Theo Tổng cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình, thống kê tại các cơ sở y tế công cho thấy khoảng 280.000 ca phá thai vào năm ngoái, có 2% ở tuổi vị thành niên.
Ông Đinh Huy Dương, Vụ trưởng Truyền thông giáo dục, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình cho biết, tỷ lệ tuổi vị thành niên mang thai ở nước ta những năm gần đây có xu hướng giảm dần dù vẫn tương đối cao. Tỷ lệ này các năm 2010, 2014 và 2015 lần lượt là 3,24%, 2,78% và 2,66%.
Tỷ lệ phá thai cũng giảm tương tự. Thống kê của Vụ Sức khỏe bà mẹ trẻ em năm 2010 cả nước có 470.000 ca phá thai, trong đó hơn 9.000 ca vị thành niên. Năm 2015 có hơn 5.500 ca vị thành niên trong số gần 280.000 ca phá thai. Hơn 42.000 trường hợp vị thành niên sinh năm 2015, chiếm hơn 3,5% tổng ca đẻ trong năm.
Đây chỉ mới là con số được thống kê từ hệ thống y tế công, chưa kể từ các cơ sở y tế tư nhân. Con số thực tế do đó cao hơn rất nhiều.
Trẻ cần được cung cấp kiến thức về sức khỏe sinh, sản, giới tính để tự bảo vệ mình trước việc mang thai ngoài ý muốn, nạo phá thai... Ảnh minh họa: T.C.
Theo điều tra quốc gia về vị thành niên và thanh niên Việt Nam lần gần đây nhất là vào năm 2009, tỷ lệ nạo phá thai ở vị thành niên trên tổng số ca đẻ ước tính khoảng 20%.
Thực trạng đáng buồn trên một phần do nhiều thiếu nữ chưa được cung cấp kiến thức về giới tính, tình dục. Đa phần cha mẹ còn ngại nói về chủ đề được coi là nhạy cảm này.
Dạy sức khỏe sinh sản, giáo dục giới tính tại trường học mới chỉ được lồng ghép vào các môn học theo kiểu 'cưỡi ngựa xem hoa'.
Mang thai ở tuổi vị thành niên để lại những hệ lụy và hậu quả nặng nề do các bà mẹ nhỏ tuổi còn quá trẻ, thể chất và tinh thần chưa phát triển để sẵn sàng làm mẹ. Nạo phá thai ở phụ nữ nhỏ tuổi cũng dễ bị ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản cũng như để lại di chứng suốt đời.
Mang thai ngoài ý muốn dẫn đến nạo phá thai, tảo hôn, kết hôn cận huyết là vấn đề lớn mà trẻ vị thành niên nước ta đang phải đối mặt. Tỷ lệ nữ giới tuổi 10-19 hiện chiếm khoảng 15% dân số, tương đương 14 triệu trẻ vị thành niên.
Theo tiến sĩ Lê Cảnh Nhạc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hóa gia đình, trẻ em gái vị thành niên trên khắp thế giới phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức hơn so với trẻ em trai cùng trang lứa.
Số liệu toàn cầu, trong năm 2015, số trẻ em kết hôn khi chưa đủ 18 tuổi cao nhất là khu vực Châu Á - Thái Bình Dương với 59 triệu; tiếp theo là Đông Á và Nam Á…
Mỗi ngày có 20.000 trẻ em gái tại các nước đang phát triển độ tuổi 15-17 sinh con; ước tính số ca nạo phá thai không an toàn ở trẻ em gái tuổi 15-19 là 3,2 triệu.
Tự tử và biến chứng thai sản là hai nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em gái lứa tuổi này…
Ngày Dân số thế giới năm nay (ngày 11/7) mang chủ đề đảm bảo cho trẻ em gái các kỹ năng phòng nguy cơ mang thai ngoài ý muốn, bệnh lây truyền qua đường tình dục…
>> Xem thêm: Phải làm gì khi có thai tuổi vị thành niên?
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!