Bệnh Alzheimer là một căn bệnh gồm nhiều giai đoạn phát triển có thể tổn thương đến trí nhớ và các chức năng tâm thần quan trọng khác của trí não.
Hãy thử tưởng tượng một ngày, bạn không thể nhớ ra người thân mình là ai, không thể nhớ được đường về nhà và rất khó để giao tiếp với người khác, bạn sẽ cảm thấy như thế nào? Cảm giác của bạn lúc này thực sự rất tệ phải không? Nhưng thực tế cứ 8 người trên 65 tuổi thì có 1 người rơi vào tình trạng như vậy. Căn bệnh này mang tên bệnh Alzheimer.
Bệnh Alzheimer là gì?
Alzheimer là một căn bệnh sẽ “cướp đoạt” đi ký ức của bạn về những người bạn đã gặp trong cuộc đời. Giai đoạn đầu phát bệnh, người bệnh sẽ khó nhớ được những sự kiện xảy ra gần đây mặc dù họ có thể dễ dàng nhớ lại những điều đã xảy ra cách đây nhiều năm.
Theo thời gian, các triệu chứng khác có thể xuất hiện, bao gồm:
- Vấn đề về sự tập trung;
- Trải qua thời gian khó khăn khi thực hiện các hoạt động vật lý bình thường;
- Cảm thấy bối rối hoặc phiền lòng, đặc biệt là vào ban đêm;
- Sự thay đổi tâm trạng thất thường – thường xuyên nổi giận, lo âu và trầm cảm;
- Khó khăn trong việc xác định phương hướng và dễ đi lạc;
- Các vấn đề về thể chất như thường mệt mỏi khi đi bộ hoặc sự phối hợp chức năng giữa các cơ kém;
- Gặp vấn đề về giao tiếp.
Alzheimer là căn bệnh thường xảy ra đối với những người có độ tuổi trên 65. Những người bị bệnh Alzheimer có thể quên đi người thân của mình. Thậm chí họ cũng sẽ quên đi cách ăn mặc, ăn uống và đi vệ sinh. Bệnh này sẽ khiến mô não bắt đầu thoái hóa và phân hủy theo thời gian.
Một người mắc bệnh Alzheimer có thể sống trong vài năm hoặc vài thập kỷ. Tuy nhiên, trung bình thì một người mắc bệnh Alzheimer có thể sống trong khoảng 9 năm. Ước tính cứ 8 người trên độ tuổi 65 tuổi sẽ có 1 người mắc bệnh. Phụ nữ có xu hướng mắc bệnh nhiều hơn nam giới.
Triệu chứng bệnh Alzheimer
Những người mắc bệnh Alzheimer thường là người cao tuổi nhưng căn bệnh này không phải là bệnh do lão hóa. Các nhà khoa học chưa tìm ra được nguyên nhân tại sao một số người lại mắc bệnh này trong khi những người khác thì không. Nhưng họ biết rằng các triệu chứng của bệnh gây ra xuất phát từ hai loại tổn thương thần kinh chính bao gồm:
- Các tế bào thần kinh bị rối, được gọi là hiện tượng rối dây thần kinh;
- Các mảng tinh bột này là những tảng chất đạm bất thường được gọi là tinh bột beta.
Các nhà nghiên cứu cho rằng bệnh có thể do một loại protein trong máu gọi là ApoE (apolipoprotein E), mà cơ thể sử dụng để di chuyển cholesterol trong máu, gây ra. Có một vài loại ApoE liên quan đến nguy cơ mắc bệnh Alzheimer cao hơn. Nó có thể gây nên sự hình thành các tổn thương cho não bộ. Một số nhà khoa học cho rằng nó đóng một vai trò trong việc xây dựng các mảng bám trong não của người mắc bệnh Alzheimer.
Các giai đoạn phát triển bệnh
Các giai đoạn bệnh không phải lúc nào cũng phát triển theo thứ tự và các triệu chứng có thể thay đổi rất đa dạng. Những thông tin sau đây bao gồm các hướng dẫn cơ bản giúp bạn lên kế hoạch để có thể tự chăm sóc cho bạn bè hoặc người thân nếu mắc phải bệnh này.
Giai đoạn 1: Hành vi vẫn bình thường
Ở giai đoạn đầu của bệnh Alzheimer, người bệnh sẽ không có bất kỳ triệu chứng nào mà bạn có thể nhận thấy. Đây là tình trạng chỉ có thể nhận thấy bằng cách chụp quét não PET – một bài kiểm tra hình ảnh cho thấy não hoạt động như thế nào và cho biết liệu họ có bệnh Alzheimer hay không.
Khi bước vào 6 giai đoạn tiếp theo, bạn sẽ nhận thấy người bệnh Alzheimer bắt đầu có nhiều thay đổi hơn trong suy nghĩ và nhận thức của mình.
Giai đoạn 2: Hình thành những thay đổi nhỏ
Bạn vẫn có thể chưa nhận thấy bất cứ điều gì lạ lùng trong hành vi của người bệnh khi họ bị Alzheimer ở giai đoạn này, nhưng thật ra họ đã bắt đầu có những hành động khác biệt nhỏ và đây là những điều mà ngay cả bác sĩ cũng khó nhận ra. Họ có thể quên đi một vài từ ngữ hoặc nhầm lẫn vị trí của các đồ vật.
Những triệu chứng này cũng có thể không phải là bệnh Alzheimer mà chỉ đơn giản là sự thay đổi bình thường do tác động của bệnh lão hóa.
Giai đoạn 3: Suy giảm trí nhớ dạng nhẹ
Vào giai đoạn này, bạn sẽ bắt đầu nhận thấy những thay đổi trong suy nghĩ và nhận thức của người bệnh, chẳng hạn như:
- Quên đi một cuốn sách hoặc tờ báo mà họ vừa đọc;
- Hỏi lặp lại cùng một câu hỏi nhiều lần;
- Gặp rắc rối khi lập kế hoạch hoặc tổ chức;
- Không nhớ tên những người mới gặp.
Bạn có thể giúp đỡ bằng cách trở thành “trí nhớ” của họ. Bạn cũng có thể đề nghị người bệnh giảm căng thẳng bằng cách nghỉ việc để thư giãn và giúp người bệnh quản lý và sắp xếp tài chính.
Giai đoạn 4: Suy giảm trí nhớ tương đối
Các vấn đề về suy nghĩ và nhận thức mà bạn nhận thấy trong giai đoạn 3 sẽ trở nên rõ ràng hơn trong giai đoạn 4 và đồng thời có thêm sự xuất hiện các vấn đề mới: Quên đi các chi tiết về bản thân;
- Có vấn đề trong việc không phân biệt được ngày tháng và tiền bạc;
- Quên mất hiện giờ là tháng hoặc mùa nào;
- Có vấn đề về nấu ăn hoặc thậm chí không có khả năng gọi món trong thực đơn.
Bạn có thể giúp đỡ bằng cách làm những việc lặt vặt hàng ngày và lái xe đưa đón để đảm bảo an toàn cho người bệnh Alzheimer.
Giai đoạn 5: Suy giảm trí nhớ tương đối nghiêm trọng
Người bệnh có thể bắt đầu mất đi sự minh mẫn về không gian và thời gian như họ đang ở đâu hoặc bây giờ là mấy giờ. Họ có thể gặp khó khăn trong việc ghi nhớ địa chỉ, số điện thoại của chính mình hay con đường họ đi làm hằng ngày. Họ cũng có thể bối rối vì không phân biệt được rằng loại quần áo nào sẽ mặc vào mùa nào.
Bạn có thể giúp đỡ họ bằng cách đặt sẵn quần áo của họ trên bàn vào buổi sáng. Điều này có thể giúp họ tự mặc đồ và mang lại cho họ cảm giác độc lập.
Nếu họ thường lặp lại cùng một câu hỏi, hãy trả lời bằng một giọng nói rõ ràng và chắc chắn để họ cảm thấy yên tâm. Họ có thể đặt câu hỏi chỉ để nghe câu trả lời vì họ chỉ muốn biết rằng bạn có ở bên cạnh hay không.
Ngay cả khi người bệnh không nhớ một cách đầy đủ các sự kiện và chi tiết, họ vẫn có thể kể lại câu chuyện một cách khái quát. Bạn hãy khuyến khích họ sử dụng trí tưởng tượng vào những thời điểm đó.
Giai đoạn 6: Trí nhớ suy giảm nghiêm trọng
Khi bệnh Alzheimer tiến đến giai đoạn này, người thân yêu của bạn có thể nhận ra khuôn mặt bạn nhưng sẽ bắt đầu quên bạn tên gì. Họ cũng có thể bắt đầu nhầm lẫn người này với người khác, ví dụ như nghĩ rằng vợ mình là mẹ của mình. Những ảo tưởng cũng có thể xuất hiện. Ví dụ điển hình như người bệnh nghĩ rằng họ cần phải đi làm ngay cả khi đã không còn việc làm nữa.
Ngoài ra, người bệnh Alzheimer cần sự giúp đỡ trong vấn đề đi vệ sinh. Điều này có thể khá khó để nói rõ ràng, nhưng nếu để ý, bạn sẽ nhận ra.
Nhiều người mắc bệnh Alzheimer rất thích nghe nhạc, nghe người khác đọc sách cho hoặc xem lại các bức ảnh cũ.
Giai đoạn 7: Trí nhớ suy giảm cực kỳ nghiêm trọng
Trong giai đoạn cuối của bệnh Alzheimer, nhiều khả năng cơ bản của con người như ăn uống, đi bộ, và ngồi dậy đều trở nên suy thoái. Bạn có thể giúp đỡ người bệnh bằng cách bón cho họ thức ăn dễ nuốt, mềm, giúp họ sử dụng muỗng và đảm bảo họ được cho uống đủ nước. Điều này là rất quan trọng vì nhiều người bệnh ở giai đoạn này không thể nhận thức hoặc nói được khi nào họ cảm thấy khát.
Người bệnh Alzheimer sẽ đánh mất nhiều chức năng sinh hoạt về mặt thể chất cũng như gây suy thoái não bộ về mặt tinh thần. Họ sẽ gặp rất nhiều trở ngại trong cuộc sống hằng ngày, do đó việc biết thêm nhiều thông tin sẽ giúp bạn có thể hỗ trị người bệnh phần nào. Mong rằng bài viết đã mang lại cho bạn những thông tin cần thiết nhé.
Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:
- 10 câu hỏi thường gặp về chứng rụng tóc (bệnh hói đầu) ở nam giới
- Chế độ ăn lý tưởng sau đột quỵ giúp phục hồi hiệu quả
- Công dụng vàng của Piracetam đối với trí nhớ
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!