Ngày 4/10, tức là cách đây gần 2 tháng, là ngày rất vui với gia đình anh Ngô Văn Khương. Đó là ngày anh được xuất viện sau 45 ngày được ghép phổi từ người cho chết não.
Người đàn ông 38 tuổi, ở Chương Mỹ, Hà Nội này đã từng sống cuộc sống theo mô tả của hàng xóm là 'đặt đâu nằm đấy', bệnh trọng, sự sống chỉ tính từng giờ. Vậy mà giờ đây, anh đi lại, cười nói, tự phục vụ sinh hoạt bản thân như một người bình thường. Thật đáng kinh ngạc!
Hôm nay, 2/12, anh Khương đi khám trở lại ở Bệnh viện Việt Đức. Khỏi phải nói, ai cũng mừng cho anh bởi ở lần thứ 2 tái khám sau khi xuất viện này, anh nhanh nhẹn, tươi tắn hơn hẳn lần trước.
Anh Khương cầm tờ kết quả kiểm tra sức khoẻ hôm 2/12, bác sĩ đánh giá anh tiến tiển sau ghép phổi tốt.
Anh Khương là người bệnh thứ hai được ghép phổi bởi ê kíp bác sĩ Việt Nam và là người bệnh đầu tiên được xuất viện. Có nghĩa là anh được ghép phổi rất thành công.
'Giờ tôi đã có thể sinh hoạt bình thường và không gặp khó khăn gì. Vài ngày gần đây, tôi còn tự tắm giặt, đi cắt tóc, không phải nhờ vào người thân nữa' - người đàn ông 38 tuổi nói về cuộc sống bình dị với nhiều người nhưng là nỗi mơ ước của anh hàng chục năm nay.
Không chỉ thế, buổi chiều, anh còn bật máy bơm lên rửa sân, tưới rau và chăm sóc cây cối. Mới hôm qua thôi, hàng xóm kinh ngạc khi thấy anh Khương tự đi xe ga một cách chậm rãi và nhẹ nhàng, đèo cậu con trai học lớp 9 nặng tới 50kg.
Hai tháng trước, khi mới xuất viện, việc đi lại với anh Khương khá khó khăn, nói chuyện cũng chưa tròn tiếng. Trở về nhà, lê từng bước phải có người đỡ, vịn tường. 'Giờ sức khoẻ gấp 5 khi ấy' - anh Khương cười lớn.
Sự khỏe mạnh của anh Khương khiến cho hàng xóm cũng quá đỗi bất ngờ. Người dân ở làng anh vẫn chắc mẩm người đàn ông này chỉ nằm một chỗ. Vợ anh đi chợ, người ta vẫn hỏi giờ anh có thể ăn được hay ngồi dậy được chưa.
37 năm về trước, cậu bé Khương chào đời khoẻ mạnh. Nhưng khi 8 tháng tuổi, Khương đã phải đi viện 11 ngày vì viêm phế quản. Sức khoẻ cậu bé sinh năm 1981 ngày ấy sau đó cứ kém dần, chịu không nổi mỗi khi trái gió trở trời.
Mấy năm gần đây, bệnh nặng hơn. Căn bệnh giãn toàn bộ phế quản khiến anh không thể tự thở, phải mua máy thở về nhà hỗ trợ.
Điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai, dù đã rất cố gắng nhưng bác sĩ ngậm ngùi lắc đầu: 'Không thuốc nào trị được, chỉ có ghép phổi mới có thể sống'.
Khi chuyển sang Bệnh viện Việt Đức, bệnh của anh Khương đã ở giai đoạn cuối. Bế tắc, đau đớn nhìn con cứ suy kiệt dần, gia đình anh không nghĩ được gì khác ngoài cầu xin một phép màu. Tên anh có trong danh sách bệnh nhân chờ ghép tạng.
Rồi bác sĩ thông báo có gia đình người chết não hiến phổi. Đó là phổi của chàng thanh niên Nguyễn Hồng Dương, 20 tuổi, ở Hải Dương, bị tai nạn giao thông.
Ca lấy và ghép hai phổi diễn ra liên tục trong gần 15 giờ, từ 16h chiều 12/8 tới 6h30 sáng ngày 13/8.
PGS.TS Nguyễn Hữu Ước - Giám đốc Trung tâm Tim mạch và Lồng ngực, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, diễn biến sau mổ của người bệnh ghép tạng tuy rất phức tạp song khá thuận lợi. Riêng ca ghép phổi chăm sóc khó khăn nhất vì có rất nhiều vấn đề cần quan tâm như: kiểm soát nhiễm trùng phổi, chăm sóc đường hô hấp, thuốc chống thải ghép, vật lý trị liệu và nâng cao thể trạng.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!