Khi nào cần đưa ngay trẻ sau tiêm vắc xin đến cơ sở y tế?

Nuôi dạy con - 05/10/2024

Ngày 16/1, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị trực tuyến tăng cường xử lý phản ứng sau tiêm chủng với sự tham gia của gần 700 điểm cầu là toàn bộ các nhân viên y tế có liên quan đến hoạt động tiêm chủng.

Trước đó, tại hội nghị trực tuyến triển khai công tác ngành y tế năm 2019 ngày 16/1, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cũng lưu ý ngành y tế cần coi việc thay đổi vắc xin tiêm chủng mở rộng là nhiệm vụ quan trọng của ngành trong năm 2019.

Phó Thủ tướng nêu rõ: “Ngành y tế đã thận trọng trong khám sàng lọc, trong tư vấn trước và sau tiêm, nhưng cần thận trọng hơn, khám sàng lọc kỹ hơn, dặn dò người dân nhiều hơn về việc theo dõi trẻ sát sao sau tiêm chủng'.

Bộ Y tế cũng cho biết, đến 2020, Việt Nam sẽ hoàn thành việc sản xuất vắc xin 5 trong 1 phòng các bệnh như vắc xin Quinvaxem và ComBE Five để đưa vào Chương trình tiêm chủng mở rộng.

Không tiêm chủng, người dân dễ mắc bệnh, đối mặt nguy cơ tử vong cao

Phát biểu tại hội nghị trực tuyến tăng cường xử lý phản ứng sau tiêm chủng, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, tiêm chủng là gây ra miễn dịch chủ động nhân tạo, đưa vào cơ thể lượng kháng nguyên không đủ gây bệnh nhưng có khả năng kích thích cơ thể tạo ra kháng thể.

Sau đó, khi có kháng thể, nếu gặp vi rút gây bệnh, cơ thể đã có sẵn miễn dịch chủ động để không thể mắc bệnh.

Và khi vào cơ thể, kháng nguyên sinh kháng thể sẽ có phản ứng, nhẹ nhất là sốt. Nếu không có phản ứng đó sẽ khó lòng sinh ra kháng thể chủ động.

Với người càng khoẻ mạnh, trẻ bụ bẫm thì phản ứng sốt càng cao, chứng tỏ kháng nguyên sinh kháng thể tốt, còn với trẻ yếu thường không đáp ứng tiêm kháng nguyên vào nên gần như không có phản ứng. Do đó, trẻ có biểu hiện sốt, quấy khóc, sưng đau, đỏ... sau tiêm là phản ứng thông thường.

Bộ Y tế cho biết, không tiêm chủng, người dân sẽ mắc bệnh và có thể đối mặt nguy cơ tử vong cao, chi phí điều trị bệnh nhiều, trong khi đó, tiêm chủng đảm bảo phòng bệnh tốt, chi phí lại thấp.

Tuy nhiên, nhìn nhận cả về thực tiễn lẫn lý thuyết, tiêm chủng không an toàn tuyệt đối. Không chỉ có kháng sinh, thuốc, vắc xin cũng đều có phản ứng không mong muốn.

Bộ trưởng cũng cho biết, ngành y tế đã mời các chuyên gia hàng đầu hội chẩn để ra phác đồ chống sốc ban hành Thông tư 51/2017/TT-BYT trước đó, nhưng hiện nay, một số tình huống thực tiễn phát sinh, sắp tới Bộ Y tế sẽ tiến hành bổ sung trong phác đồ.

Để tránh tối đa nguy cơ trẻ phản ứng nặng, tai biến sau tiêm vắc xin, Bộ trưởng cho biết sẽ tập huấn toàn bộ cán bộ nhân viên y tế liên quan, xử lý sốc triệt để theo quy định ban hành.

Đặc biệt, Bộ trưởng yêu cầu các cán bộ tỉ mỉ từ những chi tiết nhỏ nhất như tìm hiểu tiền sử sản khoa, tai biến trước đó của trẻ nhỏ, tiền sử bệnh thật, tiền sử dị ứng gia đình. Bộ trưởng cũng khuyến cáo cha mẹ theo dõi sát sao, đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất nếu có bất thường.

Khi nào cần đưa ngay trẻ sau tiêm vắc xin đến cơ sở y tế?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại hội nghị.

Theo dõi, chăm sóc trẻ sau tiêm chủng thế nào?

Theo PGS.TS Dương Thị Hồng - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, những phản ứng có thể gặp sau tiêm chủng vắc xin ComBE Five (DPT-VGB-Hib) thông thường là các phản ứng tại chỗ (sưng, đỏ, đau): có thể tới 50%. Sốt (>38ºC): có thể tới 50%.

Các triệu chứng toàn thân, kích thích, khó chịu, quấy khóc: có thể tới 55%....

Để theo dõi, chăm sóc trẻ tiêm chủng, PGS.TS Nguyễn Thị Hồng tư vấn:

Trước tiêm chủng, đối với cán bộ y tế cần khám sàng lọc theo quyết định 2301/QĐ-BYT ngày 12/6/2015. Khai thác tiền sử sinh đẻ, tiền sử dị ứng, bệnh tật/sử dụng thuốc của trẻ. 

Tiền sử dị ứng, bệnh tật của gia đình. Tiền sử tiêm chủng của trẻ. Tiền sử phản ứng sau tiêm chủng đặc biệt phản ứng sau tiêm chủng của lần tiêm chủng trước.

Đối với bà mẹ,gia đình trẻ cần chuẩn bị sổ/phiếu tiêm chủng của trẻ. Thông báo với cán bộ y tế về tiền sử sinh đẻ, tiền sử dị ứng, bệnh tật/sử dụng thuốc của trẻ/phản ứng sau tiêm chủng đặc biệt của lần tiêm chủng trước. Thông báo với cán bộ y tế về tình trạng sức khỏe hiện tại trẻ.

Tại điểm tiêm chủng,cán bộ y tế hướng dẫn bà mẹ cách theo dõi trẻ sau tiêm chủng. Theo dõi trẻ 30 phút tại điểm tiêm chủng.

Cha mẹ, gia đình trẻ cùng cán bộ y tế theo dõi trẻ trong 30 phút tại điểm tiêm chủng. Thông báo cho cán bộ y tế nếu trẻ có dấu hiệu bất thường về sức khỏe: Khóc, bứt rứt, khó chịu, nôn, trớ, tại vết tiêm quầng đỏ lan rộng, nổi ban…

Sau tiêm chủng:Cán bộ y tế thông báo số điện thoại của cán bộ y tế để tư vấn, giải đáp các thắc mắc của các bậc cha mẹ sau tiêm chủng. Tư vấn, tiếp nhận và xử trí các phản ứng sau tiêm chủng.

Cha mẹ tiếp tục theo dõi trẻ tại nhà trong 1 đến 2 ngày sau tiêm chủng. Người theo dõi trẻ phải là người trưởng thành và biết chăm sóc trẻ. 

Các dấu hiệu cần theo dõi: Tinh thần; tình trạng ăn, ngủ, nhiệt độ (nếu có sốt phải cặp nhiệt độ), phát ban, biểu hiện tại chỗ tiêm (sưng, đỏ…).

Khi trẻ có những phản ứng thông thường như sốt nhẹ, sưng đau tại chỗ tiêm, quấy khóc... thì phải được theo dõi thường xuyên, liên tục, chú ý vào ban đêm để kịp thời phát hiện những biểu hiện bất thường.Không đắp bất cứ thứ gì vào vị trí tiêm.

Chăm sóc trẻ tại nhà sau tiêm chủng:Cho trẻ bú/ăn đủ bữa, đủ số lượng, đúng tư thế, không bú/ăn khi nằm… thường xuyên kiểm tra trẻ, đặc biệt ban đêm.

Lưu ý các bà mẹ sử dụng thuốc tại nhà: Không tự ý dùng thuốc. Dùng thuốc theo chỉ dẫn của cán bộ y tế.

Nếu trẻ sốt cần cặp nhiệt độ, theo dõi sát, chườm ấm, nới rộng quần áo. Dùng thuốc hạ sốt theo đúng hướng dẫn của cán bộ y tế. Sau khi sử dụng thuốc chủ động thông báo lại cho cán bộ y tế tình trạng sức khỏe của trẻ.

Không dùng các loại thuốc lá, cây…. đắp vào vị trí tiêm.

Nếu cha mẹ không yên tâm về sức khỏe của trẻ sau tiêm chủng hãy đến gặp cán bộ y tế để được khám và tư vấn.

Các dấu hiệu cần đưa NGAY trẻ đến cơ sở y tế gần nhất khi có 1 trong những dấu hiệu sau:

- Sốt cao > 39 độ C, khó đáp ứng thuốc hạ sốt, sốt kéo dài trên 24 giờ, sốt xuất hiện sau 12 giờ tiêm chủng.

- Quấy khóc kéo dài, bứt rứt, kích thích.

- Kém tương tác với người xung quanh, trẻ mệt xỉu, li bì và hôn mê.

- Co giật.

- Nôn chớ, bú kém, bỏ bú.

- Phát ban.

- Thở nhanh, khó thở co kéo hõm ức, thở rên, thở ậm ạch, tím môi và chi.

- Chân tay lạnh, da nổi vân tím.

- Hoặc có các dấu hiệu bất thường khác khiến cha mẹ trẻ lo lắng.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!