Tuy nhiên, rào cản lớn nhất của kỹ thuật này là chi phí cao.
Hơn 100 bé đang chờ đợi điều kỳ diệu
Bác sĩ Đặng Khải Minh - Khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, cho biết, mỗi tuần mình khám khoảng 5 ca lồi ngực. Danh sách tái khám của những bệnh nhi này đã lên tới trên 100 ca, đồng nghĩa với việc trên 100 bé đang chờ đợi một phương pháp điều trị để có thể hồi phục cả về thẩm mỹ lẫn chức năng hô hấp.
Trong số những phụ huynh kiên trì đưa con đi khám lồi ngực, chị P. T. X., 36 tuổi, ngụ tại quận Gò Vấp chia sẻ, bắt đầu phát hiện ra con gái là bé N. T. M. có biểu hiện bất thường khi ba tuổi. Lồng ngực của bé M. nhô lên trước. Nghĩ do con mình lười ăn, thể trạng gầy ốm nên chị X. bỏ qua. Đến khi bé M. bốn tuổi, ngực lồi nặng hơn đến mức mặc áo vẫn nhìn thấy được. Đưa con tới Bệnh viện Nhi Đồng 1 khám, bé được xác định bị ngực lồi, một dị tật bẩm sinh gây biến dạng lồng ngực. Bệnh nhi được chỉ định khám tầm soát xem thêm các bệnh lý bẩm sinh đi kèm như tim mạch và dị dạng mạch máu.
Sau khi chắc chắn chỉ bất thường vùng lồng ngực, bác sĩ đã giải thích cho phụ huynh, nguyên nhân do xương sụn sườn bé phát triển quá mức dẫn tới xương ức bị đẩy lệch khiến lồng ngực nhô ra ngoài. Do bệnh nhi còn nhỏ, nên hạn chế tất cả các biện pháp phẫu thuật xâm lấn, bác sĩ yêu cầu gia đình cho bé học bơi để luyện tập cơ hô hấp, giảm bớt sự hạn chế của lồng ngực. Tuy nhiên, sau mỗi năm, gia đình nhận thấy bé M. ngày càng suy yếu về mặt thể chất, lúc vui chơi hoạt động nhiều bé có biểu hiện khó thở, thở gấp. Không chỉ thế, nay M. đã vào lớp 1, biết để ý xấu đẹp, bé mặc cảm về cơ thể mình, tự co rút không hòa nhập với bạn bè.
Lồi ngực
Bệnh gây mặc cảm về tâm lý và rối loạn chức năng hô hấp
Theo bác sĩ Minh, bệnh lồi ngực tuy là bẩm sinh nhưng lúc trẻ sinh ra hoàn toàn không có biểu hiện gì. Phụ huynh có thể phát hiện trẻ bất thường từ ba tuổi. Khi bắt đầu đi học, tâm lý trẻ sẽ bị ảnh hưởng, nghiêm trọng nhất là độ tuổi thiếu niên từ 10 - 15, nếu lúc này không có giải pháp can thiệp trẻ dễ bị sốc tâm lý vì vẻ ngoài bất thường. Mắc bệnh lồi lồng ngực làm lồng ngực bị hạn chế gây ra các rối loạn hô hấp, ảnh hưởng tới chất lượng sống. Cụ thể, một đứa trẻ bị lồi ngực, các hoạt động sẽ bị kém hơn đứa trẻ khỏe mạnh từ 30 - 40%.
Bệnh lồi ngực tuy là bẩm sinh nhưng lúc trẻ sinh ra hoàn toàn không có biểu hiện gì
Đối với những bé bị lồi ngực, giải pháp tốt nhất là đeo nẹp chỉnh hình. Đây là một chiếc nẹp thiết kế dạng áo hoặc đai có công dụng ép xương ức về phía sau. Bệnh nhi sẽ đeo nẹp này trong ba năm, tỉ lệ thành công sau điều trị lên tới 80%. Hiện nay, tại Việt Nam chưa có đơn vị nào sản xuất được chiếc nẹp này, vì không chỉ có mỗi bộ khung mà trên nẹp còn cần có một chiếc máy đo áp lực. Nếu muốn điều trị, chỉ có thể nhập chiếc nẹp chỉnh hình từ Mỹ (bảo hiểm y tế chưa chi trả cho hạng mục này).
Ước tính chỉ riêng giá thành một chiếc nẹp nhập về đã khoảng 80 triệu đồng, vượt quá khả năng của nhiều gia đình. Để đưa được kỹ thuật can thiệp điều trị lồi ngực bằng nẹp chỉnh hình đến được với tất cả các bệnh nhi đang nằm trong danh sách chờ đợi, Ban giám đốc BV. Nhi Đồng 1 đang cố gắng xin chỉ đạo, hướng dẫn từ các cấp quản lý, nhằm tìm ra một đơn vị có thể sản xuất được loại nẹp này tại Việt Nam. Khi đó, giá thành can thiệp cho mỗi ca lồi ngực chỉ chưa tới hai mươi triệu đồng, các ông bố bà mẹ sẽ không còn phải mòn mỏi hành trình đưa con đi tái khám nữa.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!