Mới đây, bà Gugu Mahlangus, Cục trưởng Cục Kiểm soát Dược phẩm và thiết bị Y tế (cho cả người và động vật-A.L) Zimbabwe đã kêu gọi cho phụ nữ từ 16 tuổi được tiếp cận các phương tiện tránh thai.
Lời đề xuất trên của bà Cục trưởng lập tức bị nhiều người phản đối gay gắt. Bởi theo họ, làm như vậy có nghĩa là các phương tiện tránh thai sẽ được phân phát trong các trường phổ thông và việc này sẽ phá vỡ cấu trúc đạo đức của đất nước…
Giáo dục giới tính là môn học cần có trong nhà trường (Ảnh minh họa: Internet)
Đáp lại các phản ứng trên, nhiều tổ chức xã hội dân sự đã lên tiếng ủng hộ đề xuất của bà G.Mahlangus và cho rằng, cần thiết phải phá vỡ các điều cấm kỵ về tình dục. Theo các tổ chức này, đã đến lúc phải cung cấp thông tin và trao quyền liên quan đến sức khỏe sinh sản (SKSS) không chỉ cho những người trẻ tuổi, mà còn cho cả các bậc phụ huynh, người giám hộ và những người chăm sóc khác, nếu Zimbabwe muốn bảo vệ thế hệ sau này khỏi các mối đe dọa của tỷ lệ tử vong mẹ và trẻ sơ sinh ở mức cao, cũng như của tình trạng hôn nhân trẻ em và các trường hợp nhiễm HIV mới.
Theo ông Kelvin Hazangwi, Giám đốc điều hành tổ chức Padare Enkundleni (Diễn đàn Nam giới về Giới của Zambabwe-A.L), nước này cần giáo dục và định hướng lại cho xã hội để mọi người có khả năng thảo luận một cách đầy đủ về vấn đề tình dục trong một cách ứng xử có tính xây dựng. Ông cho rằng, vấn đề SKSS, sức khỏe tình dục (SKTD) không chỉ là có sẵn thuốc tránh thai hay bao cao su, mà phải làm cho thanh thiếu niên của chúng ta có thông tin chính xác để họ có thể đưa ra các quyết định trong sự hiểu biết đầy đủ về các vấn đề này.
Trong một tiểu luận với nhan đề 'Nhu cầu sức khỏe tình dục và sức khỏe sinh sản vị thành niên ở Zimbabwe', Viện Guttmacher (một cơ quan chuyên nghiên cứu về SKSS và SKTD quốc tế) cho rằng, việc bảo vệ vị thành niên khỏi mang thai ngoài ý muốn và nhiễm HIV bằng cách cung cấp cho họ những thông tin và dịch vụ cần thiết về SKSS và SKTD đang là vấn đề cấp bách của Zimbabwe, nếu nước này muốn đạt được các mục tiêu về phát triển kinh tế lâu dài…
A.L (Theo Herald, 03/11/2015)
(Nội dung do Vụ Sức khỏe Bà mẹ Trẻ em, Bộ Y tế kiểm duyệt)
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!