Lang ben, dùng thuốc gì?

Cần biết - 11/24/2024

Tôi bị lang ben, cứ mỗi khi nóng nực, mồ hôi ra nhiều là thấy ngứa. Bệnh làm mất thẩm mỹ khiến tôi thiếu tự tin khi ra ngoài. Có thuốc nào trị dứt điểm bệnh này? Tôi xin cảm ơn.

Trần Thanh(Hưng Yên)

Lang ben là một bệnh nấm nông thường gặp ở da, hay gặp ở nước có khí hậu nhiệt đới, nóng ẩm như ở nước ta. Biểu hiện lâm sàng đặc trưng nhất là những dát tăng hoặc giảm sắc tố hoặc dát có màu hồng ở thân mình, chủ yếu gặp ở nửa người phía trên cơ thể. Bệnh không gây đau, không ngứa (hoặc ngứa ít khi ra mồ hôi), nhưng lại ảnh hưởng đến thẩm mỹ của người bệnh.

Lang ben, dùng thuốc gì?

Cần phân biệt lang ben và hắc lào.

Để chẩn đoán xác định bệnh, thường dựa vào đặc điểm lâm sàng (các tổn thương trên da), xét nghiệm soi tươi tìm nấm và soi tổn thương bằng đèn Wood (một loại máy soi da).

Trên thực tế, một số trường hợp lang ben có thể tự thuyên giảm, nhưng đa số bệnh có thể kéo dài nếu không được điều trị. Thuốc dùng trong điều trị lang ben gồm:

Điều trị tại chỗ (là chủ yếu), dùng các thuốc chống nấm như bôi ketoconazole 2% hoặc dùng dầu gội ketoconazole (đánh bọt, để trong 5 phút rồi gội); terbinafine 1%, ciclopirox 1%...

Khi dùng cần lưu ý, khi bôi thuốc không để thuốc dây vào mắt, mũi hay miệng. Cần làm sạch da và lau khô vùng da cần điều trị trước khi bôi thuốc.

Chỉ nên thoa lớp thuốc mỏng lên da hoặc vị trí da bị bệnh theo liều lượng 1-2 lần/ngày. Thời gian bôi thường trong 2 tuần (theo chỉ định của bác sĩ). Cần chú ý đến một vài tác dụng phụ của thuốc có thể xảy ra như: cảm giác nóng rát hoặc kích ứng da, dị ứng chỗ bôi thuốc. Khi quá liều như thoa thuốc quá nhiều trên da có thể gây ban đỏ, phù và cảm giác nóng bỏng. Những triệu chứng này sẽ mất khi ngừng bôi thuốc.

Điều trị đường uống (toàn thân), chỉ dùng trong trường hợp thất bại với điều trị tại chỗ, tổn thương lan rộng, bệnh hay tái phát. Có thể dùng các thuốc chống nấm như: itraconazole, fluconazole... Do thuốc độc với gan nên phải đánh giá chức năng gan trước điều trị.

Người bệnh cần sử dụng thuốc đúng theo liệu trình mà bác sĩ đã chỉ định về liều lượng, số lần bôi trong ngày và liệu trình điều trị. Không tự ý ngừng thuốc khi thấy các triệu chứng được cải thiện (bởi các triệu chứng rất có thể cải thiện trước khi nhiễm khuẩn được xóa hoàn toàn); cần dùng thuốc đều đặn, vì liều bỏ qua cũng có thể làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn, hơn nữa có khả năng kháng thuốc kháng nấm.

Đối với những bệnh nhân hay tái phát nên điều trị dự phòng đặc biệt trong thời tiết nóng ẩm với các thuốc như bôi: selenium sulfide, ketoconazol hoặc uống itraconazol...

Lưu ý:Tổn thương thay đổi sắc tố sẽ tồn tại lâu sau khi đã điều trị khỏi bệnh, không có nghĩa là điều trị thất bại.

Lang ben là bệnh nấm da phổ biến, thường mắc ở độ tuổi thanh thiếu. Bệnh đáp ứng tốt với điều trị thông thường, tuy nhiên tỷ lệ tái phát cao nên vấn đề điều trị dự phòng và tư vấn cho bệnh nhân đóng vai trò rất quan trọng. Vì vậy, trong trường hợp của bạn nên đi khám chuyên khoa da liễu để được dùng thuốc đúng và tư vấn bác sĩ trực tiếp khám và điều trị.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!