Ảnh hưởng về kinh tế và xã hội của già hóa dân số vô cùng quan trọng
Trong lời tựa của Báo cáo 'Già hóa trong thế kỷ 21: Thành tựu và thách thức' của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), cựu Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon chỉ ra rằng: 'Ảnh hưởng về kinh tế và xã hội của hiện tượng già hóa dân số có ý nghĩa vô cùng quan trọng, không chỉ tác động tới cá nhân người cao tuổi và gia đình họ, mà còn có tác động rộng hơn tới toàn xã hội và cộng đồng toàn cầu theo những cách thức chưa từng có'.
Mặc dù Việt Nam đang ở giai đoạn cơ cấu dân số 'vàng' nhưng già hoá dân số đến sớm với tốc độ nhanh và khoảng thời gian chuyển đổi từ già hoá dân số sang dân số già ngắn hơn nhiều so với các nước phát triển.
Cụ thể, so với nhiều nước phát triển trải qua hàng thập kỷ đến hàng thế kỷ để chuyển từ giai đoạn già hóa dân số sang dân số già, như Pháp là 115 năm, Australia 73 năm, Trung Quốc 26 năm, thì Việt Nam chỉ mất khoảng 15-20 năm.
Năm 2011 được xem là thời điểm Việt Nam bắt đầu bước vào giai đoạn già hóa, với số người trên 60 tuổi chiếm 10% dân số, đến nay (theo số liệu mới nhất) đã tăng lên gần 12%. Với tốc độ như vậy, Việt Nam sẽ sớm trở thành nước có dân số già vào năm 2038, khi tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên chiếm trên 20% dân số. Đến năm 2050, tỷ lệ người cao tuổi sẽ chiếm trên 25% dân số (tức là cứ 4 người dân sẽ có một người cao tuổi) với khoảng 28 triệu người.
Như đã nói, già hóa dân số sẽ tác động đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội bao gồm: Thị trường lao động, tài chính, nhu cầu về các hàng hóa, dịch vụ, giáo dục, an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi...
Tư vấn sức khoẻ cho người cao tuổi. Ảnh: TL
Các chuyên gia về dân số cho hay chất lượng cuộc sống người cao tuổi được đánh giá dựa trên các yếu tố: tuổi thọ bình quân khỏe mạnh; tình hình bảo hiểm y tế đối với người cao tuổi; hệ thống khám, quản lý sức khỏe và y tế cho người cao tuổi... Tuổi thọ bình quân khỏe mạnh hay tuổi thọ không bệnh tật là tiêu chí quan trọng phản ánh chất lượng cuộc sống của người cao tuổi, đi kèm theo đó là các chính sách an sinh xã hội, ưu đãi, chăm sóc...
Với đời sống kinh tế - xã hội và hệ thống y tế phát triển, tuổi thọ của người Việt Nam đã tăng cao, với mức trung bình là 73,6 tuổi (theo công bố của Tổng cục Thống kê cuối năm 2019), đứng thứ hai trong khu vực và đứng thứ 56 trên thế giới. Tuy nhiên, sức khỏe người cao tuổi Việt Nam còn nhiều hạn chế. Tuổi thọ trung bình cao nhưng số năm sống khỏe mạnh chỉ khoảng 64 tuổi. 96% người mang gánh nặng bệnh tật kép, chủ yếu là bệnh mạn tính không lây nhiễm. Trung bình một người cao tuổi Việt Nam mắc 3 bệnh. Hệ thống chăm sóc sức khỏe chưa đáp ứng những nhu cầu ngày càng tăng của người già.
Những chỉ tiêu quan trọng trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi
Tháng 10/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phê duyệt Chương trình Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030 với mục tiêu chăm sóc, nâng cao sức khỏe người cao tuổi bảo đảm thích ứng với già hóa dân số, góp phần thực hiện thành công Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030.
Chương trình đặt mục tiêu 100% cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp ban hành nghị quyết, kế hoạch, đầu tư ngân sách cho chăm sóc sức khỏe người cao tuổi vào năm 2025 và duy trì đến năm 2030; người cao tuổi hoặc người thân trực tiếp chăm sóc người cao tuổi biết thông tin về già hóa dân số, quyền được chăm sóc sức khỏe của người cao tuổi đạt 70% năm 2025, 85% năm 2030.
Người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm đạt 70%, được lập hồ sơ theo dõi quản lý sức khỏe đạt 95% năm 2025, 100% năm 2030; người cao tuổi được phát hiện, điều trị, quản lý các bệnh không lây nhiễm đạt 70% năm 2025, 90% năm 2030.
100% người cao tuổi không có khả năng tự chăm sóc, được chăm sóc sức khỏe bởi gia đình và cộng đồng vào năm 2025 và duy trì đến năm 2030; câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau và các loại hình câu lạc bộ khác của người cao tuổi có nội dung chăm sóc sức khỏe đạt 80% năm 2025, 100% năm 2030...
Để đạt được các mục tiêu trên, Chương trình đưa ra nhiệm vụ và giải pháp là tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền về công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; đẩy mạnh tuyên truyền vận động thay đổi hành vi tạo môi trường xã hội ủng hộ và tham gia chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
Đồng thời, củng cố, phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, phòng chống dịch bệnh không lây nhiễm, khám chữa bệnh cho người cao tuổi; từng bước xây dựng mô hình chăm sóc sức khỏe dài hạn cho người cao tuổi.
Bên cạnh đó, đào tạo, tập huấn chuyên môn cho người làm công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ở các tuyến: Bệnh viện Lão khoa Trung ương, các bệnh viện trừ bệnh viện chuyên khoa nhi, Trung tâm y tế tuyến huyện, trạm y tế cấp xã; cơ sở chăm sóc sức khỏe; cán bộ dân số và tình nguyện viên ở cơ sở; đưa nội dung lão khoa vào chương trình đào tạo cho sinh viên đại học và sau đại học trong hệ thống các trường y trên cả nước.
Đa dạng hóa nguồn lực tài chính đầu tư cho công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi và từng bước tăng mức đầu tư. Đảm bảo đủ nguồn lực đáp ứng yêu cầu triển khai toàn diện Chương trình.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!