Dịch bệnh viêm phổi lạ do chủng virus corona mới bùng phát ở Trung Quốc đã giết chết 56 người và lây nhiễm cho hơn 2.000 người thuộc 12 quốc gia trên thế giới.
Virus gây ra các triệu chứng như sốt, ho, khó thở, có khả năng đã nhảy từ động vật sang người tại một khu chợ hải sản ẩm ướt có tên là Huân Nam, thuộc thành phố Vũ Hán. Chợ hải sản Huân Nam được mô tả là một khu vực 'bẩn thỉu và lộn xộn' với hơn 1.000 gian hàng. Ngoài hải sản, chợ còn bán cả gà, sóc, thỏ, dơi và các động vật hoang dã khác.
Nó có điều kiện vệ sinh cực kỳ kém, nhồi nhét hàng ngàn con người với động vật sống và động vật đã giết mổ. Và tất cả trở thành một cơ hội vàng giúp những con virus trên động vật, được gọi là zoonoses, nhảy sang, tiến hóa và lây nhiễm trên người.
Đợt bùng phát này đã gây ra cảm giác déja vu cho một số người, khiến họ nhớ đến đợt bùng phát hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) bắt đầu vào tháng 11 năm 2002. Đó cũng là một loại virus thuộc nhóm corona, và SARS cũng đã nhảy sang người từ động vật được bày bán ở các khu chợ ẩm ướt.
Bùng phát ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, SARS đã nhanh chóng lây nhiễm 8.098 trong vòng 8 tháng, và giết chết 774 người trong số đó. Bệnh nhân nhiễm virus SARS cũng có các triệu chứng bao gồm sốt, đau đầu và sau đó là một bệnh viêm phổi gây suy hô hấp có thể giết chết họ.
Các chuyên gia gọi SARS là 'đại dịch đầu tiên của thế kỷ 21' bởi nó đã lan rộng ra tới 29 quốc gia. Trước tháng 7 năm 2003, chưa từng có một dịch bệnh nào tương tự nó xảy ra trên người, SARS gây ra nỗi kinh hoàng bởi những cái chết do viêm phổi lây lan thực sự lạ lẫm.
Tuy nhiên, so với những gì chúng ta đã biết về SARS và chứng kiến sự nguy hiểm của nó, việc nói chủng virus corona mới ở Vũ Hán sẽ tạo ra một đại dịch SARS tiếp theo có thể chỉ là kịch bản bị thổi phồng. Mặc dù hai chủng virus cùng có chung một nguồn gốc, nhưng mức độ nguy hiểm của chúng thực sự khác nhau.
Chủng virus corona mới lần này chưa nguy hiểm bằng SARS, Scott Gottlieb, một cựu ủy viên tại Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ cho biết. Tuy nhiên, nó có vẻ dễ lây lan hơn, do đó, dịch bệnh corona mới đang lan nhanh hơn.
Eric Toner, một nhà khoa học cao cấp tại Đại học John Hopkins đã đưa ra một đánh giá tương tự: 'Một ấn tượng ban đầu ban đầu là nó nhẹ hơn đáng kể so với SARS', ông nói. 'Điều đó khiến chúng ta có thể an tâm. Thế nhưng mặt khác, nó có thể dễ lây truyền hơn SARS, ít nhất là trong cộng đồng'.
Vậy, chủng virus corona mới ở Vũ Hán còn điều gì giống và không giống so với virus SARS cách đây 17 năm, hãy cùng tìm hiểu:
Ca bệnh đầu tiên nhiễm virus corona ở Vũ Hán được xác nhận vào ngày 31 tháng 12 năm 2019. Vũ Hán là một thành phố ở tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc với quy mô dân số lên tới 11 triệu người.
Trong khi đó, virus SARS bùng phát đầu tiên ở Quảng Đông, một tỉnh phía đông nam Trung Quốc, gần với Hồng Kông.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 50% những người nhiễm virus SARS là những người trên 65 tuổi. Nửa còn lại thuộc các độ tuổi đa dạng khác nhau.
Cho đến nay, các chuyên gia y tế ở Trung Quốc cũng báo cáo độ tuổi trung bình của những người tử vong vì virus corona mới ở Vũ Hán là 75 tuổi. Nhiều người trong số đó đã mắc sẵn các bệnh mạn tính như cao huyết áp, tiểu đường, Parkinson khiến hệ miễn dịch của họ bị suy giảm.
Adrian Hyzler, giám đốc y tế tại Healix International cho biết trẻ em, người già, phụ nữ mang thai và những người bị suy giảm miễn dịch là những đối tượng dễ bị biến chứng nặng và tử vong nhất khi nhiễm phải virus corona mới.
Theo báo cáo của WHO, SARS đã không lây lan nhanh bằng virus corona mới ở Vũ Hán trong 3 tuần đầu tiên.
Phải mất tới 4 tháng để SARS lan rộng và lây nhiễm tới 1.000 người. Trong khi đó, virus corona mới ở Vũ Hán chỉ mất 25 ngày để lây cho gần 1.400 người.
'Một người nhiễm bệnh có thể lây nhiễm lập tức cho 10, 20, 30 người', Hyzler nói về chủng virus corona mới. 'Vì vậy, đó là lý do tại sao nó dễ lây lan hơn và trở thành một vấn đề lớn hơn'.
Tuy nhiên, SARS nguy hiểm hơn nhiều so với chủng corona mới bây giờ. Tỷ lệ tử vong mà SARS gây ra là 9,6%. Tỷ lệ tử vong do virus Vũ Hán bây giờ chỉ khoảng 3%.
Một lý do khiến virus SARS lây lan rộng ra nhiều quốc gia trên thế giới, đó là ban đầu, chính quyền Trung Quốc đã cố gắng che giấu thông tin dịch bệnh và không báo cáo với Tổ chức Y tế Thế giới.
Chính phủ Trung Quốc đã không thông báo cho WHO biết về tình hình dịch SARS, cho đến ngày 14/2/2003. Theo tờ nhật báo Sydney Herald, các bác sĩ ở Bắc Kinh đã nhận được yêu cầu giấu bệnh nhân SARS khỏi các cuộc kiểm tra của WHO.
Trong giai đoạn đầu khi dịch bệnh mới bùng phát, chính phủ Trung Quốc cũng đã che giấu tình hình dịch bệnh với chính người dân của mình, khiến các nỗ lực kiểm soát dịch triển khai muộn và gia tăng cơ hội cho dịch bệnh lây lan.
Liu Heng, một cố vấn cho chính phủ Trung Quốc nói với tờ Reuters rằng, lần này, chính phủ đã phát đi tuyên bố ngay khi dịch bệnh bùng phát.
' Chúng tôi đã làm tròn trách nhiệm hơn nhiều… Chúng tôi đã tập trung hơn nhiều trong việc ngăn chặn dịch bệnh ', ông ấy nói.
Các nhà khoa học Trung Quốc cũng đã bắt tay nhanh chóng vào việc nghiên cứu chủng virus mới, và chia sẻ những thông tin họ biết được với các nhà nghiên cứu trên toàn thế giới.
Jeremy Farrar, một nhà khoa học người Anh từng nghiên cứu về virus SARS cho biết: Tốc độ mà virus mới ở Vũ Hán được xác định là chủng corona là một minh chứng cho thấy Trung Quốc đã rút được kinh nghiệm từ đợt bùng phát dịch SARS và lần này họ đã phối hợp chặt chẽ hơn với WHO.
Chủng virus corona mới ở Vũ Hán được giải trình tự bộ gen chỉ trong vòng chưa đầy nửa tháng. Trong khi đó, năm 2003, các nhà khoa học phải mất tới 4 tháng để làm được việc đó.
Bằng cách chia sẻ thông tin về bộ gen virus, các nhà khoa học ở khắp mọi nơi trên thế giới đều có thể làm việc cùng nhau để phân tích sự lây lan của dịch bệnh, cũng như theo dõi sự biến đổi của chủng virus nếu nó xảy ra.
Phân tích mã di truyền cũng cho phép các nhà khoa học xác định chủng virus đã lây từ loài động vật nào sang người.
Trong trường hợp của SARS, virus này có lẽ đã lây từ dơi sang người. Những con dơi để lại nước bọt và phân của chúng, lây nhiễm virus cho các vật chủ trung gian khác, vật chủ trung gian này sẽ truyền bệnh cho con người.
' Dơi và chim được coi là những loài động vật chứa virus có khả năng tạo ra những đợt bùng phát đại dịch ', Bart Haagmans, nhà virus học tại Trung tâm Y tế Erasmus ở Rotterdam, Hà Lan cho biết.
SARS đã nhảy từ vật chủ đầu tiên là dơi, sang một loài động vật có vú giống chồn được gọi là những con cầy cọ đeo mặt nạ, sau đó lây sang con người.
Theo một nhóm các nhà khoa học đang là biên tập viên tại Tạp chí Virus Y tế, thủ phạm lan truyền chủng virus corona mới ở Vũ Hán có thể là rắn hổ mang Trung Quốc. Tuy nhiên, thông tin này vẫn chưa được xác nhận.
Một phân tích di truyền của chủng virus ở Vũ Hán cho thấy nó gần giống với virus lây nhiễm rắn.
Dưới đây là 5 chủng virus có khả năng xuất phát từ dơi và các số liệu lần lượt là: năm được phát hiện, số trường hợp lây nhiễm trên người được báo cáo, số ca bệnh tử vong, tỷ lệ tử vong và số nước báo cáo bệnh nhân dương tính.
Trước đây, các nhà nghiên cứu đã truy tìm nguồn gốc của SARS để xác định virus ban đầu thuộc về quần thể dơi móng ngựa sống ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Những con dơi này sống trong một hang động, cách một ngôi làng gần đó 1,1 km.
Một động thái được cho là khác biệt lớn giữa đợt bùng phát dịch SARS và dịch bệnh do chủng corona hiện tại gây ra, đó là lần này Trung Quốc đã nhanh chóng phong tỏa các thành phố.
Thành phố Vũ Hán, nơi dịch bệnh bùng phát đã được phong tỏa từ 10 giờ sáng thứ Năm (23/1) theo giờ địa phương. Chính quyền thành phố đã ra lệnh tạm dừng tất cả các phương tiện giao thông công cộng bao gồm xe bus, tàu và phà. Không một phương tiện nào được phép dời khỏi thành phố và sân bay cũng bị phong tỏa.
Ngay trước nửa đêm ngày thứ Năm, thành phố Hoàng Cương cũng đã bị phong tỏa. Đến ngày hôm sau, thêm 10 thành phố khác được lệnh tạm đóng cửa.
Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới cho biết, những nỗ lực phong tỏa thành phố sẽ giúp Trung Quốc kiểm soát sự lây lan của virus và giảm thiểu khả năng dịch bệnh lan rộng ra bên ngoài biên giới nước này.
' Những gì họ đang làm là một biện pháp rất, rất mạnh mẽ, với cam kết đầy đủ' , Ghebreyesus nói trong cuộc họp báo của WHO. Lệnh phong tỏa thành phố hiện đang ảnh hưởng tới hàng chục triệu người dân Trung Quốc ngay trong dịp Tết Nguyên Đán.
Trở lại dịch SARS năm 2003, phải mất tới 4 tháng để Trung Quốc thiết lập được biện pháp kiểm dịch đầu tiên.
Anthony Fauci, một chuyên gia tại Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ cho biết Trung Quốc lần này đã làm tốt hơn rất nhiều, so với dịch SARS 17 năm trước.
Nhưng cả SARS và chủng virus corona mới ở Vũ Hán đều không có vắc-xin.
' Nếu Vũ Hán thất thủ, kịch bản tốt nhất là vắc-xin sẽ được điều chế trong vòng 3 quý, thậm chí còn lâu hơn ', Vincent Munster, một nhà virus học tại Phòng thí nghiệm Rocky Mountain cho biết.
Một số công ty bao gồm Moderna, Novavax và Innovio đã cho biết họ đang có kế hoạch phát triển vắc-xn sơ bộ. Nhưng công việc này không thể thực hiện một sớm một chiều. Nhiều loại vắc-xin, chẳng hạn như Ebola đã phải mất 20 năm nghiên cứu mới cho kết quả. Không công ty nào có thể dám chắc mốc thời gian phát hành vắc-xin cho chủng corona mới vào lúc này.
Cuối cùng, đợt bùng phát virus corona mới ở Vũ Hán cho đến lúc này chưa được coi là đại dịch giống như SARS.
Tổ chức Y tế Thế giới ngày hôm kia cho biết họ không công nhận đợt bùng phát corona mới là một Tình trạng khẩn cấp quốc tế về y tế cộng đồng (PHEIC).
PHEIC chính là một sáng kiến được WHO đưa ra sau dịch SARS, để đối phó với các đại dịch tương tự mang tính toàn cầu.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!