Cùng nghe Nikita Như Quỳnh, một mẹ Việt ở nước ngoài kể chuyện sinh con và kiêng cữ sau sinh ở Brussels (Bỉ) xem có khác gì với ở ta nhé!
Tôi đau bụng lúc 2 giờ sáng, đến 3 giờ thì nước ối chảy ra ầm ầm, gọi chồng thức giấc. Chồng luống cuống tìm chìa khóa ô tô nhưng trời ơi, nó ở đâu ý, không trên móc treo như mọi ngày.
Tôi vẫn mặc cái váy ngủ dài, khoác thêm áo khoác, đi tất, các túi đồ cho bé và mẹ tôi chuẩn bị cách đây cả tuần rồi. Mới hôm qua, 2 vợ chồng còn đi đo mắt cho chồng, sau đó chúng tôi còn đi chơi đến đêm muộn mới về.
Chồng vẫn chưa tìm thấy chìa khóa, anh ấy như biết lỗi nếu như lúc này chúng tôi đi bộ sang bệnh viện dù nó chỉ mấy bước chân. Nhưng lúc đó tôi rất tỉnh táo, tôi biết hết mọi thứ trật tự ở đâu, tôi nghĩ đến chỗ để quần áo mỗi lần chồng thay đồ, thế là chìa khóa nằm trong đống quần áo đó.
Chồng ra gara lấy xe, tôi cứ nhảy tưng tưng, không phải vì đau mà vì lo lắng, tôi không muốn có chuyện gì xảy ra khi chưa đến viện. Chỉ mất 5 phút là chúng tôi đến cửa gara bệnh viện cạnh nhà, chồng dắt tôi vào. Chúng tôi tìm xe đẩy để tôi ngồi lên đó vì sẽ đi thang máy lên tầng 10, tầng dành cho các bà đẻ và em bé.
Chồng bấm chuông, đợi một lúc có người mở cửa, tôi vào phòng và thay đồ, sau đó, có người vào kiểm tra một số thứ như tim, huyết áp rồi tôi vào phòng hộ sinh.
Ở đây cứ đau là đến bệnh viện, không phải lo lắng đặt phòng, vì hồ sơ của bạn đầy đủ trên máy tính, từ lúc khám thai đến ngày dự sinh. Như tôi không nói gì với họ cho đến lúc mọi thứ xong xuôi đâu đấy, họ có mọi thông tin về tôi như bao nhiêu tuần, con đầu lòng, ai chăm sóc tôi trước đây. Khi mang thai có 2 bác sỹ theo dõi chính thức và nhiều trợ lý.
Bé Alexandre de Prelle
Ở đây chỉ siêu âm 3 lần, tuần 12, 22 và 32. Tuần 22 là tuần bạn xem hình ảnh rõ nhất về các chi tiết và các bộ phận, giới tính, đây là tuần quan trọng để biết thai nhi của bạn tiếp tục hay sẽ bỏ. Bạn được xét nghiệm khá nhiều lần, chi tiết, lần lấy máu nhiều nhất có thể lên tới 6 xilanh, không ăn, không uống gì, mệt lả luôn.
Một cái phòng đẹp như trong một khu rừng, họ trang trí khá tự nhiên trên tường mặc dù xung quanh là máy móc, thuốc, các đồ vật em bé…. Tôi nằm trên giường, thở và thở. Bác sỹ kiểm tra, mở 2 phân rồi. Rồi họ để cho 2 vợ chồng ở lại, khi nào đau thì gọi họ, bấm cái nút đỏ trước mặt.
Có lúc đau không chịu được tôi nhảy tưng tưng lên, máu bắt đầu ra. Chồng tôi thì cứ thì thầm bên tai, và rất lo lắng. Bình thường chồng rất sợ mỗi khi tôi đau hay bị làm sao, lần này chứng kiến vợ đau đẻ chồng thương hơn gấp ngàn lần.
Khi đau là tôi hét lên, có một bác sỹ ngồi ngay trước chỗ kín, và một chị đứng bên trái tôi, chồng ngồi bên phải nắm tay tôi. Chị đỡ đẻ thỉnh thoảng lại hỏi tôi có muốn gặp con không, chị ấy nói thế mỗi khi bảo tôi rặn. Có lúc chị ấy tỳ chân lên bụng tôi để đẩy em bé ra. Họ làm nhẹ nhàng lắm, tôi rất tỉnh táo, tôi nghe họ nói với nhau làm những gì, tiêm thuốc lúc nào, tôi thì vẫn cứ rặn theo bản năng, có lúc hét lên lần sau không đẻ nữa.
Thế là em bé ra đời sau 2 giờ đau đẻ, khóc không ra nước mắt. Chị đỡ đẻ bế em bé trao cho tôi sau khi chồng cắt dây rốn, lúc đó cảm giác thật nhẹ nhàng. Em bé sạch bong, không một vết dính vào, chỉ có nước ối màu trắng.
Trước đó, các ý tá yêu cầu cần 1 bộ body cho bé và 1 bộ pỵjama, chồng tôi không biết pyjama của trẻ em là bộ nào, thế là tôi chỉ lại cho chồng ở trong túi của bé.
Các y tá mặc đồ cho bé, kiểm tra cân nặng, chiều dài, một số thủ tục ở phòng sinh xong, chúng tôi về phòng nghỉ ngơi, tôi nằm trên giường, y tá đẩy đi, chồng thì bế bé trên tay. Chồng rất tấm tắc vợ đã vượt cạn thành công, nói rằng vợ đẻ giỏi và rất tự hào vì tôi đẻ không phải can thiệp máy móc hay thuốc chống đau như nhiều người ở đây là họ tiêm vào màng cứng để đẻ không bị đau, đẻ dễ hơn. Nhưng tôi cũng may mắn, đẻ tự nhiên và đẻ nhanh. Đẻ xong cảm thấy khỏe mạnh hơn mức bình thường, lúc đó cảm giác có thể giết được 1 con bò.
Bác sĩ kiểm tra sức khỏe cho bé khi được 2,5 tháng tuổi
Bắt đầu là chuyện ăn
Tôi đẻ lúc 5 giờ sáng, 6 giờ về phòng, 8 giờ sáng có người chuẩn bị đồ ăn sáng. Ngày nào cũng ăn sáng bánh mỳ, bơ, pho mát, sữa tươi, tôi có thể yêu cầu trà hoặc cà phê nếu muốn ở tất cả các bữa ăn. Tôi luôn uống trà với sữa tươi.
Các bữa ăn chính của tôi bao gồm cá hồi, thịt gà, súp. Cứ thế, 5 ngày ở viện, luôn có 2 người phục vụ ăn uống, có yêu cầu gì đặc biệt thì báo với họ để họ nấu riêng cho nhưng tôi dễ ăn, ăn khỏe, có hôm còn bảo chồng mua thêm bánh ngọt để ăn dù tráng miệng là hoa quả, bánh ngọt bữa trưa và bữa tối lúc nào cũng có.
Khi về nhà, tôi ăn uống như hồi có bầu, cứ bổ dưỡng là ăn, ăn thoải mái, uống nước nhiều, sữa tươi nhiều, trái cây cũng nhiều. Khi ăn khỏe thì con cũng được nhiều chất bổ vì tôi cho con bú sữa mẹ là chính. Tôi cũng không ăn cái móng giò nào sau khi sinh nhưng sữa vẫn nhiều.
Uống vitamin
Tôi tiếp tục uống vitamin sau khi sinh, và tháng đầu tiên uống thêm viên sắt nữa. Vitamin giúp mẹ có sức đề kháng tốt, sức khỏe tốt vì nếu như không hấp thụ thức ăn tốt thì bạn có năng lượng dự trữ từ vitamin sẽ giúp bạn khỏe mạnh để chăm con, đặc biệt khi uống vitamin bạn cho con bú sẽ giúp con khỏe mạnh hơn.
Chuyện tắm
Buổi chiều ngày đầu tiên sau khi sinh con, bác sỹ chăm sóc tôi đã gợi ý nên tắm để cho cơ thể khỏe mạnh, thoải mái, và cũng để sạch sẽ cho họ kiểm tra cho tôi hàng ngày. Thế là ngày nào tôi cũng tắm, về nhà cũng thế, tắm vào buổi sáng, sảng khoái và dễ chịu.
Nhiều mẹ lo da dày và sần sùi, lúc đầu bạn có thể cảm thấy da thay đổi nhưng sau vài tháng bạn trở về cơ thể như lúc đầu, vì thế, đừng lo lắng, hãy làm cho cơ thể thoải mái và tươi mát.
Chuyện dùng nước và giặt đồ
Nhà tôi quanh năm dùng nước ấm. Tôi chủ trương giặt đồ cho bé bằng tay với nước ấm 30-40 độ. Ngay sau khi ở viện về, tôi không kiêng khem gì, dọn dẹp nhà cửa vì gần 1 tuần không ai ở, chồng đi chợ mua vài thứ rồi tôi nấu ăn. Mọi chuyện khá dễ dàng, không mệt mỏi, thi thoảng có đau chút thì tôi uống thuốc giảm đau do bác sỹ chỉ định nhưng cũng chỉ vài ngày, đến tuần thứ 2 là cơ thể của tôi trở nên bình thường.
Bé Alexandre de Prelle cùng mẹ (tác giả bài viết) và anh chị họ
Tập Kine
Kine phương pháp tập luyện cho cơ thể mẹ và các cơ của bụng, của vùng kín được mềm mại, khỏe mạnh sau khi sinh. Phương pháp này chủ yếu là thở.
Sau tháng đầu tiên, mỗi tuần mình gặp bác sỹ một lần, 30-45 phút, sau đó tự tập ở nhà. Phương pháp cực kỳ hữu hiệu, ngay cả khi mình đau lưng như hồi chưa có em bé, tôi tập Kine ở nhà cũng khỏi. Vì thế, tôi chăm chỉ luyện tập để cơ thể phục hồi nhanh và khỏe mạnh như bình thường.
Tâm lý sau sinh
Nhạy cảm hơn mức bình thường nhưng tôi vốn thoải mái nên mọi thứ khá dễ dàng vượt qua. Có lúc khi tôi nghe nhạc, tưởng tượng mình có thể giết được ai đó ngay tức khắc, cái cảm giác mạnh mẽ này chỉ có sau khi sinh. Vì thế, nếu bạn nào mà cảm thấy tức tối, bực bội, đặc biệt ghét mẹ chồng thì nên lạc quan là mọi thứ sẽ ổn ngay thôi, hãy kiểm soát bản thân mình thật tốt, đừng để đi quá xa và lý do là vì tôi đã thay đổi khi sinh em bé, mọi thứ chỉ là khoảnh khắc, hãy dập tắt nếu muốn có cuộc sống dễ chịu và chăm con một cách dễ dàng.
Tháng đầu tiên, chồng tôi giúp khá nhiều, vì báo cáo với cơ quan về việc vợ sinh vào tháng 1 nên chủ yếu làm việc ở nhà. Chồng giúp tôi việc cho bé bú đúng cách, gọi bác sỹ, giúp cho con bú bình, trông bé lúc đêm nếu bé thức.
Bây giờ bé lớn hơn rồi, nghĩ lại chả ai nuôi con như mình không mất ngủ ngày nào, thậm chí khi có con được ngủ nhiều hơn, vì khi ban ngày bé ngủ hoặc nằm chơi, tôi mệt quá cũng ngủ luôn.
Sau khi sinh em bé, cuộc sống có thay đổi nhịp độ nhưng về cơ bản là vợ chồng thương nhau hơn vì chứng kiến những vất vả để có được đứa con, nuôi con cần hiểu biết hơn, không sợ hãi gì hết.
Bây giờ nếu có em bé tiếp, đẻ liền năm, tôi cũng không ngại khó hay sợ khổ, dù biết sẽ bù đầu bận rộn với sữa, với ăn dặm, xoay đứa này đứa kia, nhưng tôi tin là sẽ vui, sẽ thoải mái khi thấy chúng thay đổi và lớn lên từng ngày.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!