Làm sao để trẻ yêu thích các môn khoa học?

Nuôi dạy con - 05/16/2024

Khi lớn lên, các em học sinh thường cảm thấy khó khăn với hóa học, sinh học hay vật lý, tạo tâm lý chán nản, không tiếp thu bài học.

Thực tế đây là những môn khoa học thường thức gần gũi nhất với cuộc sống hàng ngày của con người. Cha mẹ hãy tạo cho trẻ hứng thú với các môn khoa học ngay từ nhỏ, để trẻ làm quen và thấy được sự thú vị trong đó.

1. Không từ chối trả lời những câu hỏi

Khi trẻ bắt đầu nhận thức thế giới, có muôn vàn những điều trẻ không biết và luôn cần sự giải đáp từ cha mẹ. Chẳng thế mà có chương trình '10 vạn câu hỏi vì sao'. Các lĩnh vực câu hỏi vô cùng đa dạng, phong phú về mọi thứ trẻ nhìn thấy xung quanh. Chẳng hạn như: Tại sao lại mưa? Sao con chim hót mà chó kêu 'gâu gâu', mèo kêu 'meo meo'? Sao mây lại bay?... và muôn vàn những điều 'trời ơi đất hỡi' khác.

Làm sao để trẻ yêu thích các môn khoa học?

Hiểu biết về thế giới xung quanh trẻ sẽ thông minh hơn

Đây chính là cơ hội để trẻ học hỏi, tích lũy tri thức ngay từ nhỏ một cách hết sức tự nhiên.
Tuy nhiên, có đôi khi cha mẹ vì quá bận rộn mà cảm thấy phiền phức trước những câu hỏi đó, hoặc trả lời qua quít, quát mắng để trẻ không hỏi nữa. Như vậy rất không nên. Tri thức ban đầu luôn để lại dấu ấn nhất định trong tâm trí con trẻ, đừng nên coi thường vấn đề này, sẽ rất dễ dẫn đến trẻ nhận thức sai lầm, hoặc vì bị la mắng nên sợ không hỏi nữa. Từ đó, có thể sẽ khiến trẻ trở nên rụt rè mỗi khi muốn đưa ra ý kiến sau này của mình.

Vì vậy nên, cha mẹ hãy cố gắng giải đáp theo những cách đơn giản nhất vấn đề mà trẻ thắc mắc, Thực tế trẻ không thể hiểu những cách nói phức tạp của người lớn, chỉ vài câu khái quát đơn giản là đủ làm trẻ gật gù và chuyển hướng sang những vấn đề khác. Nếu không có thời gian, hãy đơn giản là 'ghi nợ' tới khi rảnh có thể trả lời được với trẻ.

2. Kích thích sự tò mò, tự khám phá của trẻ

Ngay từ khi còn nhỏ, các trẻ đã có nhu cầu lớn trong việc nhận thức thế giới xung quanh bởi khi đó, đây là mối quan tâm lớn nhất của trẻ. Mỗi khi hiểu ra được điều gì là trẻ lại cảm thấy vô cùng thích thú, từ đó tạo cảm giác muốn tìm tòi khám phá hơn nữa.

Cha mẹ hãy cho trẻ tiếp xúc nhiều hơn với thế giới xung quanh. Đi chơi đến công viên hoặc một nơi bảo tồn thiên nhiên nhỏ sẽ chẳng ảnh hưởng gì đến trẻ. Hãy cung cấp cho con những hiểu biết đơn giản và liên tục về cỏ, cây xanh và côn trùng trong môi trường gần nhà hoặc trường học. Bạn không cần thiết phải dành quá nhiều thời gian và năng lượng chỉ để sắp xếp một chuyến đi đến một nơi xa lạ mà trẻ ít khi đến. Ngoài ra thế giới tự nhiên lúc nào cũng sẵn có ở ngoài trời. Vì thế bạn có thể dùng những cách khác nhau để biến một sân chơi bình thường thành một sân chơi môi trường để bé khám phá thế giới xung quanh.

Hãy để trẻ tự khám phá hơn là được dạy, bởi việc tự động não suy nghĩ sẽ làm trẻ ghi dấu ấn sâu hơn, tự giác khởi xướng làm những gì mình thích. Trẻ không thích chỉ được đứng ngoài 'quan sát và lắng nghe', có người lớn đi theo sau hoặc bảo phải làm gì. Khi có điều gì nằm ngoài khả năng tự lý giải, trẻ sẽ đặt câu hỏi. Cha mẹ chỉ nên là người cố vấn hơn là giáo viên. Hãy quan tâm đến những gì trẻ thích hơn là cố gắng thu hút sự chú ý của trẻ vào những việc làm mà người lớn lựa chọn.

3. Kể về những tấm gương

Không hề thiếu những câu chuyện thú vị về các phát minh làm thay đổi cuộc sống con người hay cuộc đời của các nhà khoa học vĩ đại. Họ cũng đều bắt đầu niềm đam mê từ khi còn là những cô bé, cậu bé ngây ngô. Điều cha mẹ phải làm là tìm mua các cuốn sách, tranh truyện, nếu có thời gian hãy kể con cho trẻ nghe.

Ngoài ra, hãy cho trẻ biết về các bạn nhỏ chỉ khoảng tuổi của trẻ tham gia các cuộc thi về khoa học, hoặc có những sáng kiến đã được điều người biết đến. Nhưng đừng đặt nặng vấn đề phần thưởng hay khả năng thiên tài gì đó, hãy nói về những sản phẩm, những ý tưởng của các bạn nhỏ ấy, cho trẻ thấy rằng thiên tài cũng đều xuất phát từ những điều bình thường nhất trong cuộc sống.

Làm sao để trẻ yêu thích các môn khoa học?

Đừng bao giờ từ chối trả lời các câu hỏi của trẻ

4. Tạo điều kiện để trẻ tiếp xúc và có hứng thú với khoa học

Điều quan trọng là sự cảm nhận của trẻ chứ không phải những kiến thức thu được. Khi đã có hứng thú từ khi còn nhỏ, đến lúc được học một cách bài bản trong trường, trẻ sẽ có sẵn tâm thế hơn, sẵn sàng với việc tìm hiểu có quy trình khoa học hơn. Điều quan trọng là cha mẹ phải gợi được tâm lý thích thú đó.

Khi trẻ còn nhỏ, cha mẹ hãy mua các đồ chơi liên quan đến khoa học. Lớn lên một chút, hãy cho trẻ tìm hiều qua các cuốn sách tranh nhiều hình ảnh minh họa, những câu chuyện thú vị đối với trẻ em. Ngoài ra, các hiện tượng trong thế giới tự nhiên, trong cuộc sống cũng là những phần minh họa dễ dàng cho những kiến thức trẻ tiếp thu được. Khi trẻ đã lớn hơn, cha mẹ hãy cố gắng giải thích những hiện tượng ấy theo lối nói khoa học, gợi mở cho trẻ việc tự tìm hiểu thông qua tiếp xúc, thực nghiệm, đọc kiến thức trong sách…

Cho trẻ tiếp xúc, thực nghiệm là điều rất quan trong. Ví dụ: Bạn có thể bày những thí nghiệm đơn giản như hội tụ ánh sáng qua lăng kính làm tăng nhiệt độ; tạo cầu vồng bằng những bình phun nước; pha màu cho nước xà phòng để tọa những bong bóng sặc sỡ; cho trẻ gieo trồng hạt giống, chăm sóc cây…

Để trẻ tự khám phá thể giới tự nhiên, điều mà bạn mong muốn là con thấy thích thú và quan tâm. Cảm giác thích thú được tự khám phá có ý nghĩa hơn những kiến thức khoa học, nó sẽ nhen nhóm và duy trì tình yêu của trẻ với khoa học. Vì vậy, dù cha mẹ đã có những kiến thức tối thiểu về khoa học cũng không nên bắt buộc trẻ phải khám phá theo cách của mình.

>> Xem thêm: Phát triển tư duy, sáng tạo của trẻ qua hội họa

Làm đồ chơi khoa học dành cho trẻ em – Phần 1

NT (Tổng hợp)

Ảnh minh họa: Internet

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!