Làm cách nào để đối phó với nhiệt miệng?

Chăm sóc răng miệng - 05/05/2024

Hello Bacsi - Nhiệt miệng là một  bệnh răng miệng thường gặp và gây khó chịu. Cùng tìm hiểu nhiệt miệng là gì, nguyên nhân, cách phòng ngừa và chữa trị.

Mỗi chúng ta đều không ít lần khó chịu vì những vết lở loét đáng ghét ở khu vực bên trong miệng – nhiệt miệng. Hãy tìm hiểu thêm về tình trạng này để bạn có thể chủ động chữa trị, phòng ngừa và ngăn cản nhiệt miệng tái phát nhé.

Nhiệt miệng là gì?

Nhiệt miệng và những vết lở loét nông, thường xuất hiện trên lưỡi, trên vòm miệng mềm (phần sau của vòm miệng của bạn), hoặc bên trong má . Những vết nhiệt miệng thường có màu vàng, trắng hay xám với phần viền màu đỏ. Nhiệt miệng thường gây ra đau đớn và nóng rát bên trong miệng.

Nhiệt miệng được chia làm hai loại. Thứ nhất là nhiệt miệng đơn giản, loại nhiệt miệng này chỉ xuất hiện khoảng 3 đến 4 lần một năm, kéo dài trong một khoảng thời gian ngắn (dưới 1 tuần) và có thể tự khỏi sau đó. Thứ hai là nhiệt miệng phức tạp, loại nhiệt miệng này nguy hiểm hơn, thậm chí gây các triệu chứng như sốt cao, sưng hạch bạch huyết, đau đầu, tiêu chảy,…

Các nguyên nhân gây nhiệt miệng là gì?

Bạn có nguy cơ bị nhiệt miệng nếu gia đình bạn có tiền sử mắc bệnh này. Bên cạnh đó, có nhiều nguyên nhân gây bệnh viêm loét miệng. Trong một số trường hợp, nguyên nhân không xác định được. Các nguyên nhân phổ biến nhất bao gồm :

  • Nhiễm virus;
  • Bị căng thẳng, áp lực;
  • Thay đổi nội tiết tố;
  • Dị ứng thực phẩm hoặc chế độ ăn uống không hợp lý;
  • Chu kỳ kinh nguyệt;
  • Thiếu vitamin hoặc khoáng chất như kẽm, sắt, vitamin B-12;
  • Hệ miễn dịch có vấn đề;
  • Chấn thương ở miệng, như bị xước hay rách vùng niêm mạc bên trong miệng.

Chữa nhiệt miệng như thế nào?

Bệnh viêm loét miệng thường tự lành mà không điều trị. Tuy nhiên, để tăng tiến độ quá trình chữa bệnh, bạn nên tránh các thức ăn cay hay các thực phẩm có chứa axit như cam quýt, chanh, dứa, dâu tâu,…vì các loại trái cây này sẽ làm tình trạng tệ hơn. Bạn cũng nên đánh răng và dùng chỉ nha khoa thường xuyên để giữ cho chỗ loét khỏi bị tấn công bởi vi khuẩn.

Thỉnh thoảng, những cơn đau có thể trở nên dữ dội. Bạn có thể làm giảm bớt sự khó chịu này bằng cách súc miệng bằng nước súc miệng hoặc nước muối. Mặc dù bạn sẽ cảm thấy khó chịu lúc đầu, nhưng sau đó nó sẽ giúp giảm đau. Bạn cũng có thể sử dụng thuốc tê như orabase để làm tê vết lở.

Ngoài ra, nếu tình trạng nhiệt miệng nghiêm trọng hơn, bác sĩ hoặc nha sĩ có thể kê toa các loại thuốc điều trị như nước súc miệng kháng khuẩn, kháng sinh, thuốc mỡ corticoid, nước súc miệng theo toa.

Mẹo ngăn ngừa nhiệt miệng

Bạn có thể ngăn ngừa sự tái phát của chứng viêm loét bằng cách tránh các loại thực phẩm mà trước đây có thể đã gây ra bệnh, bao gồm các loại thực phẩm cay, mặn hoặc có tính axit. Ngoài ra, tránh các loại thực phẩm gây ra các triệu chứng dị ứng, chẳng hạn như miệng bị  ngứa, lưỡi sưng hoặc phát ban

Nếu bệnh viêm loét miệng gây ra do căng thẳng, bạn có thể sử dụng các phương pháp giảm căng thẳng và những phương pháp giúp bạn bình tĩnh lại, chẳng hạn như hít thở sâu và ngồi thiền.

Ngoài ra, luyện tập sức khỏe răng miệng và sử dụng bàn chải đánh răng mềm để tránh gây kích ứng nướu và mô mềm. Hãy nói chuyện với bác sĩ của bạn để xác định xem bạn có thiếu bất kỳ loại vitamin hay khoáng chất nào không. Họ có thể giúp bạn xây dựng một chế độ ăn uống phù hợp và kê đơn bổ sung những dưỡng chất cần thiết nếu cơ thể bạn cần.

Nhiệt miệng là chứng lở loét gây khó chịu và đau đớn vô cùng. Tuy nhiên, chúng ta thường không thật sự quan tâm đến chứng bệnh này và chỉ để mặc cho những vết loét tự khỏi. Bạn hãy tìm hiểu và dụng những phương pháp được nêu trong bài viết giúp nhiệt miệng nhanh khỏi hơn và hạn chế số lần phải “đụng độ” những vết viêm loét này.

Bạn có thể quan tâm một số bài viết liên quan sau đây:

  • Lười đánh răng – nguyên nhân chính dẫn đến viêm nướu
  • Bạn đã biết hội chứng bỏng rát miệng là gì?

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!