Chị Nga tham gia ý kiến tại buổi giao ban công tác dân số tại Trạm Y tế xã. Ảnh: Công Nam
Thôi thúc bởi cả tình làng, nghĩa xóm
Thôn Bồng Lai là địa bàn rộng, phức tạp nằm ven quốc lộ 20, dân cư sống chủ yếu bằng nghề nông, chăn nuôi và buôn bán nhỏ lẻ. Toàn thôn hiện có 1.000 hộ, bình quân mỗi CTV quản lý hơn 300 hộ, so với một số địa bàn khác thì số hộ mà một CTV ở đây quản lý là rất nhiều.
Những năm trước đây, trình độ nhận thức của người dân còn hạn chế, đường sá đi lại khó khăn. Dân nhập cư tự do và tạm trú theo thời vụ nhiều, địa bàn nông thôn nên cuộc sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế nên việc tuyên truyền vận động người dân thực hiện các chính sách dân số cũng gặp không ít trở ngại. Trong khi đó thù lao hỗ trợ cho CTV thấp so với công sức mà họ bỏ ra, nhiều chị đã nản và bỏ cuộc để lo cuộc sống gia đình. Vậy nhưng chị Trần Thị Thu Nga vẫn nhiệt tình cống hiến cho đến ngày hôm nay.
Chị Nga chia sẻ: 'Bản thân tôi là một CTV, đã gắn bó với công tác dân số 15 năm nay. Nếu như nghĩ về đồng phụ cấp thì không thể gắn bó với công tác dân số được mà chủ yếu vì bà con chòm xóm, nhiều gia đình vì đông con nên họ không thoát được cái đói, cái nghèo. Thấy vậy tôi đã chủ động phối hợp với trưởng thôn, chi hội phụ nữ và những người có điều kiện kinh tế khá giả tuyên tuyền cho những cặp vợ chồng đã có hai con thực hiện chính sách dân số'.
Chi Nga cho biết thêm, khi mới tiếp cận với công tác dân số chị gặp rất nhiều khó khăn và thách thức. Trong quá trình đi tuyên truyền vận động, một số gia đình còn tư tưởng thích sinh đông con, có con trai nối dõi tông đường, khi đến vận động họ thực hiện kế hoạch, họ nổi nóng lên và bảo rằng: 'Tui sinh thì tui nuôi, có xin tiền, xin gạo của mấy bà đâu mà mấy người nói', thậm chí còn đuổi ra khỏi nhà. Những lúc như vậy chị cảm thấy rất buồn và thất vọng. Khó khăn là vậy, nhưng bản thân chị chứng kiến cảnh nhiều gia đình tại địa phương đông con nghèo đói, trẻ em sinh ra không được chăm sóc đầy đủ, càng thôi thúc chị quyết tâm hơn trong công tác dân số.
Nhờ sự khéo léo, nhiệt tình, tận tụy với người dân, chị được mọi người tin yêu nên việc tuyên truyền vận động đạt hiệu quả cao, góp phần không nhỏ vào việc làm thay đổi nhận thức, thái độ hành vi của người dân về công tác DS - KHHGĐ. Theo kinh nghiệm của chị, công tác dân số muốn thành công cần phải tư vấn trực tiếp tại hộ gia đình. Bởi có trực tiếp gặp đối tượng thì mới nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của họ, biết họ cần cái gì? vướng mắc cái gì? Từ đó, nhiệt tình giúp đỡ họ trong những lúc khó khăn.
Tận tâm với công tác dân số
Trước đây, nhiều hộ gia đình vẫn còn nếp nghĩ phải có nhiều con để làm đồng áng, nương rẫy, có con trai để nối dõi tông đường... Do vậy, chị Nga gặp không ít khó khăn trong việc tuyên truyền vận động. Nhưng chị không nản lòng trước những thách thức, mà còn khéo léo tìm hiểu hoàn cảnh của từng hộ gia đình và tìm cách tiếp cận, với phương châm 'đi từng ngõ gõ từng nhà, rà từng đối tượng'.
Để gặp được người dân, chị tranh thủ buổi trưa, buổi tối đến từng hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn do sinh đông con, cặp vợ chồng sinh con một bề để vừa trò chuyện, kết hợp với tư vấn, vận động họ không sinh nhiều con, mỗi gia đình nên sinh đủ 2 con, dành thời gian cho việc chăm sóc, nuôi dạy con tốt, phát triển kinh tế gia đình, có cuộc sống ổn định.
Ngoài việc 'đi từng ngõ, gõ từng nhà', 'mưa dầm thấm lâu' chị còn cấp phát tờ rơi kịp thời cho các đối tượng, nội dung tờ rơi phải phù hợp với từng đối tượng. Đồng thời tư vấn những kiến thức về thực hiện các biện pháp tránh thai an toàn, cách phòng tránh các bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản, các bệnh lây truyền qua đường tình dục, không sinh con thứ 3 và không lựa chọn giới tính thai nhi, sàng lọc trước sinh sơ sinh... để mọi người hiểu và thực hiện đúng. Không những thế chị còn trực tiếp cung cấp các dịch vụ tránh thai khi đối tượng có nhu cầu.
Hàng năm, hưởng ứng Chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản - kế hoạch hóa gia đình, chị Nga luôn tích cực vận động các đối tượng thực hiện KHHGĐ. Chị sắp xếp thời gian đưa đối tượng đến các cơ sở y tế để thực hiện dịch vụ. Nhờ sự năng động, nhiệt tình của chị nên ý thức trách nhiệm về sinh đẻ và chăm sóc con cái của các cặp vợ chồng ở thôn Bồng Lai, xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng đã có chuyển biến tích cực. Từ chỗ thích sinh đông con, nay mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh 2 con, chú trọng đầu tư phát triển kinh tế gia đình. Đặc biệt, 6 năm liền Bồng Lai là thôn không còn trường hợp sinh con thứ ba trở lên. Đời sống vật chất và tinh thần người dân từng bước được nâng lên, số hộ khá, giàu được nâng lên, con cái được học hành đến nơi, đến chốn…
Chị Lê Thị Thanh Huyền, chuyên trách dân số xã Hiệp Thạnh cho biết: 'Chị Nga luôn nhiệt tình, tâm huyết với công tác tuyên truyền người dân thực hiện kế hoạch hóa gia đình. Vì vậy, địa bàn chị Nga quản lý trước đây là một trong những khu vực khó khăn nhất của xã về công tác dân số, nay đã giảm đáng kể về tình trạng gia tăng dân số tự nhiên, mấy năm trở lại đây không còn tình trạng sinh con thứ 3, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu chung của xã. Chị là một trong những CTV được người dân quý mến'.
Trong thời gian làm CTV dân số, chị Nga còn kiêm nhiệm Ủy viên Ban chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ xã. Chị chủ động phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân xã xây dựng và triển khai các mô hình như 'Mô hình phụ nữ không sinh con thứ 3' thu hút 25 cặp vợ chồng tham gia; mô hình 'nam nông dân 6 chuẩn mực' với 20 cặp vợ chồng tham gia. Ngoài ra, chị còn tích cực tham gia các buổi tuyên truyền các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, các buổi hội thảo, các cuộc thi do Hội Liên hiệp Phụ nữ và ngành Dân số tổ chức. Nhờ vậy mà nhiều năm liền chị Nga luôn được tặng giấy khen của các ngành cấp trên, UBND huyện, xã, đặc biệt là một trong những gương điển hình về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!