Một số điều cần biết về thuốc Prednisolone

Sơ cứu & Phòng ngừa - 03/28/2024

Thuốc Prednisolone được sử dụng rộng rãi trong việc điều trị nhiều loại bệnh khác nhau như bệnh viêm khớp, rối loạn máu, dị ứng...

Thuốc Prednisolone được sử dụng rộng rãi trong việc điều trị nhiều loại bệnh khác nhau. Tuy nhiên, bạn nên cẩn trọng khi dùng Prednisolone bởi thuốc có thể đem lại một số tác dụng phụ không mong muốn.

Prednisolone được sử dụng để điều trị các bệnh viêm khớp, các rối loạn máu, các vấn đề về hô hấp, dị ứng nghiêm trọng, bệnh về da, ung thư, các vấn đề về mắt và rối loạn hệ miễn dịch. Prednisolone thuộc loại thuốc corticosteroid, có khả năng làm suy giảm các phản ứng của hệ thống miễn dịch đối với các bệnh khác nhau để giảm các triệu chứng như sưng viêm và phản ứng kiểu dị ứng.

Bạn không được dùng Prednisolone nếu:

  • Bạn bị dị ứng với bất cứ thành phần nào trong Prednisolone;
  • Bạn bị nhiễm nấm toàn thân, bị sốt rét, viêm dây thần kinh thị giác hoặc mụn rộp ở mắt;
  • Bạn dự kiến sẽ tiêm vắc xin sống hay vắc xin sống giảm độc lực (ví dụ, đậu mùa);
  • Bạn đang dùng thuốc Mifepristone.

Nếu có dấu hiệu trên, bạn nên liên lạc với bác sĩ để biết rõ hơn tình trạng sức khỏe.

Cách sử dụng Prednisolone

  • Bạn nên uống thuốc sau bữa ăn hoặc uống với sữa để không bị tình trạng cồn cào;
  • Bạn nên uống thuốc với một ly nước đầy (240 ml) trừ khi bác sĩ có chỉ dẫn khác;
  • Nếu đang sử dụng thuốc dạng lỏng, bạn hãy đo liều cẩn thận bằng dụng cụ đặc biệt bằng thìa. Bạn không nên sử dụng thìa dùng trong hộ gia đình vì có thể không đong đúng lượng thuốc;
  • Nếu bạn được kê một liều mỗi ngày, bạn nên uống trước 9 giờ sáng;
  • Liều dùng và thời gian điều trị dựa trên tình trạng sức khỏe của bạn và phản ứng đối với phương pháp điều trị.

Bạn không được ngừng dùng thuốc mà không hỏi ý kiến bác sĩ vì có thể có nhiều triệu chứng xảy ra. Các triệu chứng bao gồm:

  • Suy nhược;
  • Giảm cân;
  • Buồn nôn;
  • Đau cơ;
  • Nhức đầu;
  • Mệt mỏi;
  • Chóng mặt.

Để ngăn ngừa các triệu chứng này mà không phải ngừng điều trị bằng thuốc Prednisolone, bác sĩ có thể giảm liều cho bạn dần dần. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ để biết thêm chi tiết và nhớ thông báo cho bác sĩ về bất kỳ triệu chứng mới hoặc tệ hơn nào ngay lập tức bạn nhé.

Các tác dụng phụ của thuốc

Buồn nôn, nôn mửa, chán ăn, ợ nóng, khó ngủ, đổ nhiều mồ hôi hoặc mụn trứng cá là những triệu chứng có thể xảy ra khi bạn sử dụng Prednisolone. Nếu bất kỳ phản ứng nào tiếp diễn hoặc trở nên tồi tệ hơn, bạn hãy thông báo ngay cho bác sĩ biết.

Vẫn có nhiều người sử dụng không bị những triệu chứng do tác dụng phụ của thuốc gây ra.

Bạn hãy báo ngay cho bác sĩ nếu có bất kỳ phản ứng phụ nào xảy ra:

  • Đau cơ, chuột rút
  • Nhịp tim bất thường;
  • Suy nhược;
  • Sưng bàn tay/mắt cá chân/chân;
  • Tăng cân bất thường;
  • Dấu hiệu nhiễm trùng (như sốt, đau dai dẳng);
  • Các vấn đề về thị giác (như mờ mắt), nôn mửa trông giống như bã cà phê, phân đen hoặc có máu;
  • Đau dạ dày/đau bụng nghiêm trọng;
  • Thay đổi về mặt tinh thần/tâm trạng (như trầm cảm, thay đổi tâm trạng bất thường, kích động);
  • Vết thương lâu lành;
  • Da mỏng;
  • Đau xương;
  • Thay đổi chu kỳ kinh nguyệt;
  • Sưng mặt;
  • Co giật.

Bạn nên thông báo với bác sĩ ngay nếu có các triệu chứng về lượng đường trong máu cao, chẳng hạn cơn khát và việc đi tiểu gia tăng. Nếu bạn đã bị tiểu đường, hãy kiểm tra thường xuyên lượng đường huyết của mình. Bác sĩ có thể cần điều chỉnh thuốc tiểu đường, chương trình tập thể dục, hoặc chế độ ăn uống của bạn.

Phản ứng dị ứng nghiêm trọng đối với sản phẩm này rất hiếm. Tuy nhiên, bạn cần tìm kiếm trợ giúp y tế ngay nếu bạn nhận thấy bất cứ triệu chứng của phản ứng dị ứng nghiêm trọng như phát ban, ngứa/sưng (đặc biệt là mặt/lưỡi/cổ họng), chóng mặt nghiêm trọng, khó thở.

Tương tác thuốc

Tương tác thuốc có thể làm thay đổi cách thức hoạt động của thuốc và tăng nguy cơ bị các phản ứng phụ nghiêm trọng. Bạn nên giữ danh sách tất cả các sản phẩm bạn sử dụng (bao gồm thuốc theo toa/thuốc không kê toa và các sản phẩm thảo dược) để chia sẻ với bác sĩ. Bạn không nên bắt đầu, dừng lại hoặc thay đổi liều lượng của bất kỳ loại thuốc nào mà không có sự chấp thuận của bác sĩ.

Một số sản phẩm có thể tương tác với thuốc là Aldesleukin, Mifepristone; thuốc có thể gây ra chảy máu/bầm tím (bao gồm thuốc chống tiểu cầu như Clopidogrel, “chất làm loãng máu” như Dabigatran/Warfarin; NSAIDs như Aspirin/Celecoxib/Ibuprofen).

Nếu bác sĩ đã hướng dẫn bạn dùng thuốc aspirin liều thấp cho cơn đau tim hoặc phòng ngừa đột quỵ (thường ở liều 81−325 miligam mỗi ngày), bạn nên tiếp tục dùng nó trừ khi bác sĩ có chỉ dẫn khác.

Thuốc này có thể gây cản trở đối với các xét nghiệm nhất định (bao gồm cả xét nghiệm da), gây ra các kết quả kiểm tra sai. Hãy đảm bảo bác sĩ biết về việc bạn đã sử dụng loại thuốc này.

Trường hợp bỏ lỡ một liều thuốc

Nếu bạn đang dùng thuốc hàng ngày và bỏ lỡ một liều, hãy dùng thuốc ngay khi bạn nhớ ra. Nếu thời gian uống gần với thời điểm uống liều kế tiếp, bạn có thể bỏ qua liều đã quên và tiếp tục lịch uống thuốc thông thường.

Nếu bạn đang dùng thuốc này theo một lịch trình khác với uống một ngày một viên (chẳng hạn như cách ngày một viên), hãy hỏi bác sĩ trước về những điều bạn nên làm nếu bạn bỏ qua một liều.

Để đảm bảo hiệu quả và an toàn, bạn nên tuân thủ tuyệt đối chỉ dẫn của bác sĩ trong quá trình dùng thuốc và yêu cầu trợ giúp y tế ngay nếu có bất thường xảy ra.

Hello Bacsi hy vọng đã cung cấp cho bạn thông tin đầy đủ về loại thuốc này.

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

  • Thuốc prednisone có giúp bạn mang thai?
  • Viêm khớp gối – khi nào bạn nên đi khám bác sĩ?

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!