Các nhà khoa học tại Đại học California ở thành phố Davis, bang California (UC Davis) và Đại học Wisconsin đang thí nghiệm trên khỉ để nghiên cứu vi-rút gây teo não Zika. Họ hy vọng sẽ tìm ra vắc-xin và hiểu được ảnh hưởng của vi-rút này đến bào thai, Sacbee.com, trang báo địa phương tại California đưa tin ngày 14/2.
Koen Van Rompay, nhà nghiên cứu HIV nổi tiếng, đang đi đầu trong nỗ lực tại Trung tâm Nghiên cứu Linh trưởng California thuộc UC Davis. Ông và các cộng sự lên kế hoạch thí nghiệm trên 8 con khỉ để hiểu thêm về loại vi-rút đang khiến người dân châu Mỹ và nhiều nước trên thế giới lo ngại trong bối cảnh thông tin về chúng còn hạn hẹp.
Rompay và các chuyên gia về bệnh lây lan từ muỗi tại UC Davis sẽ làm việc với các đồng nghiệp chuyên về máu tại Đại học California, San Francisco. Bên cạnh đó, nhóm sẽ phối hợp với các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Linh trưởng Quốc gia Wisconsin, nơi chuyên về sự lây truyền của bệnh tật và các loại vi-rút trong thai kỳ.
Rompay cho biết mục tiêu của dự án là xây dựng nghiên cứu 2 giai đoạn nhằm đưa ra câu trả lời việc nhiễm vi-rút gây bệnh như thế nào. Trong giai đoạn đầu, các nhà khoa học sẽ tiêm vi-rút vào 4 con khỉ không có thai và lấy máu hàng ngày để tìm hiểu về thời điểm và cách thức các con vật nhiễm bệnh.
Bước tiếp theo, nhóm sẽ tiêm vi-rút vào 4 con khỉ mang bầu trong giai đoạn đầu của thai kỳ để tìm hiểu ảnh hưởng của chúng đến bào thai.
Lorrany Emily da Silva, em bé bị dị tật đầu nhỏ, đang được chăm sóc tại Bệnh viện Oswaldo Cruz, thành phố Recife, Brazil ngày 26/1 (Ảnh: Reuters)
Hiện người ta chưa rõ Zika truyền từ mẹ sang thai nhi như thế nào. Nghiên cứu của Rompay có thể phải trải qua một đoạn đường dài để hiểu về quá trình, cách thức và liệu Zika có phải là nguyên nhân dẫn đến dị tật đầu nhỏ hơn bình thường ở trẻ hay không.
'Chúng tôi nghĩ rằng sẽ tìm được câu trả lời vì đây là cách mà người ta tìm thấy vi-rút Zika vào năm 1947', ông Rompay nói.
Khi đó, các nhà nghiên cứu của Tổ chức Rockefeller đang làm việc tại Uganda để nghiên cứu bệnh sốt vàng da trên khỉ tại rừng Zika, nơi người ta dùng để đặt tên cho loài vi-rút gây teo não. Khỉ được nhốt trong cũi và sau đó một người đã ốm vì nhiễm loại vi-rút này. Nhóm nghiên cứu sau đó đã tiêm vi-rút vào chuột và khiến loài gặm nhấm mắc bệnh. Trường hợp mắc Zika đầu tiên ở người được phát hiện tại Nigeria 7 năm sau, tức 1954.
Cho đến nay, khoảng 4.000 trường hợp trẻ dị tật đầu nhỏ được xác nhận tại Brazil và có thể do Zika gây ra. 'Hiện tại, dường như có mối quan hệ rất mật thiết giữa Zika, sự lây nhiễm và chứng teo não. Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa khẳng định được 100%', ông Rompay nhận định.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 1/2 ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu khi các ca nhiễm dị tật bẩm sinh nghiêm trọng tăng đột biến. WHO cũng thành lập một đội phản ứng toàn cầu trước những diễn biến lây lan của vi-rút Zika. Từ tháng 1/2014 đến tháng 2/2016, 33 quốc gia đã xác nhận các trường hợp nhiễm Zika.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!