Mẹ bầu sắp sinh nên dự trữ sữa non

Sống khỏe mạnh - 11/24/2024

Vắt sữa non bằng tay và dự trữ 'Sữa vàng đầu tiên' từ trước khi sinh là một kỹ năng cần thiết cho các bà mẹ.

Ngay sau khi sinh, bé cần được bú hoàn toàn sữa vàng đầu tiên của mẹ trực tiếp, nhưng nếu con phải cách ly mẹ, hoặc mẹ mổ đẻ, con cũng có sẵn sữa non của mẹ làm phương án dự phòng.

Những trường hợp mẹ nên vắt trữ sữa vàng đầu tiên trước khi sinh

Trong một số tình huống đặc biệt, do quy trình của Bệnh viện, do sức khỏe của mẹ hoặc con, con có thể phải cách ly khỏi mẹ, sữa vàng đầu tiên trữ sẵn của mẹ sẽ cực kỳ hữu dụng. Các tình huống đặc biệt đó bao gồm:

- Mẹ bị tiểu đường/ tiểu đường thai kỳ

- Mẹ được chỉ định sinh mổ

- Mẹ có bất thường ở bầu vú/ đầu ti

- Bé bị hở hàm ếch

Các tình huống sức khỏe khác của mẹ/ con ngay sau khi sinh (dẫn đến con bị cách ly mẹ nhiều giờ sau khi ra đời).

Mẹ bầu sắp sinh nên dự trữ sữa non

Sữa mẹ có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của trẻ nhỏ (Ảnh minh họa: Internet)

Những điều không nên

Trường hợp mẹ có tiền sử đẻ non trước 37 tuần, có dấu hiệu doạ sinh non trước tuần 36 (như rỉ dịch ối hoặc máu, tử cung co cứng thành cục, đau bụng hoặc đau vùng lưng dưới, cảm giác xương chậu bị đè nặng) hoặc cổ tử cung có vấn đề, hoặc thai nhau tiền đạo, không nên vắt trữ sữa vàng đầu tiên trước khi sinh.

Tuyệt đối không dùng máy hút sữa để hút sữa vàng đầu tiên trước khi sinh, mà chỉ được vắt nhẹ nhàng bằng tay.

Tạm ngưng mát-xa và vắt sữa khi có cơn gò tử cung, hoặc ngưng hẳn cho đến khi sinh nếu có hơn 4 cơn co tử cung trong 1 giờ.

Thời điểm thích hợp

Sữa vàng đầu tiên có trong bầu vú mẹ từ giữa thai kỳ cho đến khoảng 72 giờ sau khi sinh. Việc vắt sữa vàng đầu tiên trước khi sinh không làm giảm lượng sữa vàng đầu tiên hay giảm số giờ của sữa vàng đầu tiên sau khi sinh.

Thỉnh thoảng khi tắm hoặc chăm sóc bầu vú, bà mẹ có thể thấy sữa vàng đầu tiên từ khoảng tuần 30 đến 36 của thai kỳ. Tuy nhiên, việc thu hoạch sữa có thể thật sự bắt đầu từ tuần thứ 36, khi sữa vàng đầu tiên có thể nhỏ giọt dễ dàng hơn. Chăm sóc bầu vú đúng cách trong thai kỳ cũng giúp cho sữa vàng đầu tiên của mẹ được sản xuất và tiết ra dễ dàng.

Mẹ bầu sắp sinh nên dự trữ sữa non

Không phải ai cũng có thể tiếp xúc với con ngay khi con chào đời nên việc dự trữ sữa non là vô cùng cần thiết (Ảnh minh họa: Internet)

Phương pháp an toàn

Cách vắt tay dễ học và dễ thuần thục sau một vài lần thực hành và kỹ năng này cũng rất có ích về sau này trong quá trình nuôi con sữa mẹ lâu dài. Sữa vàng đầu tiên ở giai đoạn này được 'thu hoạch từng giọt' như sau:

- Vắt tay chỉ 3 đến 5 phút/lần x 3 - 5 lần/ngày.

- Dùng ống tiêm tiệt trùng để thu từng giọt sữa vàng đầu tiên (tốt nhất là loại 5ml).

Chú ý phải gỡ bỏ kim, chỉ dùng ống tiêm nhựa và thu sữa bằng đầu ống tiêm nhựa .Giữ túi nylon tiệt trùng gốc ban đầu để giữ ống tiêm đã có sữa, có thể giữ kim cùng nắp để làm nắp đậy sau mỗi lần thu sữa, ghi ngày, dán lại trước khi trữ lạnh (dán tạm, nếu chưa đầy).

- Thu tiếp sữa vàng đầu tiên vào ống tiêm cho đến khi đầy 1 ống 5 ml (trữ ở ngăn mát không quá 3 ngày).

- 1 ống tiêm đầy (hoặc sau 3 ngày cho dù chưa đầy) thì niêm kín túi nylon và chuyển sang trữ đông trong 1 hộp kín.

Vì sữa vàng đầu tiên khá đặc và dẻo nên chảy chậm và không ra thành tia như sữa già, nên 1, 2 ngày đầu, mẹ chỉ thấy một vài giọt sữa mỗi lần. Từ ngày thứ 3 trở đi, mỗi lần vắt mẹ thu được 0.5ml - 1ml, mẹ có thể thu được 2.5ml - 5ml/ ngày là kết quả rất tốt rồi.

Kỹ năng vắt sữa bằng tay ( có thể áp dụng trong suốt thời gian nuôi con sữa mẹ):

- Rửa tay sạch bằng xà phòng và để khô

- Chườm bầu vú bằng khăn ấm (hoặc vắt sau khi tắm vòi sen ấm)

- Mát-xa bầu vú

Cách sử dụng sữa vàng đầu tiên trữ lạnh/ trữ đông

Khi đi sinh, bố mẹ bé mang sữa đông này trong hộp kín và túi trữ lạnh/ túi đá khô, hoặc gửi vào tủ lạnh của bệnh viện, nếu được sự hỗ trợ của bệnh viện. Nếu con bị cách ly mẹ nhiều giờ, và người nhà muốn bé được dùng sữa vàng đầu tiên này thay vì sữa bột cho trẻ em, bố mẹ bé sẽ ngâm cả ống tiêm (để nguyên trong nylon tiệt trùng) vào nước ấm, hoặc dùng máy hâm sữa, và đút cho bé ăn từ ống tiêm + mút ngón tay bố/ mẹ, hoặc bón thìa. Mỗi cữ 5ml và có thể cách cữ từ 1 - 1.5 giờ trong ngày đầu, cho đến khi bé được bú mẹ trực tiếp.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!