Không được đánh thức buổi sáng, trẻ tự giác hơn

Làm mẹ - 11/28/2024

Việc đánh thức con dậy vào mỗi buổi sáng là một bài học tuyệt vời về tính tự lập mà cha mẹ phải dạy cho con.

Đây là quản điểm của Sugahara Yuko, tác giả cuốn sách 'Giúp con tự lập bằng yêu thương: 66 bài học từ cha mẹ Nhật'.

Đôi khi cha mẹ thường có suy nghĩ rằng mình phải có nghĩa vụ làm một số công việc cho con mà không dám 'lười' để cho con tự làm. Hoặc có những bố mẹ đánh đồng việc làm cho con mọi việc mới chính là thể hiện tình yêu với con. Tuy nhiên, rất nhiều ví dụ và câu chuyện trong cuốn sách 'Giúp con tự lập bằng yêu thương: 66 bài học từ cha mẹ Nhật' sẽ giúp cha mẹ hiểu rằng, yêu thương con chính là dạy con tự lập từ khi còn rất nhỏ, bắt đầu từ những việc đơn giản nhất.

1. Gọi con dậy buổi sáng là trách nhiệm của ai?

Hãy trả lời câu hỏi 'Việc đánh thức trẻ vào giờ nhất định mỗi sáng để trẻ không bị muộn học là công việc của ai?'. Công việc này là trách nhiệm của chính bản thân trẻ. Tuy nhiên, ở rất nhiều gia đình cha mẹ lại tước đoạt mất công việc đó từ trẻ, và chính từ việc cha mẹ đánh thức trẻ dậy mỗi sáng đã khiến trẻ trở nên ỷ lại vào cha mẹ, và làm cản trở quá trình trẻ tự lập.

Không được đánh thức buổi sáng, trẻ tự giác hơn

Rất nhiều đứa trẻ cảm thấy khó khăn khi phải thức dậy mỗi sáng

'Nhưng nếu không đánh thức thì con lại trễ học' - từ lỗi đó mà kết cục cha mẹ đã tạo ra tình trạng là trẻ không cần tự mình dậy buổi sáng cũng được. Không phải là việc trẻ không tự thức dậy được, mà bởi vì có cha mẹ đánh thức rồi nên trẻ không cần tự mình phải dậy.

2. Để trẻ tự thức dậy chính là nuôi dưỡng 'tinh thần trách nhiệm' cho trẻ

Hãy bắt đầu từ việc tự thức dậy buổi sáng, tự sửa soạn quần áo, sách vở... sau đó đến khi trẻ bước vào tiểu học thì có thể tự mình làm mọi việc mà bản thân nên làm và phải làm. Công việc của cha mẹ không phải là chỉ thị trẻ làm những công việc của mình bằng câu ra lệnh 'con hãy tự mình làm đi', mà chính là tạo một môi trường làm sao để trẻ trở nên thích tự mình làm nó. Muốn như thế thì bước đầu tiên là khi trẻ bắt đầu có những biểu hiện muốn tự mình làm cái này cái kia, cha mẹ đừng ngăn cản trẻ.

Khi trẻ được khoảng 1 tuổi rưỡi là lúc trẻ bắt đầu muốn tự mình làm mọi thứ. Khi trẻ được 3 tuổi, trẻ bắt đầu kiên quyết hơn khi nói với cha mẹ thông điệp 'để con tự làm'. Khi này, bằng cách để cho trẻ được tự mình làm càng nhiều càng tốt, cha mẹ có thể nuôi dưỡng tinh thần 'tự lập' ấy lớn lên khỏe mạnh.

Nhưng thực tế thì có không ít cha mẹ lại làm ngược lại. Khi trẻ còn nhỏ mà nói là 'Con muốn làm cơ' thì cha mẹ sẽ phản ứng 'Nhỡ con bị đứt tay thì sao. Con vẫn chưa làm được đâu', nhưng khi trẻ lớn lên chút mà muốn làm nũng đòi 'Mẹ làm giúp con', thì lại mắng trẻ 'Con lớn rồi hãy tự mình làm đi'.

3. Hãy để trẻ học bài học 'Nguyên nhân-kết quả' từ chính việc mình làm

Nếu sáng nào trẻ cũng dậy lúc 6 giờ, chuẩn bị mọi thứ dến 7 giờ đi học thì sẽ không bao giờ bị muộn giờ lên lớp. Nhưng nếu có hôm 6 rưỡi trẻ mới dậy và bị muộn học. Trẻ sẽ phải vào lớp khi giáo viên và các bạn đang chăm chú nghe giảng. Trẻ sẽ bị cả lớp nhìn và xấu hổ. Vì thế trẻ sẽ tự nhắc mình phải dậy sớm và đi học đúng giờ. Chỉ cần để trẻ thấy được kết quả và tìm được ra nguyên nhân, tự trẻ sẽ biết cách khắc phục.

Trẻ nào được nhiều trải nghiệm lặp đi lặp lại trong cuộc sống tương tự như ví dụ trên, thì sẽ tự hình thành cho mình thói quen suy nghĩ và tìm hướng giải quyết vấn đề khi có tình huống xấu xảy ra. Và trẻ sẽ có thêm nỗ lực để thay đổi nguyên nhân dẫn đến hành động đó. Đó chính là năng lực phản ứng với các tình huống thực tế.

Ngược lại, trường hợp mà bố mẹ đánh thức buổi sáng và trẻ bị trễ học thì sẽ thế nào? Khi về nhà chắc chắn trẻ sẽ hậm hực với bố mẹ 'Chỉ tại bố mẹ đánh thức con dậy trễ nên mới vậy'. Vậy là nguyên nhân dẫn đến việc đi học trễ không phải là lỗi tại bản thân mình. Kết quả không như mong muốn là bị bạn bè chê cười, bị thầy cô để ý hay quở mắng ấy không phải lỗi tại mình, mà là lỗi tại bố mẹ đã không đánh thức mình dậy đúng giờ. Trẻ mang suy nghĩ như này sẽ cho rằng chính cha mẹ là người đã để xảy ra chuyện trễ học này. Và chính vì nghĩ rằng lỗi là của cha mẹ, nên trẻ cũng không hề có ý định thay đổi hành động của mình, thay đổi nguyên nhân dẫn đến kết quả ấy.

4. Hãy bắt đầu từ việc 'không đánh thức con dậy buổi sáng'

Ban đầu hãy trò chuyện với trẻ

'Con có biết là nếu buổi sáng mà phải để bố mẹ đánh thức thì con sẽ không thể trở thành một em bé tự lập được đâu?', cha mẹ hãy nói cho trẻ suy nghĩ của mình về vấn đề này. Tiếp đến nói cho trẻ quyết định của mình 'Nên từ ngày mai bố mẹ sẽ không đánh thức con nữa đâu nhé'.

Khi này trẻ sẽ phản ứng tức thì 'Không được, bố mẹ làm khó con à. Ngày mai vẫn phải gọi con dậy đấy'. Đừng vội nổi nóng với trẻ theo kiểu 'không được cãi, bố mẹ nói là phải nghe' mà hãy gật gù tiếp nhận tâm trạng của trẻ 'ừ đúng là làm khó con thật. Mọi khi được bố mẹ gọi dậy thế mà bỗng nhiên từ ngày mai lại phải tự mình dậy nhỉ', nhưng vẫn tỏ ra cương quyết chốt lại ý của mình 'nhưng mà mai mẹ sẽ không gọi để con tự dậy nhé'.

Không được đánh thức buổi sáng, trẻ tự giác hơn

Hãy dạy cho trẻ thói quen tự thức dậy mà không cần ai đánh thức

Hỗ trợ cho trẻ dậy sớm như nào

Cha mẹ có thể mua cho trẻ đồng hồ báo thức. Trao đổi cùng trẻ về các phương án làm sao để trẻ có thể tự dậy sớm một mình mà không cần bố mẹ đánh thức. Đối với gia đình tôi, tôi đã tặng lại con gái mình chiếc đồng hồ báo thức mà tôi dùng khi còn trẻ. Khi đến giờ con phải dậy thì tôi hay mở ti vi để đánh thức. Công việc của con gái tôi là phải đặt chuông báo thức trước khi đi ngủ.

Quyết tâm 'Không đánh thức trẻ buổi sáng'

Ban đầu khi trẻ không thức dậy thì cha mẹ hãy cố gắng nhẫn nại, vì sự nhẫn nại đó sẽ có kết quả thay đổi về sau, trẻ sẽ tự mình thức dậy được. Khi mãi mà trẻ không chịu thức dậy thì dù có trải qua mấy tiếng đi nữa cha mẹ không đánh thức thì rồi trẻ cũng sẽ phải tự dậy. Nếu lúc này, cha mẹ không kiên nhẫn được mà đánh thức thì sau đó trẻ không bao giờ sửa được thói quen ỷ lại vào người khác của mình.

Vấn đề ở đây không phải chỉ có tự bản thân trẻ không thức dậy được, mà lời nói và hành động của cha mẹ thiếu sự nhất quán. Trẻ sẽ ngầm hiểu rằng 'bố mẹ chỉ nói miệng là không đánh thức thôi, chứ cuối cùng thì cũng vẫn cứ phải đánh thức mình dậy' làm mất đi sự uy nghiêm của cha mẹ. Cha mẹ mà không được trẻ tôn trọng thì việc nuôi dạy tính trách nhiệm cho trẻ sẽ vô cùng khó khăn. Chính vì thế khi đã quyết tâm bắt đầu thực hiện thì cũng quyết tâm không đánh thức trẻ dù có chuyện gì đi nữa.

Hãy công nhận rằng trẻ có thể thức dậy một mình

Buối sáng đầu tiên khi trẻ tự mình thức dậy vào buổi sáng hãy thẳng thắn công nhận điều đó với trẻ bằng sự vui mừng 'Con có thể tự thức dậy một mình đấy chứ. Mẹ rất vui. Đúng là con yêu của mẹ. Mẹ rất tự hào về con'. Tự mình thức dậy vào buổi sáng, lại được cha mẹ công nhận về sự cố gắng đó sẽ khiến trẻ trở nên tự tin hơn. Sự tự tin này khác với sự tự tin về khẳng định cái tôi, khẳng định sự tồn tại của bản thân, mà đây là sự tự tin từ kết quả được sinh ra từ một việc làm cụ thể của bản thân. Khi hai cái tự tin này hợp thành một thì cuộc sống đối với trẻ sẽ là những ngày vui bất tận.

>> Xem thêm: Những sai lầm thường gặp khi dạy con tự lập

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!