Cả 4 típ gây bệnh sốt xuất huyết do vi-rút Dengue đều gặp ở Việt Nam và luân phiên gây dịch.
Do miễn dịch được tạo thành sau khi mắc bệnh chỉ có tính đặc hiệu đối với từng típ cho nên người ta có thể mắc bệnh sốt xuất huyết lần thứ 2 hoặc thứ 3 bởi những típ khác nhau, tuy nhiên rất hiếm khi mắc bệnh lại lần thứ 4.
PGS. Phan Trọng Lân lưu ý, Viện Pasteur TP.HCM chưa ghi nhận có sự biến đổi gen của vi-rút sốt xuất huyết nhưng týp D3 đang trong giai đoạn tiến lên và sẽ lan rộng. Năm 2013, týp D3 chỉ xuất hiện ở 4 tỉnh thì năm 2014 đã lên 8 tỉnh và tiếp tục lan rộng.
Người mắc bệnh và người nhiễm vi-rút không triệu chứng là nguồn truyền bệnh quan trọng. Trong ổ dịch sốt xuất huyết cứ 1 trường hợp mắc bệnh điển hình thì có hàng chục trường hợp mang vi-rút tiềm ẩn, không có triệu chứng nhưng vẫn có khả năng là nguồn bệnh để lây cho người khác.
Bệnh sốt xuất huyết do vi-rút Dengue gây ra (Ảnh minh họa: Internet)
Muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết thường đẻ trứng vào những dụng cụ chứa nước sạch trong nhà và khu vực quanh nhà như bể, thùng, lu, vại, thạp chứa nước sạch... Thậm chí trứng muỗi có thể chịu được điều kiện rất khô và sống trong nhiều tháng, khi gặp nước trứng sẽ nở ra.
Trong suốt đời, muỗi cái đẻ tới 5 lần, mỗi lần vài chục trứng… việc kiểm soát vì thế gặp rất nhiều khó khăn. Cục Y tế Dự phòng - Bộ Y tế nhận định dịch bệnh có thể tiếp tục gia tăng và diễn biến phức tạp trong thời gian tới, đặc biệt vào mùa mưa nếu không triển khai khai quyết liệt các biện pháp phòng chống.
Bệnh sốt xuất huyết thường có biểu hiện rất cấp tính như: sốt cao đột ngột, kéo dài 2 - 7 ngày, đi cùng với các triệu chứng đau đầu, chán ăn, buồn nôn, đau hốc mắt, đau cơ, đau khớp, chảy máu mũi... Những trường hợp nặng bệnh tiến triển dẫn tới tình trạng sốc: vật vã, li bì, mạch nhanh, huyết áp tụt, hôn mê và có thể tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!