Già làng Y Phan (thôn Kon Gung, xã Đăk Mar, huyện Đăk Hà) chia sẻ: Trước đây, nhận thức của người dân trong các buôn làng về vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân… còn nhiều hạn chế. Do đó, tình trạng phóng uế bừa bãi ra môi trường vẫn xảy ra.
Tuy nhiên hiện nay, nhờ công tác truyền thông, đặc biệt là các ngày mít tinh được tổ chức ở Đăk Hà như: Tuần lễ quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường (29/4 - 6/5); Ngày Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân (2/7); Ngày Thế giới rửa tay với xà phòng (15/10); Ngày Quốc tế nhà vệ sinh (19/11) bà con các buôn, làng đều kéo nhau đi dự để hiểu thêm công tác bảo vệ sức khỏe và môi trường.
Xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh tại huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum
Theo già làng Y Phan, hiện đa phần các gia đình đều đã ý thức xây dựng nhà vệ sinh, hầu như không còn ai phóng uế bừa bãi, mọi người cùng nhau giữ buôn làng sạch sẽ. Không chỉ huyện Đăk Hà, nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh Kon Tum cũng có chuyển biến rõ rệt trong việc sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, giảm thiểu tình trạng phóng uế bừa bãi ra môi trường.
Có được kết quả đáng mừng này một phần là nhờ Kon Tum đã tham gia thực hiện chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả vay vốn WB giai đoạn 2016 - 2020. Chương trình gồm 3 hợp phần: Cấp nước nông thôn; vệ sinh môi trường nông thôn; nâng cao năng lực truyền thông, giám sát và đánh giá.
Đến nay, chương trình đã triển khai thực hiện vệ sinh toàn xã tại 15 xã, trong đó có 5 xã đạt tiêu chí vệ sinh toàn xã. Chương trình cũng đã hỗ trợ xây mới 1.270 nhà tiêu hộ gia đình thuộc đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách. Đồng thời, triển khai các hoạt động truyền thông, vận động người dân nâng cao ý thức sử dụng nước sạch và vệ sinh môi trường.
Tính đến cuối năm 2019, tỷ lệ hộ gia đình ở nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh tại các xã nằm trong chương trình đạt khoảng 70%, 100% số trạm y tế có công trình nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh
Năm 2020, chương trình đề ra mục tiêu có 16 xã thực hiện đạt tiêu chuẩn vệ sinh toàn xã với 100% các công trình trường học công lập có công trình nước sạch và vệ sinh sử dụng được, trên 70% hộ gia đình có nhà tiêu cải thiện, có ít nhất 80% hộ gia đình có một điểm rửa tay riêng, có xà phòng.
Theo đó, tháng 7 vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum đã ban hành Kế hoạch tăng cường năng lực thực hiện Chương trình: Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả năm 2020.
Mục tiêu nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi thái độ, hành vi của người dân nông thôn nhằm cải thiện hành vi vệ sinh cá nhân, tăng cường tỷ lệ người dân được tiếp cận bền vững với nước sạch và vệ sinh nông thôn được cải thiện cho người dân trong tỉnh Kon Tum.
Nhà tiêu hợp vệ sinh hoàn thiện của hộ Y Đrét – thôn Kon Pring, xã Ngọc Tụ, huyện Đắk Tô, tỉnh Kon Tum. Ảnh: Ái Vân
Để đạt được mục tiêu này, Kế hoạch đề ra các giải pháp như: Tăng cường tiếp cận bền vững với nước sạch và tăng độ bao phủ nước hợp vệ sinh ở khu vực nông thôn miền núi và dân tộc thiểu số thông qua việc thay đổi sâu sắc về nhận thức và tiếp cận của các cấp, các ngành đặc biệt là cộng đồng trong các khâu đầu tư và quản lý.
Bên cạnh đó, truyền thông thay đổi hành vi vệ sinh đồng thời hỗ trợ phát triển thị trường vệ sinh nhằm cải thiện thói quen rửa tay với xà phòng, chấm dứt phóng uế bừa bãi và tăng cường sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh.
Hoàn thiện chính sách và thể chế, tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ tham gia chương trình ở các địa phương từ tỉnh xuống đến thôn bản; xây dựng và áp dụng các sáng kiến/mô hình mới, phù hợp và bền vững với điều kiện vùng miền; đặc biệt tại khu vực nông thôn miền núi, thúc đẩy vệ sinh môi trường và vệ sinh cá nhân của người dân tộc thiểu số.
Ngoài ra, xây dựng và triển khai chương trình vận động chính sách ở các cấp chính quyền và những người có tầm ảnh hưởng trong cộng đồng; tăng cường nhận thức của các cấp chính trị về tầm quan trọng của vệ sinh nông thôn, đưa mục tiêu xóa bỏ phóng uế bừa bãi vào các tiêu chí phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường tài trợ cho lĩnh vực này.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!