Lưu ý khi xin sữa mẹ cho con

Nuôi dạy con - 11/24/2024

Tốt nhất là xin sữa của người quen biết, hay biết rõ tình trạng sức khỏe, đảm bảo người đó không nhiễm các bệnh ảnh hưởng tới trẻ.

Thực tế, từ nhiều năm nay, không ít bà mẹ sau khi sinh, vì mất sữa hay có bệnh không thể cho con bú, đã nhờ tới nguồn sữa của những bà mẹ khác để nuôi dưỡng con trong những ngày đầu đời non nớt.

Trường hợp chị Trà (Từ Liêm, Hà Nội) là một điển hình. Bị bệnh về phổi, khi mang thai đã liên tục phải dùng kháng sinh nên sau đẻ, dù sữa về nhiều, chị Trà không dám cho con bú mà phải vắt bỏ sữa. Em bé của chị sinh non, nhẹ cân, dùng sữa non hay sữa công thức vẫn khó đi ngoài nên bà mẹ trẻ quyết định lên mạng đăng thông tin xin sữa từ các bà mẹ đang nuôi con nhỏ.

Mỗi lần có nguồn, người nhà chị lại đi xe máy đến tận nơi lấy về, mang theo tủ đá để bảo quản cho tốt. 'Nhờ sự chia sẻ quý giá đó, bé nhà tôi đã lớn dần và phát triển tốt. Khi bé cứng cáp hơn, tôi luyện cho con làm quen dần với sữa công thức rồi duy trì tới khi cháu 10 tháng tuổi thì mới không xin sữa nữa, ăn hoàn toàn sữa ngoài', chị Trà cho biết.

Lưu ý khi xin sữa mẹ cho con

Ảnh minh họa: Internet

Theo giáo sư Nguyễn Đức Vy, nguyên Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương, sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng quý giá cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Hành động xin - cho sữa mẹ là một nghĩa cử đẹp và trước đây điều này được coi là 'bệnh viện bạn hữu trẻ em', vì không những cung cấp dưỡng chất cho trẻ, mà còn bảo vệ bé khỏi nhiều nguy cơ nhiễm bệnh nhờ khả năng miễn dịch từ sữa mẹ.

Theo ông, thực tế trước đây việc xin sữa mẹ cho con, với các bà mẹ ít sữa hay trẻ chẳng may mất mẹ sớm, rất phổ biến. Ngày nay, việc này ngày càng hạn chế, nhất là ở thành phố, vì trẻ có nguồn sữa công thức thay thế, cộng với tâm lý nhiều gia đình lo ngại khả năng trẻ bị lây bệnh khi bú sữa của người khác.

Giáo sư Đức Vy cho rằng, thực tế đúng là sữa mẹ có thể lây truyền một số bệnh nguy hiểm như HIV, viêm gan B, bệnh do siêu vi trùng... nếu người cho bú mắc phải. Ngoài ra, các bà mẹ có bệnh ở vùng vú như áp xe vú, vú bị viêm mủ cũng không được cho trẻ bú. Những người này cần kiêng cho con (hay trẻ khác) bú hoàn toàn, vắt sữa ở bên vú bị viêm bỏ đi, chữa khỏi hẳn bệnh thì mới được cho trẻ bú trở lại. Trẻ bú ở bên vú bị viêm nhiễm này có thể bị nhiễm khuẩn gây ỉa chảy.

'Vì thế, khi xin sữa mẹ tốt nhất là của người quen biết, hay biết rõ tình trạng sức khỏe, đảm bảo người đó không nhiễm các bệnh có thể lây cho trẻ qua đường sữa mẹ', giáo sư Vy nói.

Giáo sư Nguyễn Thu Nhạn, nguyên Chủ tịch Hội nhi khoa Việt Nam cho rằng, sữa của bà mẹ khác cũng là sữa người, chắc chắn tốt hơn sữa bò, khi dùng cho trẻ. Thời phong kiến trước đây, các gia đình giàu có thường thuê vú em về cho con bú để trẻ được bú sữa người.

Hiện nay, có nhiều loại sữa công thức được sản xuất để thay thế sữa mẹ. Sữa công thức là sữa từ bò (hoặc động vật khác). Sữa bò có nhiều thành phần không giống với sữa người. Chẳng hạn, nguồn canxi của sữa người rất thấp so với sữa bò, nhưng lại dễ hấp thu và vừa đủ cho nhu cầu của trẻ nhỏ. Sữa bò có hàm lượng canxi cao, nhưng khó hấp thu hơn và vượt quá nhu cầu của trẻ. Sữa công thức được tạo ra từ sữa bò và gia giảm các thành phần sao cho giống với sữa mẹ nhất. Dù vậy, nó cũng không thể giống hoàn toàn được.

Theo giáo sư Nhạn, nguy cơ người cho bú sữa có thể làm lây các bệnh như HIV, viêm gan B... cho trẻ là có, nhưng có thể loại trừ bằng cách khám sức khỏe. Ngày nay, phụ nữ đi sinh tại các bệnh viện phụ sản đều đã được thực hiện các xét nghiệm trước sinh để tầm soát các bệnh này. Người nhà khi đi xin sữa, tốt nhất cần biết rõ tình trạng sức khỏe của người cho sữa và chắc chắn họ không mắc các bệnh trên.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!