Những thói quen tai hại hàng ngày khiến chị em dễ mắc bệnh phụ khoa

Thời sự - 04/26/2024

Thụt rửa vùng kín; dùng dung dịch vệ sinh có chất tẩy mạnh; lạm dụng băng vệ sinh hàng ngày hay mặc đồ lót quá chật là những thói quen tai hại gia tăng nguy cơ khiến chị em mắc bệnh phụ khoa.

Theo các bác sĩ sản phụ khoa, hiện nay, tỷ lệ phụ nữ mắc bệnh phụ khoa ngày càng tăng, trong đó, một số bệnh lý như: Viêm âm đạo, u xơ tử cung, u nang buồng trứng, lạc nội mạc tử cung, ung thư cổ tử cung... là những bệnh có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của chị em. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều chị em chủ quan không nghĩ rằng các bệnh tưởng chừng như là 'phụ' ấy lại gây ra những hậu quả nghiêm trọng.

Theo BS Trần Thị Hường, nguyên bác sĩ chuyên khoa sản, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, thói quen vệ sinh hàng ngày đóng vai trò rất quan trọng trong việc dự phòng bệnh phụ khoa. Ngoài những chị em thực hiện tốt việc làm này, vẫn còn không ít chị em mắc một số sai lầm trong việc chăm sóc phần phụ hàng ngày, dẫn đến dễ mắc bệnh phụ khoa hoặc nếu đang có bệnh thì gia tăng nguy cơ bệnh nặng thêm, gây khó khăn trong việc điều trị.

Những thói quen tai hại hàng ngày khiến chị em dễ mắc bệnh phụ khoa

Thói quen vệ sinh sai cách dễ khiến chị em mắc bệnh phụ khoa. Ảnh minh họa

Chẳng hạn, nhiều chị em khi thấy ngứa, rát, ra khí hư vùng kín, cho rằng bị viêm phụ khoa và tự mua thuốc không theo chỉ định của bác sĩ dẫn tới phải chịu những tác dụng phụ không mong muốn như chóng mặt, buồn nôn và thậm chí cả phản ứng thuốc…. khiến thời gian điều trị bệnh kéo dài.

Hoặc có những người trong khi vệ sinh hàng ngày, thường dùng vòi xịt thụt rửa khá sâu trong âm đạo để các chất bẩn trôi hết ra ngoài (?!). Theo BS Hường, đây là một sai lầm vì khi thụt rửa sâu kèm những dung dịch sát khuẩn mạnh sẽ vô tình làm mất đi những vi khuẩn có ích trong môi trường âm đạo. Hơn nữa, khi bị thụt rửa sâu có thể gây trầy xước niêm mạc âm đạo, khiến vi khuẩn dễ xâm nhập, tấn công gây bệnh.

Cùng với đó, việc vệ sinh không đúng cách cũng dễ khiến chị em mắc bệnh. Chẳng hạn, lau từ sau ra trước là một động tác nguy hiểm vì mang vi khuẩn từ vùng hậu môn và chất thải vào vùng kín nhưng khá nhiều phụ nữ mắc phải thói quen này, bởi vì nó 'tiện tay'. Hoặc có người vệ sinh rất kỹ, dùng vòi xịt để vệ sinh sạch sẽ sau khi đi đại tiện hay tiểu tiện nhưng cũng xịt từ sau ra trước, kết quả vẫn có nguy cơ nhiễm vi khuẩn.

Thói quen lạm dụng dùng băng vệ sinh hàng ngày cũng khiến vùng kín dễ bị vi khuẩn tấn công. Bởi lẽ, khi dùng băng vệ sinh thường xuyên, vô tình đă tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển.

Một thói quen khác không tốt cho sức khỏe sinh sản của nữ giới đó là mặc quần áo quá chật, nhất là quần lót chật, chất liệu không thấm hút mồ hôi làm cho vi khuẩn tích tụ, dễ gây bệnh phụ khoa và xuất hiện mùi khó chịu ở khu vực này.

Để phòng ngừa bệnh 'phụ khoa' ghé thăm, theo các chuyên gia khuyến cáo, chị em cần vệ sinh bộ phận sinh dục ngoài hàng ngày bằng dung dịch vệ sinh phụ nữ chuyên dụng. Sau mỗi lần đi đại, tiểu tiện nếu rửa được thì rất tốt hoặc lau vùng kín với khăn mềm sạch/giấy vệ sinh không mùi hương. Nên rửa và lau từ trước ra sau (hậu môn là sau cùng).

Sử dụng nguồn nước sạch để vệ sinh vùng kín cũng như tắm rửa hằng ngày; không thụt rửa sâu vào bên trong âm đạo khi không có chỉ định của chuyên gia y tế; không dùng xà phòng có chất tẩy rửa mạnh, chất sát khuẩn mạnh để vệ sinh vùng kín.

Bên cạnh đó, nên sử dụng quần lót chất liệu cotton khi có chỉ định điều trị viêm vùng kín của chuyên gia sản phụ khoa; tránh mặc quần quá chật, ẩm ướt. Đồ lót sau khi giặt nên phơi ra ngoài nắng, ánh nắng mặt trời sẽ diệt bớt vi khuẩn và nấm gây bệnh, không phơi đồ ngoài trời qua đêm. Trường hợp đang điều trị viêm phụ khoa nên là quần lót để diệt vi trùng gây bệnh trước khi mặc.

Ngoài ra, cần thực hiện quan hệ tình dục an toàn và vệ sinh cho cả nam, nữ trước và sau khi quan hệ tình dục. Mỗi lần giao hợp dùng một bao cao su nếu có quan hệ với người đã có tiền sử nhiễm hoặc đang có nguy cơ nhiễm bệnh tái diễn.

Đồng thời, chú ý giữ vệ sinh vùng kín trong thời kỳ kinh nguyệt. Nên vệ sinh vùng kín bằng dung dịch vệ sinh phụ nữ sau mỗi lần thay băng vệ sinh. Đặc biệt, nên khám phụ khoa định kỳ 3-6 tháng 1 lần, khám trước khi chuẩn bị mang thai để đề phòng thai bất thường.

Khi thấy có dấu hiệu khác thường ở đường sinh dục như: Ngứa, dịch tiết bất thường… phải đi khám phụ khoa ngay tại các cơ sở y tế chuyên ngành sản, phụ khoa để được điều trị kịp thời, tránh biến chứng.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!