Chiều 27.5, ông Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, 4 trẻ viêm não tử vong (trong số 7 trẻ tử vong) nghi do vi-rút lây qua đường tiêu hoá tại xã Quảng Lâm, huyện Bảo Lâm (Cao Bằng) là do vi-rút Coxsackie A6 – một loại vi-rút gây nhiều bệnh cho trẻ em và dễ lây nhiễm.
Ông Phu cho biết, sau khi nhận được thông tin 7 trẻ tử vong với các triệu chứng: sốt, ho kèm theo khó thở, tiêu chảy; một số trường hợp có dấu hiệu nhiễm độc thần kinh, co giật dẫn đến tử vong nhanh, Bộ Y tế đã cử đoàn công tác xuống làm việc tại địa phương.
Đoàn công tác bao gồm các cán bộ của Viện Vệ sinh dịch tế T.Ư, Bệnh viện Nhi T.Ư. Qua kết quả điều tra cho thấy, xã Quảng Lâm là một xã miền núi vùng rất sâu và xa của tỉnh Cao Bằng, giao thông đi lại vô cùng khó khăn. Đồng bào chủ yếu là người H’Mông, có phong tục tập quán lạc hậu, khi đau ốm ít khi đi khám bệnh. Tính từ 20.4 đến 21.5 có 21 bệnh nhân, trong đó có 7 ca tử vong.
Mùa hè có nhiều bệnh gây biến chứng viêm não cho trẻ - ảnh minh hoạ tại Bệnh viện Nhi T.Ư. Ảnh: Tuấn Kiệt
Theo ông Phu, qua khai thác triệu chứng cho thấy các trẻ tử vong đều dưới 6 tháng tuổi với các biểu hiện sốt nhẹ, quấy khóc, bỏ bú, rối loạn tiêu hóa (đi ngoài phân lỏng, nôn), một số trường hợp có ho, khó thở sau đó diễn biến nhanh đến hội chứng não cấp, bao gồm co giật, li bì và tử vong. Có cháu tử vong tại nhà, có cháu tử vong tại bệnh viện.
Nguyên nhân tử vong do bệnh tiến triển nhanh, diễn biến nặng. Hiện tại còn 8 bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện (1 trường hợp nặng tại bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Giang, 7 trường hợp đã ổn định đang điều trị tại bệnh viện huyện). Tính đến ngày 27.5, không phát hiện thêm trường hợp mắc mới.
Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư đã lấy 11 mẫu bệnh phẩm tiến hành xét nghiệm cho kết quả 2 mẫu dương tính với vi-rút Coxsackie A6, không có mẫu nào dương tính với vi-rút cúm.
Vi-rút Coxsackie là một Entervirus ở đường tiêu hoá, có khả năng gây nhiều loại bệnh cho trẻ em như bệnh (hội chứng) viêm màng não vô khuẩn, bệnh cúm mà hè, bệnh tay chân miệng. vi-rút này sinh sản nhanh trong đường tiêu hoá, không bị tiêu diệt bởi môi trường axít dịch dạ dày. Trẻ em thường bị nhiễm vi-rút Coxsackie rải rác trong cả năm, tuy nhiên bệnh gia tăng vào mùa hè và chủ yếu ở các tỉnh mền Bắc' – ông Phu cho biết.
Theo ông Phu, vi-rút có thể lây qua phân, qua các dịch mũi họng, nước ở các mụn rộp (đối với bệnh tay chân miệng). Người bệnh và người lành mang vi-rút đều có khả năng lây bệnh sang người khác, nhất là đối với trẻ em. Đến nay, bệnh do vi-rút Coxsackie vẫn chưa có vaccine phòng bệnh nên các phụ huynh cần phòng bệnh cho con. Nên cách ly trẻ bị bệnh để kiểm soát sự lây nhiễm, tăng cường vệ sinh cá nhân và môi trường, rửa tay thường xuyên, thực hiện sử dụng nhà tiêu hợp lý…
>> Xem thêm: Cao Bằng: 7 trẻ tử vong nghi do viêm não
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!