Khắc phục táo bón ở trẻ em

Cần biết - 04/19/2024

Con tôi hơn 4 tuổi, cháu vẫn ăn uống bình thường, tuy nhiên cháu hay bị táo bón, nhiều khi tôi phải giúp cháu bằng cách bơm thuốc vào hậu môn.

Xin hỏi nguyên nhân và cách khắc phục? Tôi xin cảm ơn!

Lethanhha@gmail.com

Có rất nhiều nguyên nhân gây táo bón. Chứng táo bón ở trẻ trong độ tuổi đi học thường do chế độ ăn không đủ nước và chất xơ. Những trẻ ăn chế độ ăn đặc biệt với thức ăn nhanh - giàu chất béo và đường có thể bị táo bón thường xuyên hơn. Ở trẻ nhỏ, táo bón có thể xảy ra khi chuyển từ sữa mẹ sang dùng sữa bò, hoặc từ thức ăn cho trẻ nhỏ sang thức ăn đặc. Trẻ cũng có thể bị táo bón khi chúng lo lắng về điều gì đó, chẳng hạn như khi trẻ bắt đầu đi học ở trường mới...

Trẻ lười đi vệ sinh, thậm chí ngay cả khi trẻ có nhu cầu. Tuy nhiên đây lại là một nguyên nhân ít được để ý đến. Cũng cần chú ý trong một số trường hợp, táo bón kéo dài có thể là dấu hiệu của một bệnh lý thực thể nào đó như dài đại tràng, trĩ, nứt hậu môn...

Để phòng bệnh táo bón cho trẻ, cần tập cho trẻ có thói quen đi đại tiện đúng giờ. Tăng cường rau xanh trong bữa ăn của trẻ, kết hợp hoa quả, đặc biệt là chuối, đu đủ. Cho trẻ ăn 1-2 quả chuối một ngày có thể đạt được hiệu quả của việc nhuận tràng. Ngoài ra có thể cho trẻ uống một chút mật ong vào sáng sớm, mỗi lần uống khoảng 60ml và pha bằng nước sôi.

Bên cạnh đó, khi trẻ bị táo bón, bạn có thể xoa bụng cho trẻ để giúp nhuận tràng: Cho trẻ nằm ngửa trên giường, dùng phần gốc bàn tay phải của mình áp sát vào phần cơ bụng trẻ, từ bụng trên bên phải xoa sang bụng trên bên trái rồi xuống đến bụng dưới bên phải, cứ xoa xoay day đẩy như vậy. Động tác xoa không nên làm mạnh tay quá, mỗi lần xoa trong 10 phút, mỗi ngày xoa 2-3 lần, cho đến khi nào trẻ thông được đại tiện. Cuối cùng, khi táo bón kéo dài, bạn nên cho trẻ đi khám bác sĩ để có chẩn đoán và điều trị hợp lý, tránh các biến chứng có thể xảy ra cũng như tránh hiện tượng lạm dụng thuốc nhuận tràng.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!