Theo tiến sĩ Cao Thị Thu Hương, Viện Dinh dưỡng, béo phì là yếu tố nguy cơ của nhiều bệnh tật như thoái hóa khớp, đau thắt lưng do trọng lượng cơ thể tăng, sức nặng đè lên các khớp càng lớn. Trẻ dễ bị sỏi trong gan, gan nhiễm mỡ sớm, bệnh tim mạch (tăng huyết áp, xơ vữa mạch máu, đột quỵ...).
Trẻ thừa cân, béo phì có thể không có biểu hiện bệnh hiện tại nhưng khi trưởng thành có nguy cơ mắc các bệnh mạn tính không lây như tim mạch, đái tháo đường, gan nhiễm mỡ...
Tiêu thụ quá nhiều đồ ăn nhanh, thức ăn chiên rán nhiều dầu mỡ dễ làm trẻ bị thừa cân, béo phì. Ảnh: H,B.
Dự phòng thừa cân béo phì cho trẻ 0-5 tuổi
Dinh dưỡng hợp lý
- Trong thai kỳ
Mức tăng cân hợp lý của bà mẹ là 10-12 kg. Trẻ chào đời nặng hơn 3,5 kg hoặc dưới 2,5 kg có nguy cơ bị thừa cân, béo phì cao hơn trẻ có cân nặng sơ sinh trong khoảng 2,5-3,5 kg.
- Nuôi con bằng sữa mẹ
Cho trẻ bú sớm (trong vòng giờ đầu), bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và tiếp tục bú kéo dài cho đến khi trẻ được 24 tháng.
- Chế độ ăn bổ sung hợp lý
Khi tròn 6 tháng tuổi, trẻ cần được ăn bổ sung, ăn đủ số bữa theo lứa tuổi, khẩu phần cân đối, phối hợp nhiều nhóm thực phẩm.
- Ngủ
Cha mẹ tập thói quen cho trẻ ngủ sớm, ngủ đủ giấc, trẻ cần ngủ trước 21h. Số giờ ngủ trung bình mỗi ngày tùy từng lứa tuổi. Trẻ sơ sinh, dưới một tuổi và 1-2 tuổi tương ứng cần ngủ 14-17 giờ; 12-15 giờ và 11-14 giờ. Trẻ 3-5 tuổi là 10-13 giờ.
Tăng cường hoạt động thể lực
Tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ qua các hoạt động như trượt cầu trượt, bập bênh, đu quay và các hoạt động ngoài trời ở sân trường, công viên và các khu giải trí khác.
Theo dõi tăng trưởng của trẻ bằng biểu đồ tăng trưởng tại gia đình và trường học để phát hiện sớm thừa cân, béo phì để xử lý kịp thời.
Dự phòng thừa cân béo phì cho trẻ 6-19 tuổi
Chương trình sữa học đường
Bổ sung sữa (không đường) vào bữa ăn học đường giúp cải thiện tình trạng dinh dưỡng và chiều cao ở một số nước. Không sử dụng thức ăn nhanh, chiên rán nhiều dầu/mỡ.
Chương trình bữa ăn học đường.
Thức ăn dành cho trẻ cần đa dạng (đạt 5 trong 8 nhóm thực phẩm), đảm bảo cung cấp đủ nguồn protein động vật và thực vật. Bữa ăn ở trường và ở nhà cần được phân phối hợp lý.
Sử dụng muối iốt với một lượng ít dưới 4 g mỗi ngày. Không nên ăn mặn. Uống nước đã đun sôi. Hạn chế nước ngọt, nước có ga...
Trẻ cần được ngủ đủ, trung bình 8-10 giờ mỗi ngày.
Tăng cường hoạt động thể lực, hạn chế thời gian tĩnh tại.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!