Chị Nguyễn Thị Nhan (bìa phải) tích cực tuyên truyền công tác DS-KHHGĐ đến từng gia đình. Ảnh: Phương Mai
Quan trọng nhất là phải có phương pháp tuyên truyền, vận động hiệu quả
Với sự năng động, nhiệt tình trong công việc, hơn 10 năm qua, chị Nhan luôn đi đầu tham gia đầy đủ các phong trào thi đua, vận động quần chúng nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về DS-KHHGĐ. Với chị, người làm cán bộ chuyên trách dân số, quan trọng nhất là phải có phương pháp tuyên truyền, vận động hiệu quả để nhân dân thực hiện tốt chính sách DS-KHHGĐ. Đồng thời, người cán bộ dân số xã phải nắm được tâm tư, nguyện vọng, những bức xúc trong đời sống sinh hoạt của nhân dân để kịp thời chia sẻ, giúp đỡ giải quyết.
Chị Nhan cho biết, trước đây, nhận thức về công tác DS-KHHGĐ tại địa phương còn nhiều hạn chế, nếp nghĩ sinh con trai để 'nối dõi tông đường' vẫn còn trong nhận thức của nhiều người dân. Vì vậy, công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt chính sách DS-KHHGĐ gặp không ít khó khăn và thách thức, tuy nhiên, chị và các cộng tác viên dân số vẫn không nản lòng. Chị và mọi người đã vận dụng nhiều cách tuyên truyền khác nhau, nhất là tranh thủ vào các buổi trưa hoặc buổi tối, đến từng hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn do sinh đông con hay các cặp vợ chồng sinh con một bề để vừa trò chuyện, kết hợp với tư vấn. Qua đó, vận động họ không sinh nhiều con, không lựa chọn giới tính thai nhi khi sinh để đảm bảo việc chăm sóc, nuôi dạy con thật tốt.
Bên cạnh đó, chị Nhan luôn chủ động tham mưu với Ban Chỉ đạo công tác dân số xã phối hợp lồng ghép tuyên truyền với các ban, ngành, đoàn thể như Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên... để truyền thông, vận động đến các hội viên, đoàn viên thực hiện tốt chính sách DS-KHHGĐ.
Người cán bộ nhiệt tình và tận tâm
Trong các buổi sinh hoạt chuyên đề, các buổi họp truyền thông, nhóm chị Nhan cùng cộng tác viên địa bàn đã lồng ghép tuyên truyền các kiến thức sức khỏe sinh sản như về lợi ích của kế hoạch hóa gia đình, không sinh con thứ ba, không lựa chọn giới tính thai nhi, chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên... đến các đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ.
Chị Nhan còn khéo léo phân tích, hướng dẫn cho các cặp vợ chồng cách sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại để không bị vỡ kế hoạch. Kết quả cho thấy, các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ áp dụng biện pháp tránh thai trên 70%; tỷ lệ sàng lọc trước sinh đạt 50%; sàng lọc sơ sinh đạt tỷ lệ 55%.
Ông Nguyễn Thanh Long, Trưởng trạm Y tế xã Tân Lý Đông cho biết: 'Chị Nhan là một cán bộ dân số giỏi, rất nhiệt tình và tận tâm với công việc. Các chỉ tiêu dân số ở xã giao, đều được chị thực hiện tốt, qua đó đã góp phần đáng kể trong việc thực hiện các chỉ tiêu dân số toàn xã. Những năm trước, Tân Lý Đông là một trong những xã có tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên khá cao. Tuy nhiên những năm gần đây, hàng năm, xã gần như hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch dân số đề ra. Tỷ lệ cặp vợ chồng áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại luôn đạt từ 70% trở lên'.
Bằng tinh thần trách nhiệm, nỗ lực của cán bộ chuyên trách DS-KHHGÐ, chị Nguyễn Thị Nhan đã góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân trong xã về công tác dân số. Với những đóng góp tích cực trên, nhiều năm liền, chị Nguyễn Thị Nhan vinh dự được nhận nhiều Bằng khen, Giấy khen của Sở Y tế, Trung tâm Dân số tỉnh, huyện, xã Tân Lý Đông vì có thành tích xuất sắc trong công tác DS-KHHGÐ.
Tiền Giang tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đưa Nghị quyết 21-NQ/TW vào cuộc sống
Tỉnh Tiền Giang phấn đấu đến năm 2030, duy trì mức sinh thay thế đảm bảo quy mô dân số của tỉnh là 1.866 triệu người; tất cả phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đều được tiếp cận thuận tiện với các biện pháp tránh thai hiện đại, giảm 2/3 số vị thành niên và thanh niên có thai ngoài ý muốn. Ngoài ra, 70% phụ nữ mang thai được tầm soát ít nhất 4 loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến nhất; 90% trẻ sơ sinh được tầm soát ít nhất 5 loại bệnh bẩm sinh phổ biến nhất.
Tiền Giang cũng phấn đấu nâng tuổi thọ đến năm 2030 lên bình quân đạt 75,5 tuổi, trong đó thời gian sống khỏe mạnh đạt tối thiểu 68 năm; 100% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế, được quản lý sức khỏe, khám chữa bệnh, chăm sóc tại gia đình, cộng đồng, cơ sở chăm sóc tập trung; chỉ số phát triển con người (HDI) nằm trong nhóm cao hơn mức trung bình của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và đạt mức bình quân của cả nước…
Để đạt các mục tiêu trên, nhằm thiết thực đưa Nghị quyết số 21-NQ/TW đi vào đời sống, Tỉnh ủy Tiền Giang tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp về công tác dân số nhằm thống nhất nhận thức của cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân về chuyển trọng tâm chính sách từ tập trung vào kế hoạch hóa gia đình sang giải quyết toàn diện các vấn đề qui mô, cơ cấu, phân bố và chất lượng dân số trong mối quan hệ hữu cơ với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!