Vì vậy, khi khản tiếng kéo dài, người trưởng thành, đặc biệt là người cao tuổi, không nên xem thường, chủ quan.
Thanh quản là một phần của hệ thống hô hấp, không chỉ giúp ích cho việc phát âm mà còn ngăn chặn thức ăn rơi vào phổi khi ăn uống. Thanh quản nằm ở trước thanh hầu, đối chiếu với đốt sống cổ thứ 3 tới thứ 6, thanh quản thông ở dưới với khí quản và trên với hầu. Thanh quản được cấu tạo từ những sụn nối khớp với nhau, các màng, dây chằng và các cơ.
Trong thanh quản, quan trọng nhất là 2 dây thanh âm, khi rung chuyển theo điều khiển sẽ tạo ra âm thanh do tác động lên luồng không khí đi qua. Bên trong thanh quản là một lớp niêm mạc liên tục, liền mạch mới niêm mạc hầu và khí quản, tạo nên những xoang cộng hưởng âm thanh.
Viêm thanh quản là gì?
Viêm thanh quản là tình trạng sưng thanh quản từ kích thích do viêm nhiễm, lạm dụng ăn, uống chất cay nóng, rượu bia, hút thuốc hoặc do lạnh... Thông thường dây thanh âm mở và đóng êm, tạo thành âm thanh thông qua chuyển động và rung động. Nhưng trong viêm thanh quản, dây thanh bị sưng nề, viêm dày làm biến dạng dây âm thanh bởi không khí đi qua chúng, hậu quả là giọng nói bị khản.
Một số trường hợp viêm thanh quản, giọng nói có thể trở thành gần như không phát thành tiếng (mất tiếng, nếu điều trị đúng, kịp thời sẽ khỏi). Một số trường hợp khản tiếng kéo dài nhất là người cao tuổi có thể biến chứng nguy hiểm là ung thư thanh quản, teo dây thanh âm…
Nguyên nhân gây khản tiếng
Khản tiếng là triệu chứng cho biết dây thanh âm có vấn đề không bình thường. Hai dây thanh âm phải, trái, một phần cấu trúc của thanh quản, nằm ở vùng thấp của họng và là cửa ngõ chính dẫn không khí vào đường hô hấp dưới. Khi dây thanh âm bị viêm hoặc nhiễm trùng chúng sẽ bị sưng lên và gây ra khản tiếng. Khản tiếng là triệu chứng không đặc hiệu của nhiều bệnh ở thanh quản từ những polyp lành tính đến những khối ung thư đe dọa đến tính mạng.
Triệu chứng của khản tiếng rất dễ nhận thấy nhưng nhiều người không để ý, đến khi bệnh nặng, gây nhiều biến chứng nguy hiểm mới chịu đi khám bệnh, lúc đó đã muộn.
Nguyên nhân gây ra khản tiếng rất đa dạng như viêm thanh quản do axít của dịch vị trong bệnh trào ngược dạ dày thực quản, do dị ứng, hít phải các chất kích thích, ho mạn tính, cảm lạnh hoặc nhiễm khuẩn hô hấp trên cấp. Đa số khản tiếng là do nghề nghiệp phải nói nhiều, liên tục (giáo viên, phát thanh viên, hướng dẫn viên du lịch…) hoặc trẻ khóc nhiều, la hét nhiều.
Một số trường hợp khản tiếng do hút thuốc lá, lạm dụng rượu, bia gây viêm thanh quản cấp hoặc mạn tính. Nguy hiểm nhất gây khản tiếng kéo dài là do ung thư họng lan tới thanh quản hoặc ung thư ngay ở thanh quản. Một số trường hợp khản tiến kéo dài là do lao thanh quản (có thể bị lao ngay ở thanh quản hoặc bị lao phổi vi khuẩn lao theo máu, bạch huyết lan đến thanh quản và gây bệnh ở đó). Hậu quả là dây thanh sẽ sưng nề và tạo nên các hạt xơ, các polyp, các nang hoặc u…
Ngoài các nguyên nhân trên còn một số nguyên nhân hiếm gặp gây ra khản tiếng như chấn thương, kích thích do đặt ống giúp thở hoặc sau nội soi khí phế quản gây phù nề họng, thanh quản. Một số khác có thể do tổn thương thần kinh và các cơ của thanh quản trong lúc phẫu thuật hoặc chấn thương vùng cổ trước hoặc do hóc dị vật ở thực quản cổ hoặc thanh, khí quản.
Ngoài ra, khản tiếng có thể do nuốt các chất ăn mòn, chất gây phỏng như axít, kiềm hoặc do bệnh của tuyến giáp, bệnh ung thư phổi - màng phổi di căn đến hoặc do di chứng dày dính màng phổi bởi lao phổi hoặc khối u trong lồng ngực chèn ép dây thần kinh vận động các cơ của thanh quản hoặc do xơ teo dây thanh…
Triệu chứng đi kèm khản tiếng
Do khản tiếng, mất tiếng hoặc nói không rõ lời nhưng vẫn cố nói làm cho người bệnh rất mệt mỏi, đau rát họng, nuốt đau, do đó gây ho khan, tức ngực, mệt mỏi. Nếu do viêm nhiễm vi sinh vật gây bệnh có thể có sốt (tùy theo mức độ có thể sốt nhẹ, vừa hoặc cao).
Một số người cao tuổi thường có giọng nói yếu và khản hơn, kéo dài, nguyên nhân có thể do dây thanh âm bắt đầu teo làm cho họ có giọng nói yếu, khản và rất mệt mỏi sẽ khiến người bệnh cảm thấy tự ti khi giao tiếp, dần dần người bệnh sẽ cô lập với cuộc sống và gia đình.
Nếu do ung thư thanh quản ngoài các triệu chứng trên, đặc biệt là khản tiếng kéo dài, mất tiếng, người bệnh gầy sút, rất mệt mỏi và điều trị nội khoa (dùng thuốc) đúng chỉ định mà bệnh không thuyên giảm.
Nguyên tắc điều trị khản tiếng
Khi bị khản tiếng nên đi khám bệnh ngay, tốt nhất là khám chuyên khoa tai, mũi, họng để được chẩn đoán, điều trị kịp thời tránh để bệnh nặng và gây biến chứng. Người bệnh không nên xem thường, nhưng cũng không nên lo lắng thái quá. Nếu điều trị đúng chỉ định của bác sĩ và đã hết liều lượng nhưng bệnh không thuyên giảm, có xu hướng nặng thêm hoặc giảm chậm cần tái khám ngay. Người bệnh không nên tự chẩn đoán bệnh cho mình hoặc tự mua thuốc để tự điều trị nếu không có chuyên môn về y học (không phải bác sĩ).
Lời khuyên của thầy thuốc
Cần vệ sinh họng miệng sạch sẽ hàng ngày bằng cách đánh răng sau khi ăn, trước và sau khi ngủ dậy, tốt hơn nữa, súc họng nước muối sinh lý trước khi đánh răng. Tránh lạnh đột ngột (tắm nước lạnh, uống nước lạnh, nước đá, bia lạnh…). Không nên nói to và nói, cười hét to quá nhiều, kéo dài làm chậm tiến trình hồi phục thanh quản, hoặc làm nặng thêm bệnh lý khản tiếng. Không ăn quá cay, quá nóng, quá lạnh, không nên hút thuốc, người đang trong thời kỳ viêm thanh quản không nên uống rượu, bia.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!