Nấm Candida sinh dục - “Cứng đầu” nhưng không bất trị

Sức khỏe giới tính - 03/29/2024

Nấm candida là thủ phạm gây các bệnh phụ khoa mạn tính, tái diễn nhiều lần, khó trị dứt điểm. Do đó cần nắm vững các biện pháp dự phòng để tránh lây nhiễm nấm candida.

Trong số các bệnh do nấm gây ra, bệnh nấm sinh dục do Candida thường hay gặp, biểu hiện mạn tính, tái diễn nhiều lần, điều trị còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nếu tuân thủ điều trị kết hợp với việc loại trừ các yếu tố nguy cơ, bệnh vẫn hoàn toàn có thể chữa khỏi.

Dấu hiệu nhận biết

Nhiễm nấm sinh dục thường gặp nhất là nấm âm đạo. Bình thường, nấm Candida ký sinh trên cơ thể người và không có biểu hiện gì. Khi môi trường pH âm đạo thay đổi tạo điều kiện cho nấm phát triển, gây ra những biểu hiện bệnh.

Bệnh nấm Candida có thể lây truyền theo nhiều đường khác nhau như quan hệ tình dục không an toàn với người mang bệnh qua âm đạo, hậu môn hay miệng. Bệnh có thể lây lan qua các công cụ dùng chung như khăn, quần lót, công cụ trợ dâm (sextoy) với người mang bệnh.

Khi mắc bệnh, người phụ nữ thường có hai triệu chứng nổi bật là rất ngứa và ra khí hư. Các biểu hiện khác là đau, cảm giác bỏng rát trong âm đạo, âm hộ, đi tiểu khó và đau khi giao hợp. Trường hợp nặng có thể gây đỏ, phù nề âm hộ và môi nhỏ, môi lớn, đôi khi lan ra cả đùi, bẹn. Bệnh thường nặng lên trước kỳ kinh nguyệt.

Đàn ông khi quan hệ tình dục với phụ nữ bị bệnh cũng có thể bị viêm quy đầu với biểu hiện đỏ, ngứa, cảm giác bỏng, rát và có chất nhày trắng. Bệnh thường xảy ra vài phút hoặc vài giờ sau khi giao hợp và thường khỏi sau khi rửa sạch.

Thuốc điều trị và dự phòng

Khi nghi ngờ bị nhiễm bệnh, bạn hãy đến các trung tâm y tế xét nghiệm để bác sĩ chẩn đoán và đưa ra phác đồ điều trị hợp lý nhất. Hiện nay, thường sử dụng thuốc bôi tại chỗ và thuốc uống toàn thân kết hợp nâng cao sức đề kháng của cơ thể, đồng thời vệ sinh cá nhân đúng cách.

Thông thường, khi xác định bệnh nhân bị nhiễm Candida âm đạo, bệnh nhân sẽ được chỉ định sử dụng thuốc fluconazole uống kết hợp với thuốc đặt âm đạo như miconazole. Đặt thuốc trước khi đi ngủ.

Đối với nam, thường không cần điều trị vì bệnh có thể tự khỏi, tuy nhiên, nếu bị viêm quy đầu thì có thể bôi các kem chống nấm như ketoconazole, clotrimazole. Đối với những trường hợp hay tái phát, cần dùng thuốc dự phòng từng đợt để phòng sự nhiễm bệnh những đợt tiếp theo.

Các thuốc chống nấm sử dụng toàn thân và tại chỗ hiện nay chủ yếu là nhóm nystatin, ketoconazole, fluconazole hay itraconazol.

Tuy nhiên, khi sử dụng các thuốc này, đặc biệt ở các trường hợp tái diễn, dùng thuốc nhiều lần, cần chú ý theo dõi các tác dụng không mong muốn của thuốc như: buồn nôn, nôn, táo bón, đầy hơi, tiêu chảy, chảy máu tiêu hóa; thiểu năng tuyến thượng thận, gây chứng vú to ở nam giới và giảm tình dục; có thể gặp nhức đầu, chóng mặt, kích động hoặc ngủ gà, viêm da, phát ban, mày đay, tăng enzym gan.

Ketoconazol ức chế enzym gan, làm tăng nồng độ trong huyết tương của các thuốc chống đông máu, thuốc chống ung thư, kháng histamin H1 thế hệ 2, thuốc an thần và corticoid. Các thuốc kháng acid, kháng histamin H2 và isoniazid làm giảm hiệu quả trị nấm của ketoconazol.

Intraconazol làm giảm nồng độ trong huyết tương của rifampicin, phenytoin, carbamazepin. Tăng nồng độ trong huyết tương của digoxin, cyclosporin các kháng histamin như terfenadin, astemizol (gây độc với tim, xoắn đỉnh) và ảnh hưởng tới chuyển hóa của các thuốc chống tiểu đường.

Để dự phòng, chị em cần lưu ý: không nên mặc đồ lót quá chật, nên dùng loại vải bông; không nên mặc quần tây, quần jean quá chật; Không nên tự tiện sử dụng xà bông, nước hoa, chất khử mùi mà nên tham vấn ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng các loại này.

Đối với trường hợp bệnh tái phát nhiều lần, cần kiểm tra lại vì rất có thể do bị bệnh đái tháo đường hoặc dùng kháng sinh kéo dài, thuốc tránh thai có estrogen hoặc quan hệ tình dục khi bệnh chưa dứt hẳn...

Đây là các nguyên nhân gây suy giảm sức đề kháng, tạo thuận lợi cho nấm phát triển, cần tìm nguyên nhân để điều trị.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!