Nếu trẻ phản đối bạn ‘đi bước nữa’, hãy...

Làm mẹ - 05/19/2024

Hãy tìm hiểu nguyên nhân cũng như giúp đỡ bạn đời mới làm quen và thích nghi trong vai trò làm cha/mẹ.

Niềm an ủi duy nhất sau một thời gian dài chia tay và tự chăm con một mình là tìm được niềm vui bên một bờ vai khác. Nhưng vấn đề nảy sinh là bọn trẻ không thích người bạn đang hẹn hò. Trong hoàn cảnh này, bạn nên làm những gì?

... giữ tương tác phù hợp theo từng mức độ trong mối quan hệ

Nếu bạn không chắc chắn về tương lai của mối quan hệ hiện tại, đừng để con bạn và người ấy gặp gỡ quá nhiều, cũng không nên đặt con trẻ vào những suy tư không cần thiết. Khi mối quan hệ ấy đã có những tiến triển nhất định, hãy tìm cách thức nhẹ nhàng, tự nhiên nhất có thể để kết nối 2 người. Các hoạt động vui chơi giải trí có thể trở thành cầu nối giúp con và 'người ấy' làm quen với sự xuất hiện của người kia.

Nếu trẻ phản đối bạn ‘đi bước nữa’, hãy...

Ảnh minh họa

... khám phá nguyên nhân của sự phản đối

Nếu không ưa ai đó, trẻ sẽ có xu hướng nói đi nói lại về vấn đề này. Trong trường hợp chúng che giấu cảm xúc thật sự nhưng lại tỏ ra không hào hứng khi đi chơi cùng, bạn nên trò chuyện, chia sẻ với bé nhiều hơn.

Lí do trẻ ghét ai đó có thể rất đơn giản, bao gồm ‘chú ấy không hài hước như bố’, ‘cô ấy trang điểm đậm quá’… Thậm chí, câu trả lời có thể rẽ sang hướng khá tiêu cực như: ‘chú ấy rất mất lịch sự’, ‘cô ấy cứ như sâu rượu’… Trên thực tế, nếu ghét ai chúng ta thường ‘bới vết tìm sâu’ những thói quen xấu của họ, và bọn trẻ cũng không phải ngoại lệ. Cách duy nhất là lắng nghe tâm tư, suy nghĩ từ chúng, sau đó chia sẻ trên quan điểm tự nhiên nhất.

... giúp con hiểu 'yêu lại từ đầu’ là điều không thể

Trẻ con dễ tin rằng, người mới của bố/mẹ chúng là nhân tố đe dọa đến sự tái hợp gia đình trong tương lai. Nếu chuyện ‘yêu lại từ đầu’ của bạn và bạn đời cũ chỉ là câu chuyện cổ tích, hãy tìm cách giải thích phù hợp với độ tuổi của bé để giúp chúng hiểu thực tế này. Nói cho con, đây là mong muốn của cha/mẹ và việc ‘đi bước nữa’ là điều cần thiết để gia đình hạnh phúc hơn. Sau cuộc trò chuyện, nâng cao tầm quan trọng của bé bằng cách nói, nếu con chúc phúc cho bố/mẹ thì hạnh phúc có thể nhân lên gấp đôi thậm chí gấp ba.

... hỗ trợ người ấy trong vai trò mới

Việc giáo dục trẻ có thể rất đáng sợ, đặc biệt là phải dạy dỗ đứa trẻ không phải con ruột mình. Điều này có nghĩa là bạn đời mới không chỉ đối mặt với sự khó chịu của lũ trẻ mà còn là nỗi lo không-phải-của-riêng-ai khi làm cha/mẹ. Đặc biệt nếu đây là lần đầu tiên họ thực hiện vai trò này, hãy chia sẻ kinh nghiệm bản thân, giúp họ dần dần thích nghi với cuộc sống mới cũng như nói không với mọi phán xét.

Nếu trẻ phản đối bạn ‘đi bước nữa’, hãy...

Ảnh minh họa

... hạn chế tối đa sự ghen tị

Có một tình yêu mới sau thời gian dài cô đơn có thể đào sâu sự ghen tị trong lòng đứa trẻ. Bạn không nên khiển trách bé bởi chúng đơn giản chỉ sợ mất bạn, hoặc sợ mất đi sự quan tâm duy nhất. Bằng lời nói và hành động cụ thể, hãy thuyết phục trẻ rằng, chúng vẫn đứng vị trí quan trong trong trái tim bạn và rằng bạn yêu con vô điều kiện dù bất cứ điều gì xảy ra.

... theo dõi những tín hiệu cảnh báo

Sau thời gian làm quen, liệu con bạn có những dấu hiệu bất thường gì khác? Con bạn có bao giờ lảng tránh câu hỏi về lí do không thích cô/chú ấy? Bé có che giấu về cảm giác không thoải mái khi có người xen vào cuộc sống của 2 mẹ/bố con?

Nếu những dấu hiệu này hiện lên rõ ràng và bạn không thể ‘bình thường hóa’ quan hệ của 2 người. Hãy tìm đến những người bé cảm thấy an toàn, và hay chia sẻ tâm tư nhất để nhờ giúp đỡ. Chắc chắn rằng, cùng với lời khuyên từ bố/mẹ và những người xung quanh, bé sẽ dần bỏ những ác cảm về 'người ấy'. 

... thiết lập nguyên tắc dựa trên tình trạng quan hệ

Khi mối quan hệ vẫn chưa có mục đích rõ ràng, bạn chỉ nên đóng vai trò như một người nuôi con đơn thân. Tuy nhiên, khi mọi thứ tiến triển, cuộc sống của 2 người bắt đầu có sự sát nhập, một vài mảng tối xuất hiện là điều không thể tránh khỏi. Nếu điều này xảy ra, bạn nên chắc chắn một điều là thiết lập những nguyên tắc cơ bản và nói với bạn đời mới về điều này.

Cho đến thời điểm hôn nhân chỉ còn là chuyện giấy tờ, điều quan trọng nhất là giúp lũ trẻ hiểu, đây sẽ là người sẽ chung sống như một thành viên thực thụ trong gia đình đến suốt đời. Mặc dù, cô/chú không phải là mẹ/bố ruột nhưng hãy tôn trọng và thể hiện sự quan tâm ấm áp như những người trong nhà.

Ngọc Luyện (Theo twoofus & singleparent)h

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!