Lòng tự trọng trong tình yêu giống như chiếc hàng rào mà nếu nếu quá thấp thì sẽ không thể bảo vệ được những giới hạn của bản thân.
Hầu như ai trong chúng ta cũng đã từng phải đối mặt với cảm giác lòng tự trọng bị tổn thương do thất nghiệp, xung đột với người thân, chia tay người yêu… Khi những biến cố đổ ập đến, cái tôi chỉ trích bên trong chúng ta lại trỗi dậy: “Bạn không đủ tốt với cô ấy/anh ấy” hay “Bạn sẽ chẳng bao giờ có được hạnh phúc”.
Sự biến động của lòng tự trọng là quy luật tâm lý tự nhiên – đặc biệt là khi cuộc đời ném cho bạn những cú đập khó đỡ. Khi đó, sự suy giảm lòng tự trọng không chỉ tác động tiêu cực đến chính bản thân bạn mà còn ảnh hưởng đến mối quan hệ hiện tại. Làm thế nào để ngăn chặn nguy cơ đổ vỡ trước khi mọi chuyện đi quá xa? Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu nhé!
Lòng tự trọng thấp khiến bạn suy nghĩ lệch lạc về đối phương
Theo nghiên cứu công bố trên tạp chí Journal of Personality and Social Psychology, lòng tự trọng thấp có thể khiến bạn suy nghĩ lệch lạc về đối phương. Các nhà nghiên cứu đã thực hiện khảo sát trên 500 đàn ông và phụ nữ để hoàn thành những câu hỏi trắc nghiệm về lòng tự trọng. Khảo sát còn tìm hiểu cảm giác bất an của họ khi đối diện với những sai lầm của đối phương. Những ai có lòng tự trọng thấp cảm thấy bất an hơn bởi sự không hoàn hảo của đối phương, đồng thời họ cũng có xu hướng nhìn nhận mối quan hệ khá cứng nhắc như hai gam màu trắng – đen: tất cả đều tốt hoặc tất cả đều xấu.
Cách nhìn nhận phân cực tốt – xấu như vậy có thể khiến mối quan hệ của bạn trở nên khó khăn hơn, theo thạc sĩ Steven Graham, tác giả đứng đầu nghiên cứu đồng thời là phó giáo sư của trường New College of Florida tại Sarasota (Mỹ). “Khi đánh giá của bạn thay đổi nhanh chóng, từ tích cực sang tiêu cực chỉ trong vòng một phút, bạn sẽ khiến đối phương cảm thấy bất an”, giáo sư giải thích.
Bên cạnh việc tác động đến sự chấp nhận đối phương, lòng tự trọng thấp còn khiến bạn cảm thấy lo lắng hơn cho mối quan hệ của mình. “Bạn có thể lo sợ đối phương sẽ từ bỏ bạn, hoặc hoang mang về một vấn đề mà thậm chí đối phương chẳng hề bận tâm”, theo thạc sĩ Heidi Riggio, chuyên gia tâm lý và giáo sư khoa tâm lý Đại học Bang California ở Los Angeles. “Điều này có thể dẫn đến những xung đột hoặc ghen tuông trầm trọng”.
Làm sao để nâng cao lòng tự trọng của chính bạn?
* Lắng nghe tiếng nói bên trong: Khi lòng tự trọng của bạn bị giảm sút hoặc bạn cảm thấy tệ về chính bản thân mình trong suốt một thời gian dài, chìa khóa để xây dựng lại lòng tự tin là thay đổi những suy nghĩ tiêu cực, tiến sĩ Riggio cho biết. Bạn có thể bắt đầu bằng cách lắng nghe những tiếng nói tiêu cực bên trong và đảo ngược nó. Độc thoại nội tâm chính là một kịch bản “tưởng tượng” có thể giúp bạn định hướng lại suy nghĩ của bộ não.
* Đáp trả bằng những điều tích cực: “Khi bạn chú ý đến suy nghĩ bên trong là mình không đáng yêu, hoặc là chẳng có ai thấy bạn hấp dẫn, thì đây cũng chính là lúc bạn nên ngưng lại và đáp trả lại theo một cách tích cực”, Riggio cho biết. “Hãy trò chuyện với chính bạn rằng, những điều tiêu cực kia là xuyên tạc và thay thế vào đó bằng một điều tích cực hơn.
* Gợi nhớ những điều tự hào: Bạn có thể tự luyện tập suy nghĩ tích cực để chống lại những suy nghĩ tiêu cực, Riggio nhấn mạnh. Càng luyện tập nhiều, bạn sẽ càng tự tin và cải thiện mối quan hệ ngày càng tốt hơn. Hãy bắt đầu bằng cách gợi nhớ lại những điều bạn cảm thấy tự hào về bản thân cũng như bất cứ hoạt động nào gắn liền với thế mạnh và sở thích của bạn.
Bất cứ ai cũng có thể rơi vào cảm giác lòng tự trọng bị tổn thương như bạn dù họ trông có vẻ rất tự tin với một cuộc sống tưởng chừng như rất hoàn hảo. Vì thế, hãy tập trung vào những điều tuyệt vời mình đang có, bạn sẽ nhanh chóng xua tan cảm giác bất an và khiến đối phương ngạc nhiên vì những thay đổi tích cực của mình đấy.
Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:
- 10 điều lầm tưởng về tình yêu mà ai cũng tin nhất mực
- Các nguyên tắc quan trọng giúp duy trì các mối quan hệ
- Tình yêu sẽ làm cơ thể và não bộ bạn thay đổi ra sao?
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!