Khi chồng không chịu đi khám vô sinh

Sức khỏe sinh sản - 05/06/2024

Theo tiến sĩ Nguyễn Viết Tiến, các thủ thuật khám vô sinh nam không đến nỗi phiền toái như các quý ông e ngại.

Tại sao quý ông từ chối đến bệnh viện?

Anh Cường, một người đang mong mỏi tiếng trẻ bi bô suốt 6 năm nay, bực mình than thở với bạn: ‘Bà xã cứ dứt khoát bắt tớ đến gặp bác sĩ. Cậu xem, tớ cao gần mét tám, nặng 73 kg, 'chuyện ấy' thì đều như vắt chanh, hỏi yếu chỗ nào mà phải thử với thách?’.

Cũng như Cường, nhiều quý ông nhầm tưởng rằng vẻ ngoài khỏe mạnh, khả năng tình dục dồi dào đồng nghĩa với khả năng làm bố. Do đó, họ bất bình khi được yêu cầu đi khám.

Tuy nhiên, đối với nhiều đức ông chồng, sự cường tráng bề ngoài chỉ là cái cớ họ vin vào để từ chối vợ. ‘Nói dại, nếu đi khám mà phát hiện mình có vấn đề gì thì mất mặt quá’ - một quý ông tâm sự. Anh nghĩ rằng phần lỗi vô sinh có thể thuộc về mình, nhưng vì sợ bác sĩ khẳng định điều đó là sự thật nên luôn tìm lý do từ chối đi khám.

Nhiều ông chồng thì sợ đến bệnh viện vì sợ các thủ thuật khám, xét nghiệm, mà anh Văn (Hà Đông, Hà Tây) là một ví dụ: ‘Dù sao đó cũng là chỗ kín, để người ta kiểm tra, đánh giá, ngại lắm. Tôi nghe nói phải sinh thiết 'hạt giống' để tìm tinh trùng’.

Dũng cảm hơn, nhiều quý ông đã chịu theo vợ đến bệnh viện. Nhưng sau khó khăn đầu tiên của khâu lấy tinh trùng, họ đã kiên quyết không quay lại lần nữa.

Không khám thì không thể có con

Khi chồng không chịu đi khám vô sinh

Ảnh minh họa

Tiến sĩ Nguyễn Viết Tiến, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương, khẳng định, trong các trường hợp vô sinh, phần lỗi của nam và nữ ngang nhau. Cứ 10 ca vô sinh thì 4 ca do chồng, 4 ca do vợ. Hai ca còn lại do lỗi của cả hai người hoặc vô căn.

Như vậy, nếu muộn có con thì trách nhiệm khám - điều trị của hai vợ chồng là ngang nhau. Do đó nếu đã quan hệ tình dục đều đặn, không áp dụng phương pháp tránh thai nào mà sau 1 năm vẫn chưa có bầu thì cả chồng và vợ đều cần đến gặp bác sĩ. Đặc biệt, với những trường hợp người vợ đã có kết luận bình thường mà chồng vẫn không chịu đi khám thì không thể nào có con được.

Các vấn đề gây vô sinh thường gặp ở đàn ông là:

Tinh trùng ít, yếu: Số lượng tinh trùng không đủ để thụ thai một cách tự nhiên, hoặc tinh trùng kém, nhiều con bất thường không có khả năng di chuyển.Cách giải quyết là lọc rửa tinh trùng rồi bơm trực tiếp vào buồng tử cung. Nếu tinh trùng quá ít, có thể làm thụ tinh trong ống nghiệm, ít nữa thì chọn ra một tinh trùng khỏe mạnh rồi bơm trực tiếp vào trứng (kỹ thuật ICCI).

Tắc đường dẫn tinh: Tinh trùng vẫn được sản xuất nhưng không được giải phóng ra. Cách giải quyết cũng là sinh thiết lấy tinh trùng để tiêm trực tiếp vào bào tương trứng. Các giải pháp thông tắc để thụ thai tự nhiên thường kém hiệu quả.

Tinh trùng bị kháng: Nếu kết quả khám của hai vợ chồng đều bình thường, bác sẽ nghĩ đến khả năng chất dịch ở cổ tử cung người vợ có chất kháng tinh trùng. Họ sẽ cho lấy mẫu tinh dịch ở cổ tử cung người vợ sau khi quan hệ tình dục để xét nghiệm, nếu tinh trùng bị chết nhiều thì có thể khẳng định. Cách giải quyết là bơm tinh dịch vào thẳng buồng tử cung.

Không có tinh trùng: Cần xin tinh trùng hiến.

Thủ thuật khám vô sinh nam chỉ mất 10 phút

Theo tiến sĩ Nguyễn Viết Tiến, các thủ thuật khám vô sinh nam không đến nỗi phiền toái như các quý ông e ngại. Khâu đầu tiên cần làm là xét nghiệm tinh dịch để đánh giá số lượng, chất lượng tinh trùng. Nếu kết quả không tốt, họ sẽ được chỉ định xét nghiệm máu để đánh giá nội tiết. Nếu tinh trùng tốt, bác sĩ sẽ khám phát hiện các bệnh lý gây viêm nhiễm.

Trường hợp tinh dịch không có tinh trùng cần sinh thiết mào tinh xem có sự hiện diện của ‘các chiến binh’ này hay không. Thời gian mà bệnh nhân mất cho một xét nghiệm chỉ mất tối đa 10 phút, sau đó là khâu chờ kết quả. 

Vấn đề khó khăn nhất với quý ông là lấy mẫu tinh dịch. Ở Bệnh viện Phụ sản Trung ương có một căn phòng nhỏ dành cho việc này, nhưng không có các phương tiện hỗ trợ (chẳng hạn như phim) nên việc lấy mẫu không dễ dàng. Tuy nhiên, các quý ông có thể về lấy ở nhà với sự hỗ trợ của vợ. 

Anh Thông (45 tuổi, Hà Nội), người đang điều trị hiếm muộn, kể: ‘Tôi đã rất sợ khi đến bệnh viện, sợ phải lấy máu, sợ sinh thiết, sợ không lấy được tinh dịch. Nhưng tôi tự nhủ vợ mình cũng phải trải qua những cảm giác ấy khi đi khám, trong khi cô ấy là phái yếu’.

Có một điều nữa giúp anh Thông cũng như một số ông chồng khác vượt qua nỗi e ngại: Những phiền toái nho nhỏ ấy không thể so sánh với niềm hạnh phúc được làm cha.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!