Mụn cóc: Những điều bạn nên biết

Kỹ năng sống - 11/24/2024

Ít ai biết rằng, phải mất khoảng thời gian 2 – 3 tháng, người bị lây bệnh mới thấy xuất hiện mụn cóc.

Mụn cóc là những u nhỏ tăng sản lành tính của lớp thượng bì, bề mặt thường sần sùi, gây ra bởi vi-rút HPV (Human Papilloma Virus), vi-rút gây u nhú ở người. Vi-rút HPV thường sống ở những nơi ấm - ẩm nên việc đi chân đất ở những nơi này sẽ dễ bị mụn cóc bàn chân hơn. Làm móng, cắt khoé móng chân, tay… cũng là nguyên nhân thường gây mụn cóc ở người lớn, nhất là phụ nữ.

Dấu hiệu của các loại mụn cóc

Mụn cóc có nhiều hình dạng và kích cỡ, chúng có thể là một vết sưng với bề mặt thô, cũng có thể là bề mặt phẳng mịn. Mụn cóc thường không gây đau.

- Mụn cóc thông thường: thô, màu xám nâu, phát triển thành hình mái vòm, xuất hiện thường xuyên nhất trên bàn tay hoặc bất kỳ vùng nào trên cơ thể.

- Mụn cóc Mosaic: gồm nhiều mụn cóc nhỏ mọc thành chùm ở lòng bàn chân, gót chân.

- Mụn cóc sinh dục: có thể xuất hiện ở bộ phận sinh dục, xung quanh hậu môn, trong trực tràng, âm đạo, hoặc ở cổ tử cung. Mụn cóc sinh dục có thể gây ra những thay đổi tế bào làm tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung, trực tràng, hậu môn.

- Mụn cóc phẳng: thường xuất hiện trên mặt, cánh tay, chân. Chúng rất nhỏ, có đỉnh phẳng, và có thể có màu hồng, nâu nhạt hoặc vàng nhạt.

Mụn cóc: Những điều bạn nên biết

Ảnh minh họa

Phương thức lây lan của mụn cóc

Tiếp xúc trực tiếp với mụn cóc của người bệnh (sờ, cọ xát, cầm nắm…), dùng chung vật dụng với người có mụn cóc như khăn lau, giày dép, quần áo. Phải mất khoảng thời gian 2 – 3 tháng, người bị lây bệnh mới thấy xuất hiện mụn cóc.

Từ một số mụn cóc lớn ban đầu, chúng lây lan sang những vùng da lân cận hay những vùng da do tiếp xúc trực tiếp (như cào, gãi, cầm nắm) và tạo ra nhiều ‘mụn cóc con’ nhỏ li ti. Những mụn con này sẽ phát triển rồi tiếp tục lây lan theo cấp số nhân.

Vì đây là bệnh do vi-rút gây ra, có khi bệnh tự nhiên khỏi không để lại dấu vết gì trong vòng 6 tháng. Tuy nhiên trường hợp này cũng ít xảy ra và để lâu mụn cóc thường có khuynh hướng lây lan nhiều hơn, do đó cần phải điều trị càng sớm càng tốt.

Một số lưu ý trong điều trị mụn cóc

Thuốc mỡ bôi: Một số loại thuốc mỡ bôi chứa axít lactic, axít salicylic và một số loại axít khác có thể hỗ trợ điều trị lây nhiễm và gây bỏng vùng da bị lây nhiễm vi-rút. Đây là các loại axít có đặc tính ăn mòn nhẹ và phải thận trọng khi điều trị mụn cóc và tránh bôi vào vùng da bình thường. Thuốc mỡ bôi chỉ hiệu quả với mụn cóc nhỏ và mới xuất hiện. Các loại thuốc mỡ bôi khá đa dạng, phải bôi hàng ngày trong vài tuần và có thể không hiệu quả nếu không dùng thuốc triệt để.

Thuốc mỡ bôi điều trị mụn cóc ở bộ phận sinh dục

Mụn cóc xuất hiện ở vùng kín có thể điều trị bằng thuốc podophyllin hoặc podophyllotoxin. Các loại thuốc này có tính ăn mòn tự nhiên và có thể gây bỏng vùng da xung quanh. Một số dạng mụn cóc sinh dục được cho là các bệnh lây truyền qua đường tình dục và cần phải kiểm tra cẩn thận để tránh các nhiễm trùng lây qua đường tình dục.

Liệu pháp đông lạnh

Liệu pháp đông lạnh là một quy trình làm lạnh sử dụng nitơ lỏng để phun lên vùng da bị mụn cóc. Làm lạnh đột ngột và dần dần trở về nhiệt độ bình thường sẽ khiến vi-rút bị tiêu diệt và đây là một liệu pháp đông lạnh ít gây đau đớn. Đau nhức nhẹ vùng da và làm bong mụn cóc là những phản ứng phụ có thể gặp phải.

Phương pháp hủy mô bằng nhiệt

Đây là phương pháp sử dụng năng lượng điện để đốt vùng da bị mụn cóc trên cơ thể sau khi tiêm thuốc. Phương pháp này mang lại hiệu quả sau một lần điều trị duy nhất. Tuy nhiên, có thể gặp phải một số tác dụng phụ: đau nhức vết tiêm, nguy cơ lây nhiễm vi khuẩn tại vùng da được điều trị và không loại bỏ hoàn toàn mụn cóc. Phương pháp này mất khoảng 3 tuần để hồi phục hoàn toàn.   

Phương pháp đốt lazer

Tia lazer CO2 được sử dụng để hủy diệt vùng da bị lây nhiễm vi-rút. Phương pháp này có thể gây đau đớn và phải tiêm vùng da bị mụn cóc trước khi thực hiện. Tuy nhiên, phương pháp đốt lazer khá hiệu quả trong điều trị mụn cóc.

Giang Trinh (Theo Healthmeup)

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!