Ung thư da nhưng chỉ chữa bằng cách đắp lá thuốc
Có mặt tại Trạm Y tế xã Xuân Quang 3 huyện Đồng Xuân từ tờ mở sáng, hai mẹ con bà Lan đưa nhau đi bằng xe máy để mong được gặp bác sĩ, “nhờ bác sĩ coi giúp cái vết thương trên mặt”. Theo lời người con, vết loét trên mặt bà cụ ban đầu chỉ là một nốt nhỏ như đầu đũa.
“Nó bắt đầu to lên theo từng năm. Tôi có đưa mẹ đi khám da liễu nhưng không trị khỏi. Vết thương ngày càng lớn và lan ra che kín hai mắt. Nghe lời đồn ở Đăk Lăk có người bốc thuốc rất hay nên tôi mua về cho mẹ đắp. Không hiểu sao vết thương vẫn không lành”, người con kể.
Bệnh nhân cho biết bà đã không còn nhìn thấy bởi vết thương che lấp mắt. “Tôi đau lắm nhưng không biết mình bị bệnh gì. Nghe người ba khuyên đắp thuốc nên tôi cứ đắp nhưng càng ngày bệnh càng nặng hơn”.
Rất nhiều người lần đầu được bác sĩ khám bệnh
Sau khi thăm khám, BS. Hồ Thái Tính, BV. Ung Bướu TP.HCM cho biết, bệnh nhân bị ung thư da chứ không phải bị loét như người bệnh nghĩ. “Cụ bà bị ung thư da. Vết loét ngày càng rộng do nhiễm trùng bởi người bệnh đắp lá thuốc”. Cũng theo BS. Tính, việc điều trị theo lời đồn một cách thiếu hiểu biết là nguyên nhân khiến bệnh của bà Lan ngày càng nặng hơn, trong khi bệnh ung thư da nếu điều trị đúng, khả năng khỏi bệnh là rất cao.
Răng bị viêm đến thủng cằm vẫn nhất định không nhổ
Ca bệnh khiến các bác sĩ trẻ đến từ BV. Răng Hàm Mặt TP.HCM phải nhìn nhau lắc đầu.
Cụ bà 72 tuổi nhà ở Tuy Phong ôm mặt đến khám bởi “cái răng tôi không hiểu sao mà nó cứ đau, mấy hôm nay cái cằm tôi cũng chảy mủ và nhức nhiều dữ dội”. Bệnh nhân chưa kịp há miệng, các bác sĩ đã chẩn được bệnh bởi lỗ áp xe dưới cằm chính là do chiếc răng cửa ở hàm dưới tạo nên.
“Qua thăm khám, răng 41 áp xe quanh chóp mãn có lỗ dò vùng cằm đã nhiều tháng, tự uống thuốc. Chúng tôi đã cố gắng phân tích và khuyên bệnh nhân đến bệnh viện điều trị nhưng bệnh nhân vẫn kiên quyết đi về, BS. Vũ Thị Bích Vân, BV. Răng Hàm Mặt TP.HCM chia sẻ.
Các dược sĩ phát thuốc miễn phí và hướng dẫn người bệnh cách sử dụng
Bệnh nhân nêu trên không phải là duy nhất. Trong buổi khám từ thiện tại huyện Tuy Phong chiều 20/7, rất nhiều bệnh nhân, nhất là người bệnh lớn tuổi bị viêm răng trong thời gian kéo dài khiến chân răng bị áp xe nhưng vẫn nhất định không chịu điều trị chỉ với lý do “sợ nhổ răng sẽ đau”. Điều đáng nói, rất nhiểu người sống từ nhỏ đến khi 70 tuổi vẫn chưa một lần chịu đi khám răng.
“Tôi bị đau 4 cái răng nhưng sợ bác sĩ nên không đi khám vì sợ phải bị nhổ răng. Thôi cứ kệ như vậy, thà chịu đau còn hơn phải nhổ”, câu nói của một cụ bà khiến các bác sĩ trẻ chỉ biết nhìn nhau.
Trào ngược dạ dày cứ nghĩ mình bị bệnh ho
Ho kéo dài nhiều năm, cứ sáng sớm là ho kèm theo buồn nôn, cụ Măng 68 tuổi nhà xã Xuân Quang 3 khăng khăng nghĩ mình bị bệnh phổi gây ho nên muốn bác sĩ cho thuốc ho trong khi kết quả thăm khám cho thấy bệnh nhân bị trào ngược dạ dày.
Bà cụ phản ứng dữ dội trước nhận định của bác sĩ vì cho rằng dạ dày mình hoàn toàn khỏe mạnh, “không thể bị trào ngược, tôi chỉ bị ngứa cổ và ho, liên quan gì đến cái bao tử”.
Bệnh nhân bị viêm loét ở vùng mặt được thăm khám
Không chỉ riêng bà Măng, trong buổi khám hơn 500 bệnh nhân lớn tuổi tại huyện Đồng Xuân và Tuy Phong đã có đến hơn 200 trường hợp mắc triệu chứng ho giống nhau và toàn bộ các bệnh nhân đều được chẩn đoán mắc chứng trào ngược.
Theo BS. Nguyễn Hữu Đức Minh, giảng viên ĐH Y Dược TP.HCM, người trực tiếp thăm khám cho các bệnh nhân, hầu hết người bệnh hiểu nhầm về bệnh do thiếu kiến thức chăm sóc sức khỏe, chính vì thế họ không biết triệu chứng ho, mất ngủ, đau nhức đều có thể do các bệnh lý về dạ dày. Điều quan trọng là khi được bác sĩ giải thích, nhiều người hoài nghi không tin.
Rất nhiều người lần đầu chịu đi khám bệnh
Nhận định chung về nhận thức chăm sóc sức khỏe của bà con vùng xa tại Phú Yên sau đợt thăm khám, TS.BS. Phan Minh Hoàng, chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ TP.HCM, cho rằng nhiều người cao tuổi vẫn còn mơ hồ về bệnh tật, phần lớn không chịu đi gặp bác sĩ để tầm soát bệnh, thậm chí khi bị mắc bệnh cũng không nghe theo chỉ dẫn điều trị của thầy thuốc.
“Những chuyến thăm khám bệnh từ thiện không chỉ là dịp các bác sĩ trẻ được thể hiện tấm lòng của mình đến với bà con ở khắp mọi miền đất nước, mà còn tuyên truyền cho người dân ý thức phòng bệnh và chữa bệnh. Chuyện không phải một ngày một bữa, nhưng chúng tôi hy vọng bà con ngày càng hiểu hơn những kiến thức cơ bản để tự chăm sóc bản thân”, BS. Hoàng nói.
- Chương trình khám bệnh, tư vấn sức khỏe, phát thuốc miễn phí diễn ra từ ngày 19/7 đến ngày 21/7 tại một số huyện vùng xa của tỉnh Phú Yên nằm trong chuỗi hoạt động “Chung tay vì sức khỏe cộng đồng” do Hội Thầy thuốc trẻ TP.HCM phối hợp cùng các nhà hảo tâm tổ chức.
-Hơn 20 bác sĩ trẻ đến từ các bệnh viện trên địa bàn thành phố và tỉnh Đồng Nai đã đi đến các xã nghèo thuộc huyện Đông Hòa, Tuy Phong để thăm khám, tư vấn, cấp thuốc và tặng quà cho bà con nghèo, các gia đình chính sách. Người đến khám bệnh chủ yếu là những người lớn tuổi.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!