Mối nguy từ thai phụ mắc bệnh Rubella

Mang thai - 11/24/2024

Nếu mẹ nhiễm Rubella sẽ truyền bệnh từ mẹ sang con, gây nên hội chứng Rubella bẩm sinh ở trẻ.

Phụ nữ đang mang thai ở trong vùng nguy cơ cao của bệnh Rubella sẽ rất dễ nhiễm Rubella do đặc tính dễ lây truyền của vi-rút. Theo bác sĩ Anh Tuấn, nếu mẹ nhiễm Rubella sẽ truyền bệnh từ mẹ sang con, gây nên hội chứng Rubella bẩm sinh ở trẻ.

Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, Rubella cũng đã phát tán thành dịch ở nhiều nhà máy tại các khu công nghiệp Bình Dương, Thủ Đức và Đồng Nai. Ghi nhận tại phòng khám Viện Pasteur TPHCM, khoảng nửa năm 2008 đã có 50 thai phụ đang làm việc tại các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương được chuyển lên Viện Pasteur để xét nghiệm Rubella. Đây là những thai phụ trực tiếp làm việc tại nhà máy ở một số dây chuyền có người mắc bệnh Rubella và đã được đưa đi xét nghiệm vì trong giai đoạn thai kỳ.

Mối nguy từ thai phụ mắc bệnh Rubella

Bệnh rất dễ lây lan

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Anh Tuấn, Phó Phòng khám Viện Pasteur, cho biết đa phần các thai phụ là công nhân đều dương tính với bệnh. Khởi phát bệnh thường đơn giản với các triệu chứng kéo dài từ 2-3 ngày như: Sốt nhẹ, nhức đầu, nghẹt mũi và xuất hiện những nốt nhỏ hay mảng ban màu hồng mịn.

Bệnh có thể kèm theo các triệu chứng khác như: Mệt mỏi, biếng ăn, đặc biệt là ở những phụ nữ trẻ thường bị đau nhức các khớp xương. Bệnh lây truyền theo đường hô hấp do tiếp xúc với dịch tiết mũi họng của người bệnh qua các vật dụng như ly uống nước, chén đĩa, khăn lau...

Thời gian người bệnh lây nhiễm cho những người tiếp xúc từ khoảng 1 tuần trước khi phát ban và 8 ngày sau khi phát ban. Đây cũng là thời gian người mắc bệnh truyền bệnh cho người khác mà không nhận biết. Chính vì vậy, bệnh Rubella là bệnh rất dễ lây lan, đặc biệt là ở những nơi tập trung đông người như trường học, cơ quan, khu công nghiệp, nhà trọ.

Phòng ngừa hội chứng Rubella bẩm sinh

Phụ nữ đang mang thai ở trong vùng nguy cơ cao của bệnh Rubella sẽ rất dễ nhiễm Rubella do đặc tính dễ lây truyền của vi-rút. Theo bác sĩ Anh Tuấn, nếu mẹ nhiễm Rubella sẽ truyền bệnh từ mẹ sang con, gây nên hội chứng Rubella bẩm sinh ở trẻ. Hậu quả của hội chứng này là bào thai phát triển không bình thường, bao gồm: Thai chết lưu, bệnh tim bẩm sinh, viêm cơ tim, bại não, mù mắt, nhiễm trùng tai, gây điếc, gây dị dạng xương, chậm phát triển trí tuệ, tổn thương phổi, tổn thương xương dài...

Mối nguy từ thai phụ mắc bệnh Rubella

Nếu người mẹ bị nhiễm vi-rút Rubella trong 3 tháng đầu thời kỳ mang thai thì có tới 90% số bà mẹ có ảnh hưởng đến thai nhi như thai chết lưu, sẩy thai tự nhiên. Trẻ sinh ra sẽ có các dị tật như còn ống động mạch, thông liên thất, hẹp động mạch phổi, loét giác mạc, đục thủy tinh thể, viêm võng mạc, nhãn cầu nhỏ, chậm phát triển trí tuệ và điếc. Nếu mắc bệnh ở tuần thai thứ 16, các biến chứng giảm nhiều, chỉ còn khoảng 10%-20% có nguy cơ bị dị tật bẩm sinh, nếu sau tuần thứ 20 thì hiếm gặp dị tật ở thai nhi.

Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Chủ tịch Hội Sức khỏe Sinh sản TP.HCM khuyên, để ngăn ngừa nhiễm Rubella cho thai nhi, người mẹ cần tiêm chủng để phòng bệnh này trước 3 tháng khi có ý định mang thai. Một khi đã mang thai, không được chủng ngừa Rubella bằng vắc-xin bởi tác hại của vắc-xin đối với sự phát triển của phôi thai cho đến nay vẫn chưa biết rõ. Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản tiêm một liều duy nhất. Vắc-xin Rubella không bao giờ được sử dụng cho phụ nữ có thai hoặc những người có thể có thai trong vòng 3 tháng. Trẻ sơ sinh có kháng thể mẹ truyền sang (miễn dịch thụ động) được bảo vệ khoảng 6-9 tháng sau khi sinh.

Ảnh minh họa: Internet

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!