Mắt cá ở ngón chân có thể do mụn cóc gây ra

Kỹ năng sống - 11/24/2024

Trường hợp hình thành từ mụn cóc phải điều trị triệt để, lấy hết nhân nếu không sẽ có thể hình thành thêm mắt cá mới.

Bệnh mắt cá là một bệnh dày sừng khu trú ở bàn chân. Tổn thương có bề mặt nhẵn hoặc trên có vảy da, thường phẳng so với mặt da. Có nhiều nguyên nhân và yếu tố thuận lợi có thể hình thành mắt cá.

Trước hết có thể do dị vật ở bàn chân như gai, dằm, đầu đinh... khiến cho các tổ chức xung quanh bị xơ hóa hình thành nên mắt cá. Mắt cá có thể hình thành từ mụn cóc ở bàn chân, do sự tỳ đè hình thành lớp sừng dày phía ngoài bao bọc mụn cóc.

Thói quen đi giày quá chật cũng là nguyên nhân và yếu tố thuận lợi gây bệnh mắt cá. Mắt cá giống với chai chân là thường xuất hiện ở vùng tỳ đè, chịu ma sát nhưng khác ở chỗ mắt cá không có những đường vân trên da, có nhân bên trong, đau khi va chạm hoặc tỳ đè.

Mắt cá ở ngón chân có thể do mụn cóc gây ra

Ảnh minh họa

Chính từ các nguyên nhân trên, nên mắt cá thường xuất hiện 1-2 nốt ở những nơi mà bàn chân tiếp xúc với giầy dép như cạnh bàn chân, gót chân, quanh vùng tỳ đè của ngón chân cái và ngón chân út. Nếu mắt cá hình thành do nguyên nhân mụn cóc thì có thể sinh sôi và hình thành mắt cá khác.

Trường hợp hình thành từ mụn cóc phải điều trị triệt để, lấy hết nhân nếu không sẽ có thể hình thành thêm mắt cá mới.

Một số biện pháp điều trị có thể áp dụng với bệnh mắt cá như: sử dụng axit salycylic để tiêu sừng, chấm Azote lỏng, đốt (bằng điện hoặc bằng laser), tiểu phẫu cắt bỏ mắt cá. Việc áp dụng biện pháp nào tuỳ thuộc theo mức độ tổn thương, nguyên nhân gây mắt cá và cần tuân thủ chặt chẽ theo chỉ định của bác sỹ chuyên khoa.

Do vậy, bệnh nhân nên sớm tới cơ sở y tế chuyên về da liễu để xác định chính xác tình trạng mắt cá hiện tại và có biện pháp điều trị thích hợp nhất.

ThS. Vũ Thị Tuyết Mai

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!