Người bệnh tim mạch nên yêu thế nào?

Giới tính - 11/24/2024

Tập thể dục sẽ có lợi cho sức khỏe như đi bộ, đi xe đạp, bơi... giúp giảm nguy cơ tăng nhịp tim, khó thở, đau ngực... khi quan hệ tình dục.

Vậy người có bệnh tim, hay bị những cơn đau thắt ngực hoặc đã trải qua phẫu thuật tim... nên quan hệ tình dục thế nào để không ảnh hưởng bệnh tim mạch và cần làm gì khi cơn đau thắt ngực xuất hiện lúc đang yêu?

Trong quan hệ tình dục, khi bạn được kích thích, nhịp thở của bạn sẽ tăng dần, da sẽ đỏ lên, cả nhịp tim và huyết áp đều tăng nhẹ. Khi ở trạng thái hưng phấn, người bạn sẽ căng lên, cả nhịp tim và huyết áp đều tăng cao.

Vào thời điểm cực khoái, bạn sẽ giải phóng những năng lượng bị dồn nén. Sau đó, nhịp tim, huyết áp và nhịp thở sẽ giảm dần về mức bình thường.

Người bệnh tim mạch nên yêu thế nào?

Đó là những đáp ứng bình thường trong lúc sinh hoạt tình dục. Tuy nhiên, với những người bệnh tim mạch, sự thay đổi này đôi khi lại là gánh nặng cho quả tim.

Quan hệ tình dục được coi là một gắng sức nhẹ, tương đương với công việc nhổ cỏ, đi bộ nhanh hoặc leo lên 1 tầng với tốc độ bình thường. Do đó, việc quan hệ tình dục nói chung không gây nguy hiểm cho bệnh nhân tim mạch. Điều quan trọng là người bệnh cần lượng sức mình, không nên làm quá đà hay quá sức khi quan hệ.

Đối với bệnh nhân tăng huyết áp: Vì việc quan hệ tình dục như một gắng sức nhỏ nên có thể coi như tập thể dục nhẹ. Do đó, bệnh nhân tăng huyết áp giai đoạn 1 và 2 có thể sinh hoạt bình thường như khi huyết áp bình thường, không cần kiêng cữ. Nếu xảy ra các biến chứng như: tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim... thì đó là do trùng hợp chứ không phải do quan hệ tình dục. Nhưng đối với người thiếu máu cơ tim cục bộ, có biểu hiện là đau ngực, thì phải ngừng ngay tất cả các hoạt động, kể cả quan hệ tình dục khi thấy đau ngực. Đau ngực là hiện tượng do cơ tim thiếu ôxy.

Đối với người suy tim: Việc quan hệ tình dục có lợi nhiều hơn có hại. Bởi vì đó là vận động thể lực tương đối nhẹ, giúp hồi phục chức năng và tạo tâm lý tốt cho người bệnh. Đối với người suy tim cấp độ II có thể thực hiện những hoạt động với nhu cầu tiêu thụ ôxy lên tới 5MET nhưng không gây khó thở. Còn khi lên đỉnh trong quan hệ tình dục thì nhu cầu ôxy tiêu thụ cao hơn 5-6 MET, nhưng điều này diễn ra rất nhanh chỉ khoảng 30 giây nên lượng ôxy tiêu thụ không thêm đáng kể, tần số tim chỉ khoảng 110-120. Nhưng nếu bị kích thích và xúc động mạnh thì nhịp tim có thể nhanh hơn nữa.

Đối với mức độ suy tim cấp độ III trở lên thì cần phải chú ý: sinh hoạt tình dục ở mức độ vừa phải, nếu thấy mệt, khó thở thì phải ngừng lại. Những người này chỉ cần giảm mức độ quan hệ chứ không cần phải bỏ hẳn. Còn với mức độ suy tim IV hay nặng thì nên kiêng hẳn.

Tuy nhiên, với người bệnh tim mạch cần đặt ra tình huống: Nếu xuất hiện triệu chứng tim mạch trong lúc đang yêu, thì người bệnh cần làm gì?

Trong lúc quan hệ tình dục, tim bạn đập nhanh hơn và mạnh hơn, bạn có thể gặp các triệu chứng của cơn đau thắt ngực (tương tự đau ngực do bệnh mạch vành). Những triệu chứng đau thắt ngực cho thấy tim bạn đang phải hoạt động quá tải bao gồm: cảm giác nặng, đau, tức ở hàm, cổ, tay, ngực, hoặc bụng. Khó thở rõ rệt. Nhịp tim rất nhanh hoặc không đều...

Nếu gặp bất kỳ triệu chứng nào kể trên khi đang quan hệ tình dục, hãy nói cho bạn tình biết. Giảm các hoạt động, nghỉ ngơi và uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ. Viên nitroglycerin ngậm dưới lưỡi hoặc loại xịt dưới lưỡi cách nhau mỗi 12-15 phút sẽ có tác dụng tốt cho bạn. Khi các triệu chứng mất đi, bạn có thể tiếp tục quan hệ tình dục.

Nếu thuốc không làm giảm triệu chứng hoặc triệu chứng lại xuất hiện khi tiếp tục quan hệ tình dục, hãy ngừng lại và đi khám bác sĩ.

Để đảm bảo an toàn, người bệnh tim mạch nên duy trì sức khỏe như: ăn uống đầy đủ, điều độ; vận động, tập luyện, nghỉ ngơi hợp lý, ngủ đủ giấc; dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ. Tập thể dục sẽ có lợi cho sức khỏe như đi bộ, đi xe đạp, bơi... giúp giảm nguy cơ tăng nhịp tim, khó thở, đau ngực... khi quan hệ tình dục. Không quan hệ ngay sau khi ăn. Cần hết sức lưu ý không nên sinh hoạt tình dục khi mệt, những ngày nóng quá hay lạnh quá, vừa làm việc căng thẳng.

Bệnh nhân tim mạch thường không phải là người duy nhất phải đối đầu với bệnh tật. Vợ hoặc chồng, hay người tình của họ cũng lo lắng cùng họ. Những lo lắng ấy có thể làm tăng sức ép lên tình cảm giữa hai người và cả trong sinh hoạt tình dục.

Vì vậy, cả hai bạn cần quan tâm, tôn trọng và cố gắng thấu hiểu và chia sẻ những tâm tư của người kia. Những đôi cùng nhau trao đổi về nhu cầu tình dục và các mối lo ngại sẽ đương đầu tốt hơn với bệnh tật. Sự gần gũi và thẳng thắn sẽ giúp cả hai có đời sống tình dục tốt hơn và có cảm giác dễ chịu hơn để đối phó với bệnh tim mạch.

BS. Hùng Anh

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!