1. Chuẩn bị khi đi sinh
Ngày thứ 2 sau khi chuyển sang nhà mới, đồ đạc trong nhà còn đang lộn xộn, chồng mới chỉ ráp được gần hết cái ghế sofa cho mình nằm tạm thì mình có cơn chuyển dạ. Đó là khoảng tuần thứ 39 của thai kỳ. 4h sáng, mình thấy đau bụng râm ran, cơn đau kéo dài một hồi thì ngưng, rồi lại tiếp tục. Tới khoảng 6h, mình đau nhiều hơn, dù chưa thấy bị vỡ ối nhưng mình vẫn gọi điện vào hotline của khoa sản bệnh viện để báo tình hình. Cô y tá trả lời điện thoại kêu mình vào viện ngay. Mình vội quơ lấy cái giỏ xách tay nhỏ đựng điện thoại, ví tiền, giấy tờ tùy thân và sổ khám thai rồi cùng chồng lên xe vào bệnh viện.
Trước đó một tháng, mình đã chuẩn bị sẵn giỏ đi sinh (hospital bag) và để trong cốp xe, khi nào sinh thì chỉ việc phóng đi thôi mà không sợ quên. Gọi là giỏ nhưng thực ra đó là một chiếc vali du lịch con con có tay kéo. Trong đó đựng một bộ pyjamas để mặc sau sinh, một cái áo thun dài để mặc lúc sinh, một đôi dép bông ấm, tất, vài cái quần lót lưng cao thun ôm, áo lót dành riêng cho bé bú, miếng thấm sữa, một bộ đồ để mặc lúc rời bệnh viện, vài bộ quần áo cho chú Bèo (tên con trai mình), một cái chăn nhỏ để quấn bé lúc rời viện (receiving blanket), một bộ đồ đẹp cho con mặc khi về nhà. Ngoài ra còn có các vật dụng vệ sinh cá nhân như bàn chải đánh răng, dầu tắm, đồ sạc điện thoại, ipad, túi trang điểm, vài cuốn truyện Doremon để đọc lúc chờ sinh, bánh kẹo ăn vặt.
2. Hành trình vượt cạn hồi hộp đến... thót tim và suýt phải sinh mổ
Khi tới bệnh viện, mình được cho vào phòng nằm và kiểm tra tim thai, các cơn gò. Nằm được 15 phút, mình được thông báo là giờ G đang tới và mình sắp sinh. Trong đầu mình lúc đó nghĩ: 'Nếu sinh là như thế này thì dễ ợt, đau thì đau nhưng không tới nỗi nào, vẫn chịu được như chơi' và mình đinh ninh là sẽ có một cuộc lâm bồn nhanh chóng, dễ dàng vì tử cung đã mở được 4,5 cm từ trước đó 3 tuần. Sau đó, một cô y tá được giao nhiệm vụ chăm sóc mình suốt quá trình lâm bồn được cử tới để hướng dẫn mình. Cô giúp mình bơm thuốc để làm sạch ruột và nhắc mình thay áo bệnh viện, tranh thủ tắm rửa, sẵn sàng 'vượt cạn'.
Bệnh viện ở Đan Mạch bố trí cho sản phụ mỗi người một phòng rất rộng để nghỉ ngơi chờ sinh và sinh luôn tại đây (nếu là sinh thường). Cuối phòng có một cái bồn giống bồn tắm lớn để dành cho những ai muốn sinh dưới nước (water birth). Ngoài máy móc, trong phòng còn có các loại ghế chuyên dành cho việc sinh nở, để mẹ bầu tựa vào lấy tư thế, các loại bóng yoga trợ sinh và phòng tắm.
Phòng sinh đầy đủ tiện nghi và hoàn toàn miễn phí
Mình được đưa lên nằm trên giường, cô y tá Marlene bắt đầu đặt miếng dán để theo dõi tim thai, các cơn gò lên bụng mình. Cô hỏi mình có đói bụng và muốn ăn gì không. Lúc đó mình chỉ thèm kem soft ice Sundae với mứt dâu nhưng cũng gật đầu vì nghĩ lỡ tí đói thì có mà ăn. Hai cái sandwich kẹp thịt gà với sốt cà ri cùng với nước trái cây, cà phê nóng được dọn lên cho mình và ông xã. Lúc này cơn đau đến nhanh hơn. Một cô bác sĩ khoảng 50 tuổi và 2 y tá nữa vào khám, siêu âm thai, rồi quyết định chọc ối cho mình.
Sau khi ối vỡ, tử cung mở hẳn trong vòng 40 phút. Các cơn đau lúc này thật sự tăng lên gấp bội và mình bắt đầu phải lầm bầm, xuýt xoa. Cơ thể mình cũng bắt đầu hối thúc rặn. Marlene khám thường xuyên để kiểm tra chú Bèo đã xuống hay chưa và luôn dặn mình cố gắng đừng mất sức vào việc rặn bừa bãi, mà cứ để cơ thể tự làm việc. Nếu cơ thể bắt rặn thì cứ rặn thôi. Cô cũng nói là mình nên thử tất cả mọi tư thế sao cho cơ thể thấy thoải mái nhất. Không hiểu sao mình luôn thấy khó chịu, bụng cứ cấn cấn khi nằm ngửa nên mình toàn ngồi chồm hỗm trên giường, ngồi tựa vào chồng, đứng chống vào ghế, thậm chí là bò trên 4 chân và nằm nghiêng. Trong thời gian này, các tư thế rặn sinh mà tận dụng được lợi thế của trọng lực để thai được đẩy xuống nhanh như đứng, ngồi xổm hay bò trên 4 chân rất được khuyến khích. Đồng thời kết hợp với động tác lắc lư hông qua lại nhằm giúp em bé tiến xuống âm đạo dễ dàng hơn.
Sau khi nghe theo cơ thể và rặn được khoảng 1 tiếng, chú Bèo chỉ xuống được 1/3 quãng đường. Mình bắt đầu thấy đuối và sốt ruột, cứ rặn vài lần mình lại hỏi Marlene chú Bèo có xuống thêm được tí nào không, câu trả lời vẫn luôn là 'chưa'. Đến khoảng 13h30 thì Marlene kêu mình rặn theo chỉ đạo của cô (coached pushing). Mình phải nằm về tư thế sinh thông thường để cô có thể theo dõi chuyển biến tình hình. Cứ mỗi cơn gò thì mình được ra hiệu rặn, rồi ngưng, rồi lại rặn. Marlene luôn miệng khen mình làm rất tốt và rặn đúng kỹ thuật (trước đó cô dặn mình rặn đúng là rặn như lúc đi đại tiện). Lúc này mình cảm thấy không chịu nổi đau nữa nên luôn miệng xin thuốc giảm đau hay tiêm màng cứng (epidural) nhưng Marlene bảo muộn quá rồi, có tiêm bây giờ thì vẫn không có tác dụng nữa.
Mình rặn theo chỉ đạo được nửa tiếng mà chú Bèo vẫn không chịu nhúc nhích thêm tí nào, chồng mình sốt ruột khi thấy vợ đau vật vã quá, không chịu nổi nên đã bảo Marlene rằng bây giờ phải làm gì khác thôgi chứ không thể để như vậy được. Cô ấy liền gọi điện thoại kêu ekip tới. Vị bác sĩ lúc nãy và thêm 3 y tá nữa tới cùng với máy móc. Mình được giải thích là họ sắp làm thủ thuật hút để lấy chú Bèo ra, nếu không thành côn thì phải mổ vì để lâu nữa sẽ ảnh hưởng đến chú Bèo. Bác sĩ thao tác rất nhẹ nhàng, luôn miệng trấn an, các cô y tá xung thì động viên mỗi cái rặn. Chưa bao giờ mình thấy đau dữ dội như lúc này, bên dưới có cảm giác như đang bị kéo lê bằng xe tải. Buồn cười là dù trong thời điểm quan trọng như vậy mà mình vẫn luôn miệng kêu chồng cấm không được nhìn ở dưới, chỉ được đứng bên cạnh mình thôi. Không nhớ là sau mấy lần rặn, cuối cùng mình nghe ông xã hét lên: 'Ra rồi em ơi, con ra rồi'. Lúc đó mình vẫn không tin nổi là đã xong và chú Bèo đã chào đời nên mình hỏi lại: 'Anh có chắc không đó? Ra rồi sao?'. Marlene cùng bác sĩ và ekip ai nấy đều cười và nói: 'Xong rồi, em bé đã ra đời. Em làm rất tốt'. Lúc đó là 14h15.
Vì kẹt khá lâu nên chú Bèo hít phải meconium (thứ phân mà em bé thải ra khi còn trong bụng mẹ) và có chút vấn đề về đường hô hấp. Mình nằm trên giường ngó qua thì thấy chú đang nằm trên bàn, xung quanh là bác sĩ nhi và y tá đang lau chùi, hút sạch nhớt cho chú, khám tổng quát. Sau đó bác sĩ ẵm chú lại cho mình xem, mình chỉ kịp nhìn thoáng qua và ôm con chưa được 10 giây thì bác sĩ phải ẵm đi vì chú cần được chăm sóc đặc biệt. Ông xã mình đi theo. Mình nằm lại một mình với Marlene, cô đang ngồi làm vệ sinh, chăm sóc hậu sinh cho mình thật tỉ mỉ. Mình trò chuyện một lúc thì thấy buồn ngủ và lạnh. Marlene giải thích là do mất máu nên cơ thể sẽ thấy lạnh, cô kéo lại một cái máy có đèn vàng sáng để giúp mình sưởi ấm. Cô cũng không quên đắp lên ình cmái chăn và hỏi mình có muốn mang vớ cho ấm chân không. Sau đó thì mình thiếp đi tới hơn 17h chiều mới tỉnh dậy.
Hai mẹ con chuẩn bị skin to skin
3. Cảm xúc lần đầu ôm con và chăm con thật khó tả
Ở bệnh viện, nơi mình sinh bé, nếu là lần đầu sinh và sinh thường, không bị biến chứng gì thì mẹ và bé được nghỉ 2 ngày trong khu nghỉ dưỡng của bệnh viện (tiếng địa phương là Patienthotel - tạm dịch là khách sạn cho bệnh nhân). Mỗi phòng chỉ có một mẹ và bé. Trong phòng được trang bị đầy đủ tivi màn hình tinh thể lỏng, phòng tắm, bàn làm việc, bàn thay tã cho bé và một ghế sofa dài dành cho các bố. Nếu bố muốn ở lại thì phải đóng một khoản lệ phí nhỏ là 22 euros/ngày bao gồm cả ăn uống. Mỗi ngày vào buổi sáng đều có nhân viên vào thay drap giường, quét dọn.
Khi mình về phòng là hơn 17h, chú Bèo vẫn còn ở phòng chăm sóc đặc biệt trên khoa nhi. Sau khi giúp mình nằm lên giường nghỉ và cất đồ cá nhân, anh nhân viên hỏi mình có muốn lên phòng đó để thăm con không. Nếu muốn thì khoảng một tiếng sau anh sẽ quay lại đẩy mình lên vì mình được phép vào phòng chăm sóc đặc biệt để thăm bé, ôm ấp da tiếp da với con (skin to skin contact). Mình rất hồi hộp được nhìn ngắm chú Bèo thật kỹ vì lúc nãy chỉ kịp nhìn thóang qua thôi. Cảm giác thương yêu, gắn bó với em bé vẫn chưa thực sự cảm nhận được.
1 tiếng sau, anh nhân viên khi nãy lại vào, giúp mình ngồi lên xe và đẩy đi lên khoa nhi. Phòng chăm sóc đặc biệt vô cùng yên tĩnh. Bên ngoài nhìn vào mình chỉ thấy bên trong có khoảng 4 - 5 lồng kính be bé, ngay bên cạnh là một chiếc ghế nệm recliner (đẩy ra sau để nửa nằm nửa ngồi). Khi mình vào thì y tá chỉ tay về góc trái cuối phòng, gần cửa sổ. Anh nhân viên để mình lại và nói rằng sau khi thăm xong thì chỉ việc nói với y tá, họ sẽ giúp mình gọi người đón về phòng. Ráng hết sức đứng dậy và buớc lại gần chiếc lồng, chú Bèo nằm bên trong ấy, đầu đội chiếc nón len nhỏ tí, mắt nhắm nghiền, một bên mũi của chú có gắn ống truyền. Tự nhiên mình không cầm được nước mắt khi nhìn con, không biết vì cảm giác vui quá khi được ngắm nó thật gần và kỹ, hay vì xót xa khi thấy con nằm trong lồng kinh. Chắc là vì cả hai.
Y tá bước đến bên cạnh và ẵm chú ra đưa cho mình. Ngồi xuống ghế, cởi áo ra và ôm con vào lòng. Cảm giác thật khó tả. Sau khi ngồi ôm con được một lúc, mình sực nhớ là sắp hết thời hạn đặt thức ăn, trong khi mình bắt đầu đói bụng rồi. Chưa kịp suy nghĩ gì nhiều hơn, cô y tá lúc nãy vào hỏi mình có cần gì không. Mình kể là mình chưa kịp đặt thức ăn, nhưng lại muốn ở lại với con lâu hơn. Cô liền đưa cho mình tờ thực đơn và kêu mình lựa món, rồi sẽ giúp mình gọi điện đặt. Thực đơn ở đây được in trên giấy bìa cứng rất đẹp y như thực đơn trong các nhà hàng, bao gồm nhiều món cho bữa sáng, bữa trưa, bữa tối, các món ăn kèm, món ngọt và tráng miệng. Tất nhiên là hòan toàn miễn phí cho mẹ bầu gọi bất cứ món nào. Sau khi đặt thì thức ăn sẽ được chuẩn bị và đem đến để trên kệ ở phòng cafeteria có ghi tên của mẹ bầu. Chồng hoặc người thân có nhiệm vụ đến lấy đem về phòng cho mẹ bầu. Tuy nhiên, vì mình ở một mình nên y tá đem lại tận phòng giúp.
Chú Bèo được chăm sóc đặc biệt vì hít phải phân su trong quá trình sinh
Truớc khi mình rời phòng chăm sóc đặc biệt, y tá bảo rằng họ sẽ thông báo đến khu nghỉ dưỡng ngay khi em bé được bác sĩ cho phép về phòng với mẹ. Đến gần 23h, y tá gõ cửa phòng và vào nói rằng họ vừa nhận điện thoại từ khoa nhi thông báo mình có thể đến mang bé về phòng. Đêm đầu tiên thật không dễ dàng chút nào vì là lần đầu làm mẹ, mình không có kinh nghiệm trong việc nhận biết tiếng khóc của con nên rất lúng túng. Những vấn đề đơn giản như bé sơ sinh thì bú mẹ trong bao lâu là vừa đủ, bao lâu thì bé sẽ đói và nên được bú lại, khi bé khóc thì nên giải quyết thế nào... hai vợ chồng đều mù mờ.
May có các y tá trong khu nghỉ dưỡng tận tình hướng dẫn và giúp đỡ, họ chỉ cách cho bé bú rất kỹ từ tư thế của hai mẹ con cho đến cách kiểm tra miệng bé ngậm ti thế nào mới đúng. Lúc đầu, mình còn ngại ngại phơi ti trần cho mọi người nhìn nhưng sau đó cũng không thấy lăn tăn nữa vì họ quá chuyên nghiệp và tận tâm. Gần sáng thì chú Bèo khóc quá, không tài nào dỗ được mặc dù đã thay tã sạch. Bé cũng không chịu ti mẹ. Thế là chồng mình ba chân bốn cẳng chạy đi gọi y tá đến giúp. Cô ấy đến, ẵm đỡ lấy chú Bèo và nhẹ nhàng hỏi thăm. Sau đó cô chỉ các dấu hiệu nhận biết em bé sơ sinh đang đói hay không bằng cách vuốt nhẹ bên má của bé, nếu bé há miệng và nghiêng đầu về phía đó là bé đang đói. Hoặc khi sờ nhẹ lên môi dưới của bé, bé tự động há miệng thì cũng là dấu hiệu bé đói bụng. Hóa ra do chú Bèo ngủ lâu quá và mình không đánh thức để cho bú nên chú đói quá (overhungry) mà trở nên cáu gắt, không chịu bú tí nữa.
Cô y tá thoăn thoắt chạy về phòng để lấy ít sữa và quay lại. Cô quấn bé thật kỹ trong chiếc chăn mỏng rồi ôm bé vào lòng, nhẹ nhàng cho bé nhấp chút sữa từ cốc nhỏ. Vừa cho bé uống sữa từ cốc, cô vừa giải thích rằng trẻ sơ sinh rất thích được quấn chăn (swaddle) vì cảm giác bao bọc giống như khi còn trong bụng mẹ. Trẻ sẽ cảm thấy an toàn hơn và sẽ dịu lại. Trong hai ngày ở bệnh viện, mình đã học không biết bao nhiêu thứ bổ ích trong việc chăm sóc em bé, những điều mà trước đó mình không hề nghĩ tới.
Đến ngày về, các y tá mang chú Bèo đi khám tổng quát lại, cân đo lần cuối và lấy máu gót chân để làm xét nghiệm. Họ còn hỏi mình cảm thấy thế nào, có thấy đủ tự tin để chăm bé ở nhà hay chưa (chắc tại vợ chồng mình kêu réo họ quá trong suốt thời gian ở đó) và dặn dò rằng mình hoàn toàn có quyền ở lại thêm nếu mình muốn. Đến trưa, sau khi dùng bữa xong, vợ chồng mình và các cặp khác cũng sinh bé cùng ngày được yêu cầu đến phòng họp để nghe thông báo, dặn dò trước khi rời bệnh viện. Đó là một phòng thật lớn giống như giảng đường ở đại học. Các cặp bố mẹ cùng bé sơ sinh ngồi đó nghe y tá dặn dò những điều cần thiết khi chăm sóc mẹ và bé sau sinh, các vấn đề thường gặp ở trẻ và cách xử lý, đường dây nóng để liên hệ, các thông tin về tiêm phòng và chủng ngừa cho bé. Lần đầu mang thai và sinh con với mình tuy hơi vất vả nhưng một trải nghiệm tuyệt vời, không chê vào đâu được.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!