cũng là nguyên nhân sâu xa làm suy giảm chất lượng nguồn nhân lực và sự phát triển bền vững vùng DTTS.

Thời gian qua, Việt Nam đã có rất nhiều nỗ lực trong việc giải quyết tình trạng tảo hôn. Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 và Luật Trẻ em năm 2016 đã nghiêm cấm tảo hôn và các hoạt động liên quan tới việc tổ chức và hỗ trợ tảo hôn. Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn giai đoạn 2015 - 2025. Luật Hôn nhân và gia đình quy định: Nam nữ kết hôn khi nam đủ 20 tuổi, nữ đủ 18 tuổi. Nhưng ở nhiều địa phương, đặc biệt là những địa bàn có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, cha mẹ và họ tộc vẫn cho trẻ em gái được kết hôn trước tuổi 18.

Phòng ngừa tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại nhiều nơi thu được kết quả quan trọng do có sự vào cuộc của các bộ, ban, ngành, địa phương. Trong đó có thể nhắc đến vai trò quan trọng từ các nhà trường, mỗi nơi lại có một cách làm hiệu quả, khoa học. Tiêu biểu như, vừa qua, Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Na Sang (huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên) đã phối hợp với Trạm Y tế xã tổ chức thành công buổi truyền thông thu hút hàng trăm học sinh tham gia. Buổi truyền thông thông tin tới cán bộ, giáo viên và học sinh trong trường những kiến thức liên quan đến sức khỏe sinh sản, Luật Hôn nhân và gia đình. Những tác hại, hệ lụy của tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Cũng tại Điện Biên, thực hiện Ðề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2020, Sở GD&ĐT Điện Biên triển khai nhiều giải pháp truyền thông giáo dục nhằm giảm bớt tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Các cơ sở giáo dục trong tỉnh thường xuyên tổ chức các chương trình ngoại khóa, nói chuyện, tư vấn… đề cập đến vấn đề tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống với nhiều hình thức phong phú (tờ rơi, tờ gấp, sân khấu hóa, tập huấn truyền thông, tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng truyền thông về giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống...). Qua đó góp phần nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực.

Học sinh những ngôi trường vùng cao 'nói không' với tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống

Hội thi tuyên truyền phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết. Ảnh: VDT

Lớp học tổ chức câu lạc bộ tiền hôn nhân

Tại Hà Giang, những năm qua công tác tuyên truyền, giáo dục về tảo hôn, kết hôn cận huyết cho học sinh dân tộc thiểu số tại Trường phổ thông dân tộc nội trú THCS&THPT Yên Minh (huyện Yên Minh, Hà Giang), được thành lập từ năm 1980 với nhiệm vụ đào tạo con em các dân tộc thiểu số 4 huyện vùng cao. Trường thành lập Ban chỉ đạo thực hiện mô hình trường học không tảo hôn, kết hôn cận huyết tại trường, xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể cho từng năm học, từng giai đoạn. Một số hoạt động cụ thể đã mang lại hiệu quả là: Việc thành lập các câu lạc bộ tiền hôn nhân làm công tác tuyên truyền, vận động học sinh không tảo hôn, kết hôn cận huyết.

Câu lạc bộ tiền hôn nhân được thành lập theo lớp học. Các câu lạc bộ tổ chức sinh hoạt theo chủ đề 01 lần/ tháng. Các câu lạc bộ thực hiện đa dạng, linh hoạt các nội dung, hình thức trong công tác tuyên truyền, vận động học sinh không tảo hôn, kết hôn cận huyết như: Tuyên truyền miệng, qua loa phóng thanh, qua các cuộc thi tìm hiểu, qua các buổi chào cờ, sinh hoạt lớp, sinh hoạt câu lạc bộ, sinh hoạt đoàn.

Câu lạc bộ mời cán bộ của Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Yên Minh, giáo viên giảng dạy môn sinh học, cán bộ y tế trường tuyên truyền sức khỏe sinh sản vị thành niên. Tổ chức các hội thi tuyên truyền tìm hiểu về sức khỏe sinh sản vị thành niên; hội thi tìm hiểu, hội thi tuyên truyền phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết dưới hình thức sân khấu hóa.

Theo Ban Giám hiệu nhà trường, những hoạt động đa dạng trong mô hình trường học không tảo hôn, hôn nhân cận huyết, đặc biệt sự linh hoạt, sáng tạo trong việc triển khai hoạt động của câu lạc bộ tiền hôn nhân ở trường Nội trú Yên Minh đã thực sự đem lại những kết quả tích cực giúp học sinh có nhận thức đầy đủ về hậu quả, nguyên nhân, cách phòng, chống nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết. Học sinh đã tích lũy được kiến thức và kĩ năng tự bảo vệ mình trước vấn nạn này và có thể trở thành những tuyên truyền viên tích cực truyền thông nhằm ngăn chặn nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết với bạn bè và người thân.

Từ năm 2009, Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế) đã triển khai Mô hình can thiệp làm giảm tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống tại 25 tỉnh, 362 xã (tính đến 2013) có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống và kết hôn cận huyết thống. Mô hình đã đạt được nhiều kết quả khả quan, góp phần nâng cao kiến thức và kỹ năng thực hành về phòng ngừa tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống thông qua tư vấn và khám sức khoẻ cho vị thành niên, thanh niên, nam, nữ chuẩn bị kết hôn nhằm giảm tỷ lệ trẻ em sinh ra bị khuyết tật, dị tật góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng giống nòi.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!