Khi răng cũng biết… nhạy cảm

Chăm sóc răng miệng - 11/24/2024

Tìm hiểu về răng nhạy cảm trên Hello Bacsi sẽ cho bạn biết về triệu chứng, nguyên nhân, cách điều trị và phòng ngừa hiệu quả.

Khi bạn cảm thấy ê buốt và đau tạm thời ở răng khi thực hiện những sinh hoạt bình thường như đánh răng, dùng chỉ nha khoa, ăn uống có thể bạn đã bị răng nhạy cảm. Răng nhạy cảm là kết quả của sự mòn men răng hoặc hở chân răng. Thỉnh thoảng, chứng khó chịu ở răng cũng có thể bị gây ra bởi sâu răng, răng bị nứt hoặc sứt mẻ, do vết trám răng mới hoặc tác dụng phụ của các kỹ thuật nha khoa khác như tẩy trắng răng.

Dấu hiệu và triệu chứng của răng nhạy cảm là gì?

Có rất nhiều biểu hiện chứng tỏ bạn đã bị răng nhạy cảm, bao gồm đau và khó chịu ở răng khi ăn thức ăn ngọt, chua hoặc có chứa axit (như chanh, kẹo mút), thức ăn nóng hoặc lạnh (như cà phê nóng hay kem).

Có một quan niệm sai lầm phổ biến là răng nhạy cảm sẽ chỉ đau khi bạn ăn uống. Tuy nhiên, nếu răng nhạy cảm lạnh, khi hít khí lạnh hay uống đồ uống có đá) cũng có thể làm răng của bạn cảm thấy khó chịu.

Răng nhạy cảm sẽ càng dễ tổn thương hơn nếu bị đè ép hoặc chạm vào – vài trường hợp có thể bị đau khi đánh răng hoặc dùng chỉ nha khoa làm sạch kẽ răng.

Trong nhiều trường hợp, sự sụt nướu cũng có thể khiến răng bạn trở nên nhạy cảm.

Có thể có các biểu hiện và dấu hiệu khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các triệu chứng bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc nha sĩ.

Bạn nên làm gì khi bị răng nhạy cảm?

Bạn nên thử những cách sau để kiểm soát tình trạng răng nhạy cảm:

  • Đánh răng và dùng chỉ nha khoa thường xuyên: nên tìm hiểu các phương pháp chải răng phù hợp và dùng chỉ nha khoa đúng quy cách để làm sạch toàn bộ vùng răng miệng của bạn.
  • Sử dụng bàn chải đánh răng lông mềm: chỉ nên chà nhẹ nhàng trên vùng răng và quanh nướu để không loại bỏ các mô nướu.
  • Sử dụng kem đánh răng dành cho răng nhạy cảm: bạn có thể cần phải thử nhiều nhãn hiệu kem đánh răng để tìm ra sản phẩm phù hợp nhất. Mẹo khác: hãy thử trải một lớp mỏng kem lên chân răng trước khi đi ngủ. Ngoài ra, kem đánh răng có chất flo sẽ giúp răng khỏe hơn và bạn không nên dùng loại kem đánh răng giúp kiểm soát mảng bám.
  • Hãy cẩn thận với những thực phẩm bạn ăn: tránh những loại thức ăn và nước uống có tính axit cao.
  • Sử dụng sản phẩm nha khoa có flo: sử dụng nước súc miệng có flo hàng ngày có thể làm giảm sự nhạy cảm. Hãy hỏi ý kiến nha sĩ để lựa chọn nhãn loại kem phù hợp nhất với bạn.
  • Không nên nghiến răng và dùng miếng bảo vệ răng vào ban đêm.
  • Khám răng định kỳ mỗi 6 tháng một lần hay sớm hơn tùy vào tình hình sức khỏe răng miệng của bạn.

Khi nào bạn cần gặp nha sĩ?

Nếu bạn đã thử tự điều trị tình trạng răng nhạy cảm của bạn trong một vài tuần và không có sự cải thiện nào, bạn nên đến gặp nha sĩ.

Làm thế nào để phòng ngừa bệnh răng nhạy cảm?

Để ngăn ngừa răng nhạy cảm, bạn nên chải răng ít nhất 2 lần mỗi ngày vào buổi tối trước khi đi ngủ và buổi sáng sau khi thức dậy. Sử dụng kem đánh răng có flo hoặc dành riêng cho răng nhạy cảm là điều cần thiết. Dùng bàn chải có lông mềm mịn và chải răng nhẹ nhàng theo vòng tròn. Không chải theo chiều ngang. Ngoài ra, bạn nên lưu ý những điều sau:

  • Thay bàn chải đánh răng thường xuyên 2 – 3 tháng/lần hay sớm hơn nếu bàn chải đã xơ;
  • Hạn chế dùng thức ăn có đường, thức uống có ga và axit;
  • Nếu bạn có tật nghiến răng, hãy hỏi nha sĩ liệu bạn có nên dùng miếng bảo vệ răng vào ban đêm để hạn chế tình trạng này không;
  • Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi quyết định tẩy trắng răng;
  • Khám răng định kỳ.

Hello Health Group không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!