Mang thai có được uống thuốc kháng sinh không?

Sống khỏe mạnh - 05/14/2024

Các thuốc chống lao như isoniazid, rifampicin, ethambutol: có thể sử dụng để điều trị cho người mẹ bị mắc bệnh lao trong thời gian mang thai.

Trong thời kỳ mang thai, người mẹ nên thận trọng khi sử dụng thuốc, đặc biệt là kháng sinh, vì chúng có thể gây nên những hậu quả tai hại. Kháng sinh là thuốc quy định bán theo đơn nhưng trên thực tế có thể mua dễ dàng ở các nhà thuốc, hiệu thuốc để dùng.

Theo các nhà khoa học, phụ nữ mang thai có thể sử dụng những loại kháng sinh cần thiết để điều trị một số bệnh lý nhiễm trùng được phát hiện trong thời kỳ mang thai giống như những người bình thường đối với các loại kháng sinh thuộc nhóm betalactam, macrolid và polypeptid. Tuy vậy, cần phải lưu ý và thận trọng khi sử dụng các loại kháng sinh sau đây:

Tetracyclin: chống chỉ định sử dụng vì gây độc cho gan đối với người mẹ và ảnh hưởng đến men răng của trẻ, đồng thời cũng ảnh hưởng đến sự phát triển xương của trẻ.

Chloramphenicol: có tác dụng nguy hại cho cơ quan tạo máu của người mẹ. Nếu người mẹ sử dụng trong những ngày trước khi sinh đẻ, thuốc sẽ tích lũy trong thai nhi và gây nên trụy tim mạch dẫn đến tử vong ở trẻ sơ sinh, tình trạng này thường được gọi là hội chứng xám.

Aminoglycosid: chống chỉ định dùng vì gây độc cho cơ quan thính giác. Trong những trường hợp cần sử dụng để điều trị một số bệnh lý nhiễm trùng trong khi mang thai thì nên dùng khoảng thời gian ngắn dưới 1 tuần, kèm theo đó phải kiểm tra chức năng thận bằng chỉ số creatinin.

Mang thai có được uống thuốc kháng sinh không?

Mọi thuốc uống trong quá trình mang thai đều cần sự tư vấn của thầy thuốc (ảnh minh họa: Internet)

Các thuốc chống lao như isoniazid, rifampicin, ethambutol: có thể sử dụng để điều trị cho người mẹ bị mắc bệnh lao trong thời gian mang thai. Các loại thuốc này có thể đi qua bánh nhau nhưng không làm ảnh hưởng đến thai nhi nếu dùng ở liều lượng bình thường.

Sulfamid: được khuyến cáo không nên dùng nhất là đối với người mẹ ở vào cuối thời kỳ thai nghén vì dễ gây nên tình trạng huyết tán, vàng da nhân ở trẻ sơ sinh. Vàng da nhân là loại vàng da bệnh lý thường gặp ở trẻ sinh non, khi sinh ra trẻ bị chứng vàng da từ đầu đến chân; nếu không được điều trị kịp thời trẻ sẽ bị nhiễm độc thần kinh, hôm mê rồi tử vong.

Các loại kháng sinh đường tiết niệu: thường được chống chỉ định sử dụng khi người mẹ mang thai vì gây ảnh hưởng có hại cho đường tiết niệu.

Flagyl, trimethoprim, pyrimethamine:cũng chống chỉ định dùng cho phụ nữ có thai, đặc biệt là tuyệt đối không sử dụng trong 3 tháng đầu của thai kỳ.

Những cơn đau bụng khi mang thai (Việt hóa bởi Songkhoe.vn)

Các loại thuốc điều trị nấm: miconazole (daktarin), nystatin (mycostatin), fungizone (amphotericin B), econazole (gyno-pevaryl), isoconazole được các nhà khoa học cho rằng không nguy hiểm cho thai nhi, vì vậy phụ nữ mang thai có thể dùng để đặt âm đạo hoặc dùng đường uống khi cần điều trị bệnh lý có liên quan. Riêng thuốc griseofulvin và ketoconazole (nizoral) được chống chỉ dịnh dùng cho phụ nữ mang thai vì có thể gây dị dạng thai nhi và sảy thai đã được nghiên cứu phát hiện ở động vật thực nghiệm.

Các thuốc điều trị virút:thuốc zidovudine (retrovir) có thể dùng trong thời gian mang thai, đặc biệt trong các trường hợp phụ nữ mang thai bị nhiễm HIV/AIDS. Riêng acyclorvir (zovirax) cần hạn chế sử dụng khi mang thai hoặc dùng để dự phòng nhiễm Herpes.

Khi phụ nữ mang thai bị mắc bất kỳ một loại bệnh nào đó cần sử dụng thuốc kháng sinh để điều trị, nhất thiết phải đến bác sĩ khám để được chỉ định, tư vấn, hướng dẫn, kê đơn mua thuốc chữa trị phù hợp. Không nên tùy tiện mua thuốc hay qua sự mách bảo của người khác để mua sử dụng vì có thể dẫn đến những hậu quả nguy hại không lường trước cho cả mẹ lẫn con.

>> Xem thêm: Cải thiện chứng mất ngủ khi mang thai

BS. Nguyễn Trâm Anh

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!